Thứ Hai, 06/05/2024 23:39:23 GMT+7

Tin đăng lúc 26-05-2016

Lượt xem: 4104

Phát triển ứng dụng di động: Xu thế mới của thương mại điện tử

Ở Việt Nam, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) được định nghĩa là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác.
Phát triển ứng dụng di động: Xu thế mới của thương mại điện tử
TS. Phạm Nguyên Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại chủ trì Hội thảo “Dịch vụ thanh toán điện tử với phát triển thương mại điện tử - Xu thế và đổi mới"

Mặc dù mới bắt đầu xuất hiện từ năm 2001 và là lĩnh vực khá mới mẻ, nhưng đến nay, hoạt động này phát triển với tốc độ khá nhanh, cơ bản đã tạo lập được khung pháp lý và hệ thống hạ tầng thương mại điện tử vững chắc, bao gồm hạ tầng kỹ thuật internet, hạ tầng pháp lý, hạ tầng thanh toán điện tử và hệ thống cơ sở phân phối. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, doanh số thương mại điện tử giữa các công ty và người tiêu dùng (B2C) của Việt Nam năm 2015 đạt khoảng 4,07 tỷ USD, tăng 37% so với năm trước đó, chiếm khoảng 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. 

 

Ngày nay, TMĐT không chỉ tập trung ở các thành phố lớn mà đã mở rộng trên phạm vi cả nước. Nhiều mô hình kinh doanh TMĐT đã hình thành và được các doanh nghiệp vận hành, triển khai rộng rãi…

 

Cùng với sự phát triển không ngừng của TMĐT, các mô hình ứng dụng TMĐT cũng ra đời, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu người tiêu dùng (NTD). Mới đây, tại buổi hội thảo “Dịch vụ thanh toán điện tử với phát triển thương mại điện tử - Xu thế và đổi mới” do Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) đã chỉ ra, xu hướng phát triển thương mại điện tử trong thời gian tới sẽ là phát triển trên nền tảng ứng dụng di động. Có thể nói, đây là thị trường màu mỡ cho các doanh nghiệp khi thói quen sử dụng thiết bị di động trong mua sắm của người dùng ngày càng phổ biến, không chỉ vậy mô hình thương mại điện tử trên các thiết bị di động là phương thức vô cùng tiện lợi và hiệu quả, giúp NTD dễ dàng sở hữu hàng hóa cũng như doanh nghiệp phân phối hàng hóa trực tiếp đến tay người tiêu dùng ở bất cứ đâu chỉ cần thông qua công nghệ mạng không dây.

 

Thói quen sử dụng thiết bị di động trong mua sắm

 

Theo báo cáo thương mại điện tử 2015, Việt Nam là nước có tỷ lệ người truy cập internet không hề nhỏ, chiếm 45% dân số, tương đương với khoảng 41 triệu người, nằm trong top 10 châu Á và top 20 các quốc gia trên thế giới có lượng người truy cập internet nhiều nhất. Ngoài việc đọc báo, tìm kiếm thông tin, giải trí thì người dùng truy cập mạng còn có mục đích mua sắm hàng hóa online. Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Cục TMĐT & CNTT) cho biết, năm 2015, có tới 62% số người truy cập internet đã chi tiêu tới 160 USD/năm cho mua bán trực tuyến.

 

Đặc biệt là trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, các phương tiện truy cập internet đang dần thay đổi mạnh mẽ, người ta ưa chuộng những sản phẩm như điện thoại thông minh (smartphone), máy tính bảng hơn là việc lúc nào cũng phải mang vác một chiếc máy tính cồng kềnh mỗi khi muốn lướt web. Với ưu điểm nhỏ gọn, tiện dụng và nhanh chóng, điện thoại di động ngày càng trở nên phổ biến, thị trường smartphone phong phú, đa dạng về giá cả và thương hiệu giúp người dùng dễ dàng sở hữu một chiếc điện thoại di động thông minh có đầy đủ tính năng kết nối wifi, 3G, lướt web dễ dàng, mọi lúc mọi nơi, smartphone được coi là vật “bất ly thân” của nhiều người, vật đầu tiên mà họ sẽ xem khi thức dậy và cũng vật cuối cùng họ xem trước khi đi ngủ. Năm 2015, có tới 127 triệu thuê bao di động trên 91 triệu dân, số người truy cập Internet qua điện thoại di động tăng nhanh chóng chỉ ở mức 65% năm 2014 đã tăng lên mức 85% năm 2015. Trung bình mỗi ngày một người dành từ 6 giờ - 8 giờ để truy cập Internet bằng các thiết bị di động cao nhất chiếm 59%, có 56% người sử dụng điện thoại thông minh để tìm kiếm thông tin sản phẩm và 32% người sử dụng thiết bị này để thực hiện hoạt động mua bán. Những con số ấn tượng trên đã cho thấy rõ, xu hướng sau 2015 sẽ có bước khởi sắc của TMĐT Việt Nam trên môi trường mạng điện tử nhất là trên nền tảng di động.

 

Ứng dụng thương mại điện tử trên nền tảng di động trong doanh nghiệp

 

Khi tham gia vào hoạt động thương mại điện tử, doanh nghiệp có thể thực hiện bán hàng qua mạng bằng nhiều hình thức ứng dụng TMĐT như: Giao dịch qua sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội; Thiết lập website của doanh nghiệp hoặc sử dụng ứng dụng trên thiết bị di động. Tại Việt Nam, việc phát triển và sử dụng các ứng dụng di động trong hoạt động kinh doanh đang trở thành một xu thế mới, Bộ Công Thương đã kịp thời ban hành Thông tư số 59/2015TT-BCT quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động nhằm hướng dẫn doanh nghiệp hoạt động TMĐT qua ứng dụng trên thiết bị di động, tạo hành lang pháp lý, môi trường minh bạch để quản lý toàn diện và hiệu quả hoạt động này, bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt xu hướng này, thích ứng nhanh với các ứng dụng được cài đặt trên các thiết bị điện tử, đặc biệt là các thiết bị di động.

 

Theo kết quả khảo sát của Cục TMĐT & CNTT, trong hai năm gần đây, số lượng doanh nghiệp sử dụng ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động tăng từ 11% năm 2014 lên 18% năm 2015. Đồng thời, các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng phiên bản di động cho website của mình, tỷ lệ website có phiên bản di động tăng từ 15% (năm 2014) lên 21% (năm 2015), 77% doanh nghiệp cho phép khách hàng thực hiện toàn bộ quá trình mua sắm trên thiết bị di động (thông qua phiên bản website dành cho di động hoặc ứng dụng di động cài đặt trên máy).   

 

Điển hình là các doanh nghiệp thương mại điện tử như Lazada.vn, Sendo.vn, Zalora.vn, Tiki.vn, Hotdeal.vn, Chotot.vn… đều đang phát triển kinh doanh rất tốt trên nền tảng di động với các ứng dụng di động, trang web có giao diện thân thiện với điện thoại thông minh, máy tính bảng… thu hút đông đảo người tiêu dùng có thói quen lướt web bằng thiết bị di động hằng ngày.

 

Mặc dù số liệu trên là khá khả quan cho thấy doanh nghiệp đang rất tích cực tham gia vào thương mại điện tử nhưng trên thực tế, hoạt động bán hàng qua mạng vẫn chưa thực sự đem lại hiệu quả kinh doanh nhiều cho doanh nghiệp. Có tới 40% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, hiệu quả ở mức thấp và chỉ có 13% cho là có hiệu quả. Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến hoạt động này chủ yếu là do lòng tin của người dùng đối với những website TMĐT. Tâm lý không tin tưởng, cho rằng sản phẩm trên mạng thường kém chất lượng, không đúng so với những gì đã được quảng cáo là trở ngại lớn nhất khi người tiêu dùng quyết định mua sắm trực tuyến.

 

Việt Nam là nước có cơ cấu dân số trẻ, thị trường smartphone bùng nổ mạnh mẽ tạo điều kiện cho người dùng dễ dàng tiếp cận với công nghệ thông tin hiện đại, đặc biệt trong thời buổi hội nhập, với sự tham gia của nước ta vào nhiều FTA, trong đó có TPP sẽ hứa hẹn cho TMĐT ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa, dự kiến doanh thu TMĐT trên nền tảng di động có thể đạt tới mốc 300 triệu USD năm 2020. Các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội này để đổi mới và hội nhập, xây dựng nên một ứng dụng thân thiện với di động, tạo ra những trải nghiệm tích cực, tạo niềm tin cho người dùng, kích thích nhu cầu mua sắm của họ, đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển.

 

Lý Nguyễn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang