Thứ Năm, 02/05/2024 09:02:26 GMT+7

Tin đăng lúc 01-01-2017

Lượt xem: 2637

Nông nghiệp công nghệ cao - Hy vọng mới

Lần đầu tiên có một cuộc đối thoại giữa Chính phủ và các doanh nghiệp về xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao tại Hội nghị “Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam” mới đây.
Nông nghiệp công nghệ cao - Hy vọng mới
Ảnh minh họa

Hơn thế, Thủ tướng Chính phủ có những cam kết mạnh mẽ, như: Sẽ dành gói tín dụng khoảng 50 - 60 nghìn tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao với cơ chế vay thuận lợi, thông thoáng nhất; sẽ thí điểm ngân hàng về quỹ đất... Tất cả đã làm dấy lên những hy vọng về bước ngoặt mới cho nền nông nghiệp Việt Nam trong tương lai gần.

 

Thực tế, Việt Nam có đầy đủ điều kiện xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, có khả năng trở thành trung tâm cung ứng sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.

 

Thế nhưng, nông nghiệp Việt Nam đang có những hạn chế lớn về vốn, kết cấu hạ tầng, xử lý môi trường, giống... Trong đó có hai cản ngại lớn nhất: Quỹ đất và vốn. Hàng chục triệu hộ nông dân sản xuất manh mún trên những mảnh ruộng nhỏ bé, hàng trăm nghìn hợp tác xã, tổ hợp tác bé li ti, vốn ít ỏi, ruộng đất bị xé lẻ không thể sản xuất lớn..., làm sao có thể tổ chức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao?

 

Nhìn ngược thời gian, trong dăm năm trở lại đây, nông nghiệp Việt Nam đã hiện hữu nhiều doanh nghiệp lớn với những dự án tầm cỡ, được xem là những dấu hiệu khởi sắc của nông nghiệp công nghệ cao.

 

Ngoài những cái tên quen thuộc như Hoàng Anh Gia Lai (nuôi bò sữa, bò thịt), Hòa Phát (sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi lợn, gia cầm), Vingroup (sản xuất rau củ quả sạch với thương hiệu VinEco), Vinamilk, TH True milk (trang trại nuôi bò sữa công nghệ cao, sản xuất sữa sạch), gần đây đã xuất hiện những tên tuổi mới như: Him Lam với những dự án trồng mắc ca với vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng. FLC với dự án 1.300ha mía, cao su. Mới đây, người đứng đầu Thaco tuyên bố sẽ tạo mô hình trồng lúa công nghệ cao ở phía Bắc...

 

Thế nhưng, dường như những đầu tàu đó vẫn chưa kéo được những đoàn tàu - doanh nghiệp và hộ nông dân - chạy nhanh và mạnh. Nông nghiệp đang rất cần có thêm nhiều đầu tàu như vậy. Song, những đoàn tàu lớn sẽ chạy trên đường ray nào?

 

Có chuyên gia kinh tế bình luận: Gói 50 - 60 nghìn tỷ đồng chỉ như một trong nhiều động lực mạnh thúc đẩy. Tư duy mới về đất đai, những chính sách hữu hiệu phù hợp thực tiễn... mới chính là “đường ray 1,5m” thay vì “đường ray 1m” hiện nay để những đầu tàu khỏe mạnh kéo những đoàn tàu chạy với tốc độ lớn đến đích: Nông nghiệp công nghệ cao.

 

Nguồn Báo Công Thương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang