Thứ Bẩy, 27/04/2024 15:32:12 GMT+7

Tin đăng lúc 26-03-2024

Lượt xem: 687

Diễn đàn Chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam

Ngày 26/3, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn “Chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam 2024” (VGMF2024).
Diễn đàn Chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam

Theo đơn vị tổ chức, mục đích của sự kiện nhằm thúc đẩy hoàn thiện và phát triển chuỗi cung ứng ngành sản xuất thông minh tại Việt Nam, qua đó khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế để trở thành trung tâm sản xuất thông minh trong tương lai. Bên cạnh đó, khuyến khích sự quan tâm và đầu tư từ các nhà đầu tư và doanh nghiệp quốc tế vào thị trường Việt Nam, nhằm tạo ra cơ hội và môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế. Cùng với đó, tích hợp và đổi mới chuỗi cung ứng thông qua tập trung vào việc ứng dụng công nghệ đổi mới và quản lý hiệu quả để nâng cao sức cạnh tranh của chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

 

VGMF2024 cũng nhằm mục tiêu tạo ra một nền tảng giao lưu và báo cáo kiến nghị cho các cơ quan Chính phủ; sân chơi giao lưu giữa các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp FDI và chuỗi cung ứng toàn cầu. Thông qua diễn đàn này, các bên tham gia sẽ cùng nhau khám phá cách thức sử dụng sản xuất thông minh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp và đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững.

 

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, kinh tế Việt Nam trong vài năm gần đây tăng trưởng rất nhanh và là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài; đặc biệt, lĩnh vực sản xuất điện tử, chíp bán dẫn, sản xuất thông minh hiện là một trong các lĩnh vực đang được Việt Nam ưu tiên thu hút đầu tư. Nhằm thu hút các “đại bàng” thế giới trong ngành điện tử bán dẫn, các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư tại các địa phương đã được đảm bảo sẵn sàng.

 

Hiện nay, sự cạnh tranh giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới về thu hút FDI và đặc biệt là đối với ngành điện tử, bán dẫn đang rất khốc liệt. Vì vậy, nước nào nhanh nhạy, có những chính sách phù hợp, quyết liệt thì sẽ làm chủ và tranh thủ được làn sóng mới. Để đón nhận được làn sóng đầu tư này, Chính phủ và Thủ tướng đang rất quyết liệt chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan chuẩn bị các điều kiện tốt nhất, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho hay.

 

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, Việt Nam định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc hướng đến các dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao và có tính lan tỏa, kết nối với các doanh nghiệp trong nước. Để thu hút dòng vốn FDI trong ngành bán dẫn, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều hành động mạnh mẽ để tạo ra lợi thế cạnh tranh. Cụ thể: Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Chiến lược phát triển ngành bán dẫn Việt Nam đến năm 2030; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn tại Việt Nam đến năm 2030 với mục tiêu rất cụ thể là đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn. Cùng với đó, thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), trong số đó có 8 lĩnh vực phát triển trọng tâm của NIC, gồm Nhà máy thông minh, đô thị thông minh, truyền thông số, công nghệ môi trường, an ninh mạng, công nghiệp bán dẫn, Hydrogen và y tế; trong đó, đối với lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, đã ký hợp tác với 2 tập đoàn thiết kế chip lớn nhất của Hoa Kỳ là Synopsys và Garden để thành lập trung tâm nghiên cứu, thiết kế chip trong các cơ sở của NIC.

 

Bên cạnh nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho các ngành công nghệ cao, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết giao Chính phủ xây dựng Nghị định về Quỹ hỗ trợ đầu tư, trong đó dự kiến sẽ có những hỗ trợ thích đáng đối với lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, bán dẫn.

 

Cũng tại diễn đàn, ông Trần Tuấn Anh, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cho biết để tiếp tục tạo quỹ đất sạch thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào các dự án công nghệ cao, công nghiệp điện tử bán dẫn, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường với các sản phẩm có giá trị thương mại mang tính cạnh tranh cao nhằm tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

Tiến sỹ Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế (ISC) chia sẻ, vừa qua nhiều “đại bàng” trong ngành điện tử, bán dẫn của thế giới như Intel, Bosch, Panasonics, Kyocera, Foxconn, Samsung, LG…chọn Việt Nam là điểm đến đã cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh của chúng ta đã có nhiều cải thiện và được họ đánh giá rất cao.

 

Nhuận Chí

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang