Thứ Ba, 14/05/2024 21:22:14 GMT+7

Tin đăng lúc 03-07-2017

Lượt xem: 2358

Nửa đầu năm 2017, Việt Nam nhập thuốc trừ sâu tăng 44% so với năm 2016

PGS.TS Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế trung ương lo ngại, nếu tiếp tục kéo dài tình trạng trên thì chẳng bao lâu Việt Nam sẽ trở thành nơi chứa những thành phẩm kém chất lượng, nhất là hóa chất của Trung Quốc.
Nửa đầu năm 2017, Việt Nam nhập thuốc trừ sâu tăng 44% so với năm 2016
Thuốc trừ sâu có nguồn gốc từ Trung Quốc được nhập khẩu, sử dụng nhiều ở Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Nửa đầu năm 2017, Việt Nam nhập thuốc trừ sâu tăng 44% so với năm ngoái

 

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), giá trị nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu trong nửa đầu năm 2017 ước đạt 495 triệu USD, tăng gần 44% so với cùng kỳ năm 2016. Mặt hàng phân bón nhập khẩu trong thời gian này là 2,34 triệu tấn, đạt 628 triệu USD, tăng gần 24% về khối lượng và tăng gần 18% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nguồn nhập khẩu chủ yếu vẫn từ Trung Quốc.

 

Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm/2017, cứ 1 triệu USD phía Việt Nam bỏ ra để mua phân bón thì có 363.000 USD trả cho phía doanh nghiệp sản xuất phân bón của Trung Quốc (chiếm 36,3% tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này). Tương tự, đối với mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật, Trung Quốc vẫn là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam. Thống kê từ Bộ NN-PTNT, số lượng thuốc trừ sâu và nguyên liệu trong 5 tháng đầu năm 2017 Việt Nam nhập từ Trung Quốc chiếm tới 55% tổng giá trị nhập khẩu.

 

Trước đó, vào tháng 2/2017, số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy tính trong năm 2016, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng hóa chất và sản phẩm hóa chất là 1,8 tỷ USD, riêng hóa chất nhập để điều chế các hợp chất khác đạt 1,02 tỷ USD. Đây là năm đầu tiên Việt Nam chi nhập khẩu nguyên liệu hoá chất đạt kim ngạch hơn 1,02 tỷ USD. Về tổng kim ngạch nhập khẩu, trung bình mỗi ngày Việt Nam phải bỏ ra hơn 112 tỷ đồng để nhập khẩu hóa chất từ Trung Quốc.

 

Điều đáng nói, tuy Trung Quốc không phải là nước có ngành công nghiệp hóa chất phát triển nhưng mặt hàng của nước này vẫn tràn vào Việt Nam nhiều hơn một số nước có ngành công nghiệp hoá chất phát triển như Ấn Độ, Mỹ, Canada, Israel hay Nhật Bản, Hàn Quốc...

 

Nguy cơ ô nhiễm môi trường, hủy hoại sinh thái từ phân bón Trung Quốc

 

Nói về tình trạng Việt Nam phải nhập khẩu nhiều phân bón, thuốc trừ sâu, hóa chất từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc trong thời gian qua, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện phó Viện nghiên cứu Thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nguyên nhân chính là do nhu cầu của Việt Nam lớn nhưng chúng ta chưa có khả năng sản xuất. 

 

Hơn nữa, khi nhập khẩu, các doanh nghiệp đều tính đến hiệu quả và chi phí sản xuất. Những quốc gia có ngành công nghiệp hóa chất phát triển như: Ấn Độ, Mỹ hay Canada thì giá thành đắt đỏ hơn. Trong khi Trung Quốc là quốc gia gần Việt Nam nên khi nhập hóa chất về chi phí, giá cả sẽ rẻ hơn, doanh nghiệp sẽ có lợi nhiều lợi nhuận.

 

Bên cạnh đó,Việt Nam cũng như một số quốc gia láng giềng xung quanh Trung Quốc thường tìm cách nhập qua con đường tiểu ngạch thay vì chính ngạch để trốn thuế, tạo ra nhiều lợi thế hơn cho doanh nghiệp.

 

 

Nhiều chuyên gia lo ngại trước nguy cơ thuốc trừ sâu, phân bón Trung Quốc gây nguy hại đến môi trường. 

 

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế trung ương bày tỏ lo ngại trước việc Việt Nam nhập quá nhiều phân bón, thuốc trừ sâu, hóa chất từ Trung Quốc. Theo ông Đoàn, từ những số liệu thống kê có thể thấy Việt Nam đang nhập siêu từ Trung Quốc và đang đứng trước nguy cơ lệ thuộc vào quốc gia này.

 

“Nếu bị chi phối thì chúng ta sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc và điều quan trọng là chúng ta không rõ thông số hóa chất của họ là thô hay là gì và có tác hại đối với môi trường như thế nào”, ông Lê Cao Đoàn phát biểu.

 

Cũng theo vị PGS này, nếu tiếp tục kéo dài tình trạng trên thì chẳng bao lâu Việt Nam sẽ trở thành nơi chứa những thành phẩm kém chất lượng, nhất là hóa chất của Trung Quốc. Ông Đoàn tiếp tục cảnh báo rằng nếu Việt Nam tiếp tục lệ thuộc vào Trung Quốc, nền kinh tế của chúng ta sẽ bị tụt hậu. Cùng với đó là nguy cơ ô nhiễm môi trường sinh thái và ảnh hưởng đến cuộc sống của con người.

 

Nguồn Vietq.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang