Thứ Hai, 29/04/2024 09:54:22 GMT+7

Tin đăng lúc 02-06-2021

Lượt xem: 1599

PC Hải Phòng nỗ lực tăng tốc ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý vận hành hệ thống điện

Thực hiện chủ đề năm 2021 của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam” với mục tiêu tích hợp công nghệ số và mô hình quản trị phù hợp vào sản xuất, kinh doanh, qua đó, tăng hiệu quả hoạt động, đổi mới sáng tạo, tối ưu hóa chi phí, nâng cao trải nghiệm và mức độ hài lòng khách hàng, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng đã và đang chủ động triển khai số hóa trong lĩnh vực quản lý vận hành hệ thống điện.
PC Hải Phòng nỗ lực tăng tốc ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý vận hành hệ thống điện

Với mục tiêu chuyển đổi tất cả các trạm biến áp (TBA) sang mô hình TBA không người trực, nên các hoạt động quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành lưới điện ở Công ty đã được thực hiện trên các hệ thống phần mềm như: Hệ thống báo cáo sản xuất vận hành hệ thống điện; hệ thống quản lý kỹ thuật; hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm trên lưới điện; hệ thống quản lý thông tin mất điện (OMS); tổng hợp báo cáo vận hành lưới điện 110 kV; hệ thống điều khiển, giám sát và thu thập dữ liệu SCADA/DMS. Tại Trung tâm Điều khiển xa Hải Phòng, các tính năng cơ bản của hệ thống phần mềm trung tâm SCADA/DMS đã được khai thác triệt để như: Quản lý mô hình thông tin lưới điện, bao gồm quản lý tất cả các dữ liệu chính của Trung tâm Điều khiển; chỉnh sửa hoặc tạo mới cấu trúc sơ đồ một sợi của TBA; tô màu lưới điện; chỉnh sửa đồ họa; nhập dữ liệu hàng loạt; khai báo và mapping tín hiệu các thiết bị tại TBA và các thiết bị trên lưới điện phân phối (Recloser/LBS/FI); thiết lập các cảnh báo âm thanh và sự kiện; mô phỏng trạng thái các thiết bị trên lưới điện; lưu trữ, phân tích và khai thác hệ thống dữ liệu lịch sử phục vụ báo cáo sản xuất vận hành… Ngoài ra, Trung tâm Điều khiển xa Hải Phòng đang từng bước triển khai, xây dựng phân hệ lưới điện thông minh (DMS) với các ứng dụng tính toán lưới điện như: Các ứng dụng dự báo phụ tải;dự toán tình trạng phân phối; tính toán trào lưu công suất; định vị và cô lập sự cố,... 

 

 

 

Việc chuyển đổi các TBA 110 kV có người trực thành TBA 110 kV không người trực giúp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số; đổi mới và cải tiến quy trình quản lý và vận hành hệ thống điện. Tính đến tháng 27/5/2021, Công ty đã có 07/24 TBA 110 kV vận hành với tiêu chí không người trực; 09/24 TBA 110 kV vận hành chế độ thao tác xa có giám sát tại chỗ; 70/90 thiết bị (Recloser/LBS) trên lưới trung thế được kết nối và điều khiển xa từ Trung tâm Điều khiển xa Hải Phòng. Với tỷ lệ thao tác xa thành công 99% (Theo kế hoạch trong năm 2021 đưa những TBA 110 kV và các thiết bị điều khiển Recloser/LBS còn lại thực hiện điều khiển xa) đã góp phần nâng cao năng suất lao động; giảm chi phí vận hành hệ thống; nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và đảm bảo vận hành lưới điện an toàn.

 

Đầu năm 2021, Công ty Điện lực Hải Phòng đã ứng dụng công nghệ kỹ thuật số phát triển phần mềm xử lý sự cố chạm đất tự động. Hiện tại, phần mềm đang được đưa vào vận hành thử nghiệm. Phần mềm xử lý sự cố chạm đất tự động được đánh giá có tính ứng dụng cao, giúp tự động hóa quy trình xử lý sự cố chạm đất hiện tại; giảm thời gian tìm điểm sự cố; hạn chế tối đa số lượng khách hàng bị ảnh hưởng bởi sự cố; qua đó giảm các chỉ số đánh giá độ tin cậy cung cấp điện SAIDI, SAIFI, MAIFI; nâng cao chất lượng điện năng; tránh được sự nhầm lẫn có thể xảy ra do yếu tố chủ quan của người vận hành; tự động hóa quy trình xử lý sự cố, giúp nâng cao năng suất lao động, thông qua việc giảm sự phụ thuộc của quá trình xử lý sự cố vào người vận hành. Phần mềm là tiền đề để phát triển mở rộng các ứng dụng, nâng cao vào tiến trình hiện đại hóa lưới điện phân phối tiến đến vận hành lưới điện thông minh trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

 

Với những nỗ lực và quyết tâm thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng nói riêng và ngành Điện nói chung đang từng bước thực hiện công tác đổi mới, sáng tạo, tích hợp công nghệ số và mô hình quản trị sản xuất kinh doanh, quản lý kỹ thuật, góp phần quan trọng vào lộ trình chuyển đổi số của ngành Điện, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng.

 

Hồ Thanh Nam - Trung tâm Điều khiển xa Hải Phòng

 

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang