Thứ Sáu, 26/04/2024 17:14:41 GMT+7

Tin đăng lúc 26-03-2020

Lượt xem: 1062

Phiên họp thứ 43, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sẽ có luật riêng điều chỉnh hộ kinh doanh

Báo cáo về các nội dung lớn trong dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), tại Phiên họp thứ 43, Ủy ban Kinh tế (UBKT) - Cơ quan thẩm tra dự án Luật – cho biết, sau khi tổng hợp ý kiến, tiếp thu, chỉnh lý, Thường trực UBKT đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh tại dự thảo Luật.
Phiên họp thứ 43, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sẽ có luật riêng điều chỉnh hộ kinh doanh
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên họp

“Thường trực UBKT đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)” - Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh - nói và cho biết, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Qua tổng hợp ý kiến, Thường trực UBKT đã có báo cáo về một số vấn đề lớn, như: Quyền của cổ đông phổ thông; chào bán trái phiếu riêng lẻ của công ty không đại chúng; thông báo mẫu dấu của doanh nghiệp… trong đó đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh (HKD) vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

 

Tóm tắt một số vấn đề cụ thể, ông Thanh cho biết, về phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng HKD trong Luật Doanh nghiệp hiện có 2 loại ý kiến, tán thành và không tán thành.

 

Luận giải cho việc tán thành, các ý kiến viện dẫn Luật Doanh nghiệp năm 1999, 2005 và 2014 đã có 1 khoản quy định về HKD và giao Chính phủ quy định chi tiết. Do đó, việc quy định một Chương về HKD trong dự thảo Luật lần này chỉ là bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hóa quy định chung đã có về HKD. Việc quy định HKD trong dự thảo Luật cũng sẽ có tác động tích cực, xóa bỏ hạn chế về thương quyền và nâng cao địa vị pháp lý của HKD.

 

Ngược lại, những người nêu ý kiến cho rằng, cần xem xét, ban hành một luật riêng về HKD vì về bản chất, HKD là một loại hình kinh doanh nên quyền và nghĩa vụ cần phải được điều chỉnh bởi Luật, không thể quy định bằng Nghị định như hiện nay. Hơn nữa, HKD được coi là một hình thức kinh doanh khác biệt với DN tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH và công ty cổ phần. Do đó, việc quy định HKD vào dự thảo Luật sẽ dẫn đến phải mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cho một chủ thể mới.

 

“Với 2 loại ý kiến trên, Thường trực UBKT đồng tình với loại ý kiến thứ 2” – ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

 

Theo Thường trực UBKT, liên quan đến quy định về doanh nghiệp nhà nước (DNNN), hiện có nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi khái niệm DNNN phải bám sát với quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 12-NQ/TW của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương (Nghị quyết số 12). Đồng thời cần nghiên cứu thận trọng, có quy định phù hợp để tránh ảnh hưởng xấu đến quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

 

Thường trực UBKT nhận thấy việc quy định DNNN gồm các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 nhằm thể chế hóa chủ trương về tỷ lệ cổ phần, vốn góp chi phối của nhà nước theo Nghị quyết số 12. Và việc quy định tỷ lệ như dự thảo Luật quay trở lại quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 trước đây.

 

Do đó, để bảo đảm tính khả thi của quy định trên, Thường trực UBKT đề nghị, cần nghiên cứu, đánh giá quy định trên tác động thế nào đến hệ thống pháp luật hiện hành và hướng khắc phục nếu xảy ra chồng chéo, mâu thuẫn, bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật khi Luật này có hiệu lực. Việc sửa đổi khái niệm về DNNN cũng cần dự kiến cụ thể các điều, khoản sửa đổi, bổ sung tại các luật, Nghị quyết của Quốc hội có liên quan về DNNN và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 để bảo đảm đồng bộ hệ thống pháp luật, có hiệu lực thi hành cùng Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

 

Hộ kinh doanh được coi là một hình thức kinh doanh khác biệt với doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH và công ty cổ phần, do đó, UBKT đề nghị tách nội dung về hộ kinh doanh để quy định thành luật riêng.

 

Theo Báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang