Thứ Sáu, 26/04/2024 20:32:14 GMT+7

Tin đăng lúc 24-11-2021

Lượt xem: 1440

Schlemmer Việt Nam – Thương hiệu góp phần phát triển Công nghiệp phụ trợ ô tô Hưng Yên

Theo Sở Công Thương Hưng Yên, lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô trên địa bàn tỉnh những năm gần đây khá phát triển, tập trung số lượng lớn các doanh nghiệp lắp ráp ô tô với hai nhóm sản phẩm gồm ô tô tải và ô tô chở khách.
Schlemmer Việt Nam – Thương hiệu góp phần phát triển  Công nghiệp phụ trợ ô tô Hưng Yên
Khu sản xuất khang trang của Schlemmer Việt Nam tại Hưng Yên

Điều này đã kéo theo sự ra đời của nhiều doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ ô tô, góp phần thúc đẩy phát triển mạnh ngành Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nói chung và Công nghiệp phụ trợ ô tô Hưng Yên nói riêng. Công ty TNHH Phụ tùng ô tô Schlemmer Việt Nam là một trong những doanh nghiệp như thế.

 

Schlemmer Việt Nam là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, được thành lập vào năm 2011 tại Khoái Châu, Hưng Yên. Công ty chuyên sản xuất, phân phối phụ tùng ô tô hiện đại và có thể thiết kế, phát triển, cung cấp các phụ tùng nhựa dành cho ô tô. Ngay từ khi ra đời, với tầm nhìn và sứ mệnh vươn xa, Schlemmer Việt Nam đã có vốn đăng ký gần 9 triệu USD (56 triệu RMB) cùng khoảng 300 nhân viên. Điều này đã góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển ngành Công nghiệp phụ trợ ô tô tại địa phương – một trong 6 nhóm ngành CNHT mà Hưng Yên đang tập trung thúc đẩy và có thế mạnh hiện nay.

 

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên, tuy gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng nặng nề của Đại dịch Covid-19 nhưng trong 9 tháng đầu năm 2021, thu ngân sách nội địa của các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp tỉnh ước đạt 1.800 tỷ đồng, đạt 72% kế hoạch đề ra cả năm. Chỉ số phát triển công nghiệp 9 tháng đầu năm 2021 tăng 7,76% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có sự đóng góp của Schlemmer Việt Nam – Đơn vị giữ một vị trí vững chắc trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp hệ thống Air & Fluid ô tô cùng hệ thống kết nối, cũng như các bộ phận phụ trợ cơ điện tử cho xe thương mại châu Âu và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

 

Để có được uy tín cũng như dành được niềm tin từ các khách hàng lớn nhỏ trong và ngoài nước, Schlemmer Việt Nam đã và đang sản xuất các sản phẩm phụ trợ theo dây chuyền sản xuất hiện đại của Schlemmer GmbH (Đức). Nhiều sản phẩm chủ đạo của Schlemmer Việt Nam (như linh kiện phụ trợ hệ thống bảo vệ, không khí và hệ thống chất lỏng, hệ thống cơ điện tử và hệ thống kết nối,...) được khách hàng thuộc nhiều ngành lựa chọn như: Ô tô, xây dựng, máy xây dựng, đường sắt, phát điện gió và sản xuất máy móc nói chung.

 

Đại diện Schlemmer Việt Nam cho biết, nhiều năm qua, Công ty có được sự tín nhiệm từ các khách hàng cũng là bởi Doanh nghiệp luôn tập trung phát triển mọi mặt hoạt động. Đặc biệt là Công ty đã ứng dụng, cài đặt phần mềm  Kingdee K3 ERP. Điều này cho phép Schlemmer Việt Nam có thể đáp ứng nhanh chóng công tác phát triển các dự án, sản xuất, bán hàng, mua, giao hàng qua việc phân tích các thông tin nhanh chóng cho khách hàng. Hơn nữa, Công ty còn áp dụng, thông qua kiểm toán theo tiêu chuẩn quốc tế ISO/TS 16949 và ISO 14001 nhằm đáp ứng mọi yêu cầu đặt hàng với tiêu chuẩn kỹ thuật cao. Nhờ đó, sau 10 năm phát triển, Schlemmer Việt Nam tự hào có nội lực cũng như sức phát triển mạnh mẽ nhất cho các bộ phận sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu chất lượng sản phẩm tốt nhất và doanh thu cao nhất cho Doanh nghiệp. Hiện Schlemmer Việt Nam đang trở thành một nhà cung cấp phụ trợ quan trọng trong lĩnh vực ô tô, với các thiết bị chất lượng hàng đầu thuộc các hệ thống Air & Fuids, các bộ phận cơ điện tử thương mại. Ngoài ra, Công ty còn là nhà cung cấp thiết bị quan trọng cho ngành công nghiệp đường sắt…

 

Theo Schlemmer Việt Nam cho biết thêm, hiện nay, lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu linh kiện phụ tùng ô tô vẫn đầy triển vọng khi tỷ lệ nội địa hóa linh kiện ô tô ở Việt Nam còn thấp và các doanh nghiệp ngành CNHT đang trở lại trạng thái bình thường mới từ việc kiểm soát tốt đại dịch Covid-19. Đặc biệt, các chính sách thu hút, đẩy mạnh phát triển CNHT tại địa phương và Việt Nam đang được chú trọng.

 

Ông Nguyễn Văn Thơ - Giám đốc Sở Công Thương Hưng Yên cho biết, nhằm đẩy mạnh phát triển ngành CNHT, trong đó có CNHT phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô, Sở Công Thương đã tham mưu với tỉnh thực hiện các giải pháp chủ yếu như: Rà soát quy hoạch, điều chỉnh, bổ sung các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 gắn với sản xuất và tiêu dùng bền vững; Xây dựng đề án phát triển CNHT tỉnh Hưng Yên đến năm 2025 định hướng đến năm 2030; Hoàn thành điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển cụm công nghiệp, bảo đảm phù hợp với điều kiện mới và những quy định của Nhà nước, sát với thực tiễn của tỉnh, có tính khả thi cao…

 

 

Một khu sản xuất các sản phẩm phụ trợ của Schlemmer Việt Nam

 

Với mục tiêu đó, hiện nay cũng như thời gian tới, Hưng Yên đã và đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp nói chung và CNHT nói riêng. Hơn nữa, tỉnh đang tích cực tìm kiếm, vận động, lựa chọn các nhà đầu tư có tiềm lực, uy tín, kinh nghiệm triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được quy hoạch. Về cơ chế chính sách, Hưng Yên đang tổ chức thực hiện, phát huy hiệu quả các quy định của tỉnh về phát triển công nghiệp, CNHT, CNHT ngành ô tô; Xây dựng lại danh mục các dự án kêu gọi vốn đầu tư, có sắp xếp thứ tự ưu tiên gắn với các chính sách hỗ trợ đầu tư; Tạo sự hợp tác, liên kết, chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp trong sản xuất, lắp ráp và sản xuất phụ tùng, linh kiện ô tô trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; Hình thành hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện, các dự án lớn, hàm lượng công nghệ cao; Nghiên cứu xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp, gắn kết giữa các doanh nghiệp với các trường đại học, trung tâm đào tạo nghề và thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề…

 

Ngoài cơ chế chính sách thuận lợi nói trên, để phát triển CNHT tốt hơn nữa, Schlemmer Việt Nam cũng như nhiều doanh nghiệp CNHT đề nghị các cơ quan hữu quan cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục cắt giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết đối với các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; Đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng mô hình chính phủ điện tử ở cấp độ phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh; Xây dựng cơ sở dữ liệu các doanh nghiệp CNHT trên địa bàn tỉnh; thường xuyên tổ chức các hoạt động kết nối cung-cầu giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thêm thông tin, thuận lợi trong việc tìm kiếm đối tác, tạo thành các chuỗi sản xuất - phân phối hiệu quả…

 

Có thể nói, trước những thuận lợi và tiềm năng về phát triển CNHT ô tô nói riêng và CNHT nói chung, tin tưởng rằng, thời gian tới, Schlemmer Việt Nam sẽ tận dụng tốt mọi cơ hội cũng như phát huy hơn nữa thành quả và thế mạnh lĩnh vực phụ trợ của mình.

 

Anh Tuấn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang