Thứ Năm, 09/05/2024 14:13:24 GMT+7

Tin đăng lúc 29-09-2017

Lượt xem: 3903

Sách lậu, sách giả và những điều cần lưu ý

Dạo quanh các con phố ở Hà Nội, chúng ta không hiếm gặp những sạp sách được bày bán tại vỉa hè, hay những cửa hiệu không tên tuổi. Các cửa hàng sách thế này lại rất hấp dẫn với những đối tượng học sinh, sinh viên vì giá thành rẻ, nhiều thể loại phong phú, nhưng ở đó lại ẩn chứa nhiều nguy hại từ sách lậu, sách giả mà mọi người cần lưu ý.
Sách lậu, sách giả và những điều cần lưu ý
Mua sách giả là giết chết sách thật

Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng, trên các trục Đường Láng, Phạm Văn Đồng hay Tô Hiệu…, có những sạp sách với nhiều loại sách không rõ nguồn gốc (như không có địa chỉ xuất bản hay tên nhà xuất bản rất lạ, không rõ nơi in ấn...), không tem mác chống sách lậu, được bán tràn lan với giá khá rẻ. Có những quyển sách giá niêm yết được chiết khấu lên đến 70%. Để thu hút người mua, các cửa hiệu sách tại đây sử dụng những biển hiệu, những lời mời chào hấp dẫn như: “Đại hạ giá”, “Siêu khuyến mại”, “Tiết kiệm đặc biệt với ưu đãi lên đến 70%”... gây tò mò người xem. Được biết, những khu vực này cũng chính là “thiên đường” sách giá rẻ dành cho học sinh, sinh viên, vì nguồn sách rất phong phú, phục vụ nhiều lứa tuổi, đa dạng thể loại, từ sách giáo khoa, sách tham khảo hay sách thiếu nhi, truyện tiểu thuyết… Trong đó, những hiệu sách gần các trường đại học càng thu hút sinh viên hơn, với chiết khấu kèm các khuyến mại khác. Khách tìm đến mua sách rẻ, phần lớn là những bạn trẻ. Không mấy người thắc mắc hay tự hỏi, những cứ liệu, nội dung, văn phạm của sách liệu có được kiểm duyệt, kiểm soát chặt chẽ  hay không?

 

Bạn Minh Trang, học tại Trường Đại học Thương mại Hà Nội cho biết: “Mình rất hay mua sách gần trường, vì giá rẻ mà tiện đường nữa. Ở đây, mình tìm được đủ các loại sách, thậm chí có cả sách chuyên ngành mình đang học nữa. Thực tế thì mình cũng không biết thế nào là sách lậu, sách giả, chỉ thấy giá tốt so với hầu bao của mình thì mua thôi”. Chị Ngọc sống tại quận Hai Bà Trưng cũng chia sẻ: “Gần đây, tại một sạp sách vỉa hè trên đường Nguyễn Trãi, gần Trường Đại học Hà Nội, tôi thấy có rất nhiều sách. Trong đó, những sách như tử vi, tướng số, dịch lý,... dường như chẳng biết nơi nào xuất bản, ai cấp phép lưu hành. Tôi chỉ tìm mua 1 quyển sách giáo khoa cho con gái, nhưng khi kiểm tra kỹ thì thấy bìa sách bị mờ nhòe, giấy bên trong rất mỏng, nhìn thấu cả chữ bên trang sau và chữ in không rõ nét…”.

 

Với tâm lý mua được sách rẻ, người mua nghĩ chất lượng kém đi một chút cũng chẳng sao. Nhưng điều này lại gây nên những tác hại mà người dùng không ngờ tới. Bởi sách giả thường là những hàng lỗi, sách bị loại bỏ... được các đối tượng buôn bán sách lậu đầu cơ, thu thập đem bán. Những sách đó thường sẽ bị thiếu nội dung, in sai dấu, nhiều lỗi chính tả, mất đính chính… vậy nếu là sách giáo khoa, mua để học tập thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về kiến thức, nhận thức khoa học, xã hội,... Đặc biệt, ở những cuốn tiểu thuyết in lậu, thường tiết kiệm giấy và in dồn chữ, khi đọc lâu ngày sẽ gây hại đến chính đôi mắt của người sử dụng. Thậm chí, sách lậu sử dụng bột giấy kém chất lượng khiến hệ hô hấp ảnh hưởng đáng kể.

 

Sách lậu không chỉ gây hậu quả xấu cho người dùng mà còn gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp kinh doanh, phát hành sách chân chính, các nhà xuất bản uy tín hay những nơi cho ra đời những cuốn sách thật. Họ bỏ tiền ra mua bản quyền, dịch thuật, biên tập, trình bày nhưng rồi bị “cướp” trắng trợn, họ bị thiệt hại về kinh tế và uy tín. Chị Hoàng Thu Liễu - nhân viên Nhà xuất bản Bách khoa chia sẻ: “Để làm ra một cuốn sách chân chính mất rất nhiều tiền bạc và công sức, trải qua nhiều bước, công đoạn như: Đóng thuế, xin bản quyền, biên tập, biên dịch, thiết kế, in ấn, phát hành… nhưng lại bị nạn in lậu, buôn lậu sách gây nhiễu loạn nghiêm trọng”. Đây cũng là một trong số những nguyên nhân góp phần làm cho nhiều tác giả viết sách nản lòng, đau buồn và “giết chết” những ý tưởng mới, những cuốn sách hay, bổ ích, ý nghĩa đang chuẩn bị để ra đời.

 

Thiết nghĩ, trước khi mua sách, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ thông tin cuốn sách mình cần mua và mua sách tại các nhà sách uy tín hoặc những hiệu sách của các nhà xuất bản. Lưu ý, “mua sách giả là giết chết sách thật”!

Chi Thùy

 

 

 

 

 

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang