Thứ Bẩy, 27/04/2024 00:06:03 GMT+7

Tin đăng lúc 10-03-2023

Lượt xem: 1248

“Phát triển liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với các công ty đa quốc gia trong ngành công nghiệp chế tạo”

Đây là chủ đề của buổi Hội thảo do Bộ Công Thương phối hợp với Trung tâm Thương mại, Đầu tư và Du lịch ASEAN - Nhật Bản (AJC) tổ chức vào ngày 09/3/2023 tại TP Hồ Chí Minh. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của 150 doanh nghiệp trong và ngoài nước.
“Phát triển liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với các công ty đa quốc gia trong ngành công nghiệp chế tạo”
Các đại biểu và 150 doanh nghiệp tham dự tại Hội thảo

 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày những tham luận chuyên sâu, cũng như trao đổi trong việc đưa ra các giải pháp, đề xuất chính sách nhằm phát triển mối liên kết giữa các doanh nghiệp chế tạo Việt Nam với các công ty đa quốc gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

Trong bài trình bày giới thiệu về chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tại Việt Nam và định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới, bà Lê Huyền Nga - Trưởng phòng Công nghiệp hỗ trợ, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, để thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo, CNHT, thời gian qua, Bộ Công Thương đã xây dựng cơ chế thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều văn bản chính sách được ban hành.

 

Tuy nhiên, chính sách phát triển CNHT hiện nay còn thiếu các cơ chế đủ hữu hiệu để gắn kết giữa doanh nghiệp cung ứng và doanh nghiệp chế tạo; chưa có chính sách tận dụng năng lực sản xuất của các doanh nghiệp FDI để phát triển chuỗi cung ứng ngay tại thị trường nội địa; chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành sản xuất sản phẩm CNHT cũng chưa đủ hấp dẫn để thu hút được những các nhà đầu tư lớn, có vai trò làm động lực lan tỏa cho cả ngành…

 

Do đó, thời gian tới, Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 về phát triển CNHT sẽ bổ sung thêm nhiều cơ chế ưu đãi, hỗ trợ hợp lý về ưu đãi về môi trường, pháp lý, kiểm định, chứng nhận chất lượng... Đặc biệt, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT tại Việt Nam sẽ được hỗ trợ tín dụng dưới hình thức cấp bù lãi suất và hỗ trợ lãi vay với mức hỗ trợ 3%.

 

Cũng theo bà Lê Huyền Nga, thời gian tới, cần nghiên cứu xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm quốc gia, trong đó, phải phát triển thị trường cho các sản phẩm công nghiệp bao gồm cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. Cùng với đó, cần có chính sách tín dụng cho doanh nghiệp công nghiệp kết hợp hình thành các dịch vụ, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp…

 

Phát biểu tại Hội thảo, TS Trương Chí Bình – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội CNHT cho rằng, với năng lực kỹ thuật sản xuất của doanh nghiệp CNHT Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất được các linh kiện, phụ tùng cho các hãng ô tô, tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp trong nước không cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài cùng lĩnh vực đó là chi phí sản xuất cao.

 

Để các doanh nghiệp CNHT trong nước có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi liên kết với các nhà sản xuất thượng tầng, bài toán đặt ra là các doanh nghiệp Việt phải cắt giảm được chi phí sản xuất. Muốn làm được điều này, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp CNHT cần phải thông thoáng để doanh tiếp cận nhanh, từ đó có nguồn vốn để phát triển. Cùng với đó là cải thiện khả năng tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, các thủ tục xây dựng nhà máy… cho doanh nghiệp.

 

Cũng theo TS Trương Chí Bình, các chính sách khuyến khích CNHT hiện nay đã khá đầy đủ nhưng việc thực thi chưa thực sự hiệu quả, chưa đạt như kỳ vọng. Muốn cải thiện năng lực, mức độ tham gia của doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu, trước hết cần thực thi các chính sách hiện có một cách hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tập trung vào sản xuất; Nâng cao năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa để đáp ứng các yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu; Ưu tiên, khuyến khích các công ty đa quốc gia, doanh nghiệp FDI thực hiện nội địa hóa thông qua các chính sách khuyến khích về thuế, lao động, R&D... Bên cạnh đó cần đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp chế tạo Việt Nam với các doanh nghiệp FDI; Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng yêu cầu của chuỗi giá trị...

 

Nhuận Chí


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang