Thứ Hai, 29/04/2024 02:06:39 GMT+7

Tin đăng lúc 28-11-2016

Lượt xem: 2559

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Nội: Vẫn khó vì thiếu vốn

Phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao (CNC) là yêu cầu tất yếu để Ngành Nông nghiệp Hà Nội thực hiện thành công kế hoạch tái cơ cấu. Tuy nhiên, đến nay nông nghiệp Hà Nội mới chỉ phát triển theo hướng ứng dụng CNC chứ chưa mở rộng được sản xuất chủ yếu do thiếu vốn.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Nội: Vẫn khó vì thiếu vốn
Mô hình trồng hoa công nghệ cao tại huyện Đan Phượng đem lại thu nhập cao cho người dân. Ảnh: Trịnh Bộ

Nông dân mong mỏi 

Người dân xã Thanh Xuân huyện Sóc Sơn luôn mong mỏi được đưa vùng sản xuất rau hữu cơ (RHC) của mình phát triển thành mô hình mẫu về ứng dụng nông nghiệp CNC của Hà Nội. Hiện xã có 26 nhóm sản xuất RHC với diện tích 34ha. Với quy mô sản xuất lớn, mỗi ngày vùng rau này cung cấp 20 tấn RHC với 40 loại rau, củ, quả cho hàng chục công ty và nhiều cửa hàng phân phối rau sạch, an toàn... RHC của Thanh Xuân sản xuất ra không đủ cung ứng cho thị trường nên các nhóm hộ đều mong muốn mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên việc quy hoạch đồng đất cũng như xây dựng nhà sơ chế còn nhiều khó khăn.

 

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Ngô Đại Ngọc nhận định: Đây là vùng RHC đầu tiên của Hà Nội xây dựng được niềm tin đối với người tiêu dùng. Vì vậy, Sở NN&PTNT Hà Nội xác định đây sẽ là vùng rau an toàn sản xuất theo ứng dụng CNC. Tuy nhiên, đến nay ngân sách cho chương trình còn khó khăn nên Sở chưa hỗ trợ cho vùng RHC này phát triển như định hướng. 

Cũng như vùng RHC Thanh Xuân, người trồng lan xã Đông La, Hoài Đức cũng luôn mong mỏi được hỗ trợ để xây dựng vùng hoa sản xuất theo CNC. Hiện toàn xã có trên 230 hộ trồng lan với đủ các loại lan quý hiếm. Hằng năm, trung bình mỗi hộ thu về 500 triệu đồng đến vài tỷ đồng tùy theo quy mô. Nhờ nghề trồng lan mà rất nhiều hộ ở Đông La đã vươn lên làm giàu. Mặc dù cho thu nhập cao nhưng sản xuất hoa ở Đông La vẫn chủ yếu ở quy mô hộ gia đình, việc trồng và chăm sóc hoàn toàn theo kinh nghiệm chứ chưa ứng dụng CNC vào sản xuất nên hiệu quả chưa cao. 

Ông Trần Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Đông La cho biết: Đông La cũng là một trong những vùng hoa được Ngành Nông nghiệp chọn lựa phát triển thành mô hình sản xuất ứng dụng CNC. Với thế mạnh về kinh nghiệm và nguồn giống, người trồng lan Đông La cũng mong muốn được đưa CNC vào các khâu ghép cành, cấy, tính thời gian ra hoa, độ bền cũng như xây dựng nhà lạnh phục vụ sơ chế, xuất khẩu… để nâng cao thu nhập.

Không chỉ với cây rau, cây hoa, nhiều vùng sản xuất trái cây, chè cũng như chăn nuôi đang mong được ứng dụng CNC vào sản xuất để đem lại lợi nhuận cao. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế: Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC sẽ giúp người dân nâng cao thu nhập gấp 3 - 5 lần, thậm chí hàng chục lần so với sản xuất truyền thống. 

Tập trung vào chính sách và nguồn vốn

Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC 2016-2020 đã được UBND thành phố phê duyệt. Theo kế hoạch, đến năm 2020, giá trị nông nghiệp ứng dụng CNC của thành phố chiếm 35% tổng giá trị toàn ngành. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã quy hoạch Khu nông nghiệp ứng dụng CNC tại phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông). Tại đây có một phần diện tích dành cho các doanh nghiệp (DN) thuê để sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC và một phần diện tích giao cho Sở NN&PTNT xây dựng mô hình kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng CNC. 

Thành phố cũng đã xây dựng một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích các DN, cá nhân, hộ gia đình ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp như tập huấn khoa học - công nghệ, đầu tư một phần hạ tầng... Tuy nhiên, theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cần xác định đưa CNC vào khâu nào là chủ yếu và những cây, con gì cho phù hợp, hiệu quả. Đặc biệt, cần dành quỹ đất cho các hộ và DN muốn sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, đồng thời đề ra những chính sách hỗ trợ sát với thực tế mới cho hiệu quả.

Khảo sát của Ngành Nông nghiệp cho thấy, có tới 90% DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có vốn dưới 10 tỷ đồng. Do vốn nhỏ nên DN gặp khó khăn trong mở rộng sản xuất, trong khi để đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, DN phải có nguồn kinh phí lớn. Tuy nhiên, đến nay nguồn kinh phí hỗ trợ cho chương trình nông nghiệp ứng dụng CNC của Hà Nội vẫn chưa bố trí được. 

Với vùng hoa, trái cây và chăn nuôi lớn như Hà Nội, nếu có định hướng đúng về nông nghiệp ứng dụng CNC thì các sản phẩm nông nghiệp của thành phố có thể xuất bán cho thị trường các tỉnh, thành phố và xuất khẩu ra thế giới.

 

Ông Ngô Tiến Dũng, Tổng Thư ký Hiệp hội Các DN ứng dụng CNC: Theo thống kê của Hiệp hội, chỉ có khoảng hơn 20 DN nông nghiệp CNC trên tổng số hàng nghìn DN nông nghiệp. Hiện hầu hết các DN gặp khó khăn về vốn và ưu đãi đầu tư, trong khi lĩnh vực này lại cần nhiều vốn và mất thời gian dài mới có lợi nhuận.

 

Theo Báo Hànộimới


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang