Thứ Hai, 06/05/2024 13:53:13 GMT+7

Tin đăng lúc 27-06-2023

Lượt xem: 609

Sách lậu, sách giả vẫn “lộng hành” trên mạng

Hiện nay, sách giả, sách lậu ngày càng lộng hành và biến tướng. Không chỉ được bày bán tràn lan ở vỉa hè hay len lỏi vào nhà sách, những loại sách này còn "đổ bộ" lên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội khiến cho cuộc chiến với sách giả càng trở nên gian nan hơn.
Sách lậu, sách giả vẫn “lộng hành” trên mạng
Sách giả thường lem mực, có nhiều vết sọc trên giấy

Theo tìm hiểu của phóng viên với một số tài khoản bán sách trên TikTok, thông thường, từ 19h đến 22h mỗi ngày, những tài khoản này thực hiện livestream bán sách với nhiều ưu đãi được giới thiệu là chỉ có trong khung giờ vàng giảm giá. 

 

Các gian hàng bán sách giả ngang nhiên chạy quảng cáo, bán sách hạ giá lên đến 50%, thậm chí 70%.

 

Đặc biệt, ngoài việc rao bán riêng lẻ từng cuốn, người bán còn đánh vào tâm lý khách hàng bằng cách tạo ra những combo - kết hợp nhiều quyển sách khác nhau chỉ trong một lần mua.

 

Chiêu này khiến khách hàng mua nhiều sách hơn vì thấy rẻ và lợi hơn so với mua từng cuốn. Để chọn mua, họ bình luận trực tiếp trên phiên livestream. Người bán sẽ tạo và ghim sách vào giỏ hàng. Sau đó, bằng một vài thao tác đơn giản, người dùng đã hoàn thành giao dịch.

 

Chị Kim Tuyến (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết từng ôm cục tức vì ham sách lậu giá rẻ trên TikTok.

 

“Tôi vốn là fan đọc sách của tác giả Nguyễn Nhật Ánh, hôm vừa rồi tôi có mua 2 quyển truyện trên nền tảng TikTok với giá 90.000 đồng, trong khi giá niêm yết của nhà xuất bản là 180.000 đồng. Lúc đó vì tưởng mua được giá hời nên tôi không nghĩ nhiều. Nhận sách về, tôi rất thất vọng vì chất lượng không như mong đợi, giấy ngả vàng, màu mực không đồng nhất... Bằng mắt thường, tôi có thể nhìn thấy bìa sách bị in lệch sang một bên, trông rất cẩu thả”, chị Tuyến bức xúc.

 

Sách giả, sách lậu không chỉ gây ức chế cho độc giả bởi chất lượng in, giấy kém mà còn làm thui chột đi sự sáng tạo của người viết sách, làm sách. Nghiêm trọng hơn là bào mòn văn hóa đọc.

 

Qua quan sát, sách giả, sách lậu thường có chất lượng kém do công nghệ in ấn thấp, sao chép thủ công, nguyên liệu giấy không bảo đảm. Đặc biệt, các đối tượng in sách giả, sách lậu không thực hiện quy trình xuất bản theo quy định, không trả tiền bản quyền cho tác giả... Vì thế, sách giả, sách lậu thường được bán với giá thấp hơn nhiều so với giá in trên bìa và giá của sách thật. Lợi nhuận thu được từ sách giả, sách lậu lại rất lớn, nhất là từ khi mạng xã hội và thương mại điện tử phát triển dẫn đến việc kiểm soát, quản lý khó khăn hơn. Trong khi chỉ vào một số dịp đặc biệt, các nhà phát hành sách mới giảm giá (thông thường từ 10% đến 20%) thì nhiều loại sách giả, sách lậu chạy quảng cáo "đại hạ giá" lên đến 50%, thậm chí 70% khiến cho sách thật càng khó cạnh tranh, đến được tay bạn đọc. Ngoài việc bán giá rẻ, các đối tượng buôn bán sách giả, sách lậu còn dùng chiêu trò đăng ảnh sách thật thu hút độc giả, nhưng sau đó lại bán cho họ những cuốn sách kém chất lượng.

 

Hiện nay, pháp luật đã quy định cụ thể về các chế tài xử lý liên quan đến vấn đề này, tùy theo mức độ vi phạm, người vi phạm có thể bị xử lý về mặt hành chính và hình sự.

 

Căn cứ theo quy định tại Nghị định 159/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản thì việc tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép hoặc xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp có thể bị xử phạt hành chính từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

 

Bên cạnh đó, hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm khi chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả có thể bị xử phạt tiền lên đến 35.000.000 đồng theo quy định tại Nghị định 131/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.

 

Để bảo vệ sản phẩm, uy tín của mình, nhiều nhà xuất bản đã sử dụng tem chống hàng giả công nghệ, sử dụng mã QR trên sách... Tuy nhiên, ngành xuất bản có sử dụng công nghệ chống hàng giả nào thì các đối tượng in ấn, buôn bán sách giả, sách lậu cũng sẽ tìm cách làm giả tương ứng. Chính vì vậy, để có thể ngăn chặn nạn sách giả, sách lậu thì phải có hành lang pháp lý chặt chẽ, nghiêm khắc liên quan đến lĩnh vực xuất bản. Trước hết cần kiểm soát chặt chẽ từ khâu cấp phép in ấn đến kiểm tra, phát hành. Tiếp đến, cần nghiên cứu sửa đổi quy định theo hướng tăng mức xử phạt, xử lý nghiêm khắc hơn đối với hành vi in ấn, buôn bán sách giả, sách lậu để tạo tính răn đe.

 

An Nhi


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang