Thứ Hai, 29/04/2024 04:02:33 GMT+7

Tin đăng lúc 03-08-2016

Lượt xem: 2736

Phát hiện thêm nhiều “điểm đen” vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm

Gần 120 người bị ngộ độc thực phẩm, siêu thị Metro nhập hàng từ các cơ sở không phép; Công ty Coca Cola Việt Nam bị phạt gần 500 triệu đồng do vi phạm VSATTP… là một phần nhỏ trong danh sách các điểm “đen” về ATVSTP vừa được công bố ngày 1/8.
Phát hiện thêm nhiều “điểm đen” vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm
Nhà hàng Four Seasons – nơi du khách đã ăn và bị ngộ độc.

Ngày 15/7, thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Khánh Hòa cho biết, kết quả xét nghiệm của Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh từ 7 mẫu thức ăn được lưu tại bếp của Nhà hàng Four Seasons (đường Trần Phú, TP.Nha Trang, Khánh Hòa) cho thấy, món tôm hấp dừa bị nhiễm vi khuẩn Clostridium perfringens cao gấp 550 lần cho phép (5,6×102 CFU/g, trong khi giới hạn cho phép là 10 CFU/g).

 

Đây chính là nguyên nhân khiến 119 nhân viên của Cty CP bất động sản Thế Kỷ (Tập đoàn bất động sản CEN Group) bị ngộ độc phải nhập viện sau khi ăn trước đó vài giờ.

 

Ngay khi có kết quả kiểm nghiệm, xác định được nguyên nhân ngộ độc, Chi cục đã tiến hành thu hồi tạm thời giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm của nhà hàng Four Seasons; yêu cầu nhà hàng dừng hoạt động để tổng vệ sinh khu vực sơ chế, chế biến, các kho thực phẩm; tổng kiểm tra nguồn gốc hàng hóa, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm; xét nghiệm, kiểm tra nguồn nước dùng để sơ chế, chế biến. Đồng thời sẽ tiến hành xử lý vi phạm hành chính đối với nhà hàng.

 

Tiếp đến ngày 26/7, cơ sở giết mổ của ông Lê Xuân Bảy (trú tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội) bị phát hiện mặc dù chưa có giấy chứng nhận cơ sở giết mổ đủ điều kiện vệ sinh thú y vẫn cung cấp thịt cho siêu thị Metro.

 

Nghiêm trọng hơn, chủ cơ sở này thừa nhận hàng đưa vào siêu thị Metro cũng như đưa ra bên ngoài, chỉ khác nhau ở chỗ, hàng đưa ra bên ngoài nhiều khi không cần đóng túi, không cần tem mác. Theo khẳng định từ chủ cơ sở này: Phía siêu thị đã biết cơ sở giết mổ gia cầm của ông chưa được cấp phép hoạt động, thế nhưng, họ vẫn nhập hàng.

 

Ngoài cơ sở của ông Bảy, siêu thị Metro còn nhập thịt gia cầm từ một doanh nghiệp khác, đó là Cty TNHH Phát triển Thành Đồng II, số lượng vài chục con mỗi ngày. Mặc dù số thực phẩm trên được đóng trong túi, dán nhãn mác rất bắt mắt, nhưng nguồn gốc xuất xứ của những con gia cầm đưa vào siêu thị lại rất mù mờ.

 

Ông Nguyễn Đắc Sinh, GĐ Cty Thành Đồng II cho biết, công ty ông chỉ có giấy chứng nhận cơ sở sơ chế, bảo quản sản phẩm động vật đủ điều kiện ATTP chứ không có giấy phép giết mổ động vật. Số thịt gia cầm cung cấp cho các siêu thị Metro, Fivimat và Co.opmart Hà Nội được ông Sinh nhập từ khu chợ đầu mối ở Bắc Thăng Long (chưa được cấp giấy chứng nhận cơ sở giết mổ động vật đủ điều kiện VSATTP) về và không thể kiểm chứng được nguồn gốc xuất xứ….

 

Sau khi nhận được thông tin, bà Huỳnh Thị Phương Châu, đại diện truyền thông Trung tâm Metro Thăng Long, cho biết, hiện Metro đã dừng đặt hàng và đang tiếp tục làm việc với nhà cung cấp để xác minh vấn đề, đưa ra hướng giải quyết.

 

Mới đây nhất, chiều 28/7, ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế đã ký quyết định xử phạt Công ty Coca-Cola Việt Nam với số tiền hơn 433 triệu đồng vì sản xuất thực phẩm bổ sung không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định tại một số chi nhánh công ty; Sản xuất và bán một lô sản phẩm thực phẩm bổ sung là nước tăng lực Samurai hương dâu có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng về hàm lượng vitamin B9 (Acid Folic).

 

Trước đó, vào cuối tháng 7 vừa qua, cơ quan chức năng TX.Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước bắt nhiều vụ thịt bẩn ngay trung tâm chợ lớn nhất ở Bình Phước. Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 6 TX.Đồng Xoài phối hợp Trạm thú y thị xã đã kiểm tra đột xuất cơ sở Tuấn Hằng (tổ 5, KP.Tân Xuân, P.Tân Xuân, TX. Đồng Xoài) do ông Nguyễn Quốc Tuấn làm chủ và phát hiện tủ đông lạnh chứa gần 800 kg sản phẩm động vật đông lạnh (thịt heo, thịt bò, xương heo, mỡ heo, đầu dê, đầu heo và nội tạng heo, bò) không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có dấu kiểm dịch vệ sinh thú y.

 

Chủ cơ sở kinh doanh cũng không xuất trình được bất cứ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ đối với các sản phẩm này.

 

Tương tự, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, các lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện các vụ nhập lậu thực phẩm, không rõ nguồn gốc.

 

Theo đó, ngày 15/7, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả phối hợp với các cơ quan chức năng TP. Cẩm Phả liên tiếp bắt giữ 02 vụ vận chuyển động vật, gia cầm không có nguồn gốc, xuất xứ gồm: 5 tạ mèo sống và 5 tạ gà sống. Toàn bộ 2 lô hàng nói trên có tổng trị giá khoảng 50 triệu đồng. Các lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính đối với 02 lái xe với số tiền 15 triệu đồng/1 lái xe và tịch thu tiêu hủy toàn bộ toàn bộ số hàng vi phạm theo quy định.

 

Sau đó 2 ngày, khoảng 19h00’ ngày 19/7, tại khu 6 và khu 7 phường Thanh Sơn Công an thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra và phát hiện và thu giữ 218kg thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ và bốc mùi hôi thối gồm: 77 kg thịt lợn, 11 kg thịt dê, 4 kg xách bò, 41 kg mỡ lợn chưa qua chế biến, 36 kg xương bò, 49 kg xương gà. Chủ của lô hàng trên của ông Trần Văn Quân, sinh năm 1989, trú tại khu 11, phường Thanh Sơn, TP Uông Bí.

 

Liên bộ vào cuộc

 

Trước thực trạng trên, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Công Thương đã ký kết chương trình phối hợp quản lý, kiểm soát và ngăn chặn việc lạm dụng hóa chất công nghiệp trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản.

 

Theo biên bản cam kết, hai bộ sẽ cử cán bộ, thường xuyên phối hợp với nhau đi tuyên truyền, tập huấn cho doanh nghiệp về tác hại của hóa chất công nghiệp dùng cho thực phẩm. Đồng thời tổ chức thanh, kiểm tra thường xuyên các cơ sở kinh doanh, rà soát các hóa chất có nguy cơ bị lạm dụng để đưa vào “danh mục hóa chất kiểm soát đặc biệt”.

 

Theo bản cam kết chương trình giữa hai Bộ trưởng, thời gian triển khai chương trình này bắt đầu từ ngày 8/7/2016 cho đến khi có văn bản khác thay thế.

 

Mục đích của việc làm này nhằm tăng cường công tác quản lý, kiểm soát các các hóa chất lưỡng dụng trong sản xuất công nghiệp và trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản thuộc chức năng, phạm vi quản lý nhà nước của hai Bộ. Ngăn chặn việc lạm dụng hóa chất công nghiệp trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản

 

Theo yêu cầu, việc phối hợp hai bên phải đảm bảo tính chủ động, kịp thời, phản ứng nhanh và kiên quyết đấu tranh với những vụ việc lạm dụng hóa chất. Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng một số loại hóa chất công nghiệp đang bị lạm dụng trong kinh doanh thực phẩm và nông sản.

 

Cơ chế làm việc, liên bộ sẽ cam kết trao đổi thông tin cho nhau, phối hợp thanh tra – kiểm tra và xử lý vi phạm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có trách nhiệm thông tin các hóa chất công nghiệp bị lạm dụng trong kinh doanh thực phẩm, nông lâm, thủy sản cho Bộ Công Thương để đưa các hóa chất này vào diện “kiểm soát đặc biệt”.

 

Liên bộ có chức năng thanh kiểm tra và xử lý thường xuyên về việc lạm dụng hóa chất công nghiệp trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nông lâm thủy sản. Định kỳ 6 tháng sẽ có báo cáo tổng kết thực hiện.

 

Nguồn: Enternews


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang