Thứ Tư, 15/05/2024 12:21:43 GMT+7

Tin đăng lúc 03-05-2016

Lượt xem: 11142

Nhận rõ cơ hội và thách thức trong giai đoạn mới để có những giải pháp thích hợp

Trong Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015, kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, dự kiến giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6,5 - 7%/năm. Chỉ số giá GDP bình quân 6,0-6,5%/năm. Tỷ giá VND/USD tăng bình quân 2-3%/năm.
Nhận rõ cơ hội và thách thức trong giai đoạn mới để có những giải pháp thích hợp
Ảnh minh họa

Tới năm 2020, nếu tính theo kịch bản thấp (GDP tăng bình quân 6,5%/năm, chỉ số giá GDP bình quân 6%/năm, tỷ giá VND/USD tăng bình quân 3%/năm), thì GDP (theo giá hiện hành năm 2020) khoảng 7.695 nghìn tỷ đồng, tương đương 307,5 tỷ USD. Khi đó, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 USD/người. Còn nếu tính theo kịch bản cao (GDP tăng bình quân 7%/năm, chỉ số giá GDP bình quân 6,5%/năm, tỷ giá VND/USD tăng bình quân 2%/năm), GDP (theo giá hiện hành năm 2020) khoảng 8.075 nghìn tỷ đồng, tương đương 336,4 tỷ USD. Trong trường hợp này, GDP bình quân đầu người khoảng 3.500 USD/người.

 

Như vậy, với dự kiến về tốc độ tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá GDP và tốc độ tăng tỷ giá VND/USD thì GDP bình quân đầu người năm 2020 sẽ khoảng 3.200-3.500 USD, đúng như chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng đề ra.

 

Bước vào thực hiện những mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng này, nền kinh tế Việt Nam có nhiều thuận lợi khi các hiệp định đã và đang đang ký kết nói chung sẽ mở ra cơ hội lớn trong việc huy động vốn, khả năng tăng nhanh xuất khẩu, giải quyết thị trường lao động... Từ đó sẽ tạo ra những điều kiện rất tốt để chúng ta hội nhập sâu hơn, toàn diện hơn, sức cạnh tranh của chúng ta được cải thiện tốt hơn, góp phần tăng thêm thu nhập cho người lao động. Một thuận lợi khác là kết quả chỉ tiêu của năm 2015 tương đối toàn diện, doanh nghiệp đã bắt đầu hồi sức, trở lại thị trường nhanh hơn, tốt hơn. Bên cạnh đó chúng ta đã một bước hoàn thành hệ thống thể chế, giải quyết được những vấn đề tồn tại, giải phóng sức lao động, tạo sự vươn lên của doanh nghiệp. Quá trình sắp xếp lại doanh nghiệp, ngân hàng, đã có những kết quả ban đầu, cách điều hành tập trung hơn, những khó khăn của doanh nghiệp đã dần được tháo gỡ. Ngoài ra, năm 2016 chúng ta còn tiến hành Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Bầu cử Quốc hôi mới sẽ chọn lựa được đội ngũ lãnh đạo mới, góp phần tạo ra động lực phấn đấu hơn. Đó là những thuận lợi cơ bản để chúng ta vững tin bước vào giai đoạn mới.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, nền kinh tế Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức rất lớn, thậm chí còn gay gắt hơn cả năm 2015. Tình hình biến đổi khí hậu, hạn hán đã và đang hoành hành, biểu hiện rất rõ, ảnh hưởng rất lớn đến nền nông nghiệp. Rồi khó khăn từ vòng xoáy của giá nông sản, thực phẩm đang giảm trên phạm vi toàn thế giới. Mặt khác chúng ta cũng bị ảnh hưởng do tác động của nền kinh tế thế giới phục hồi không đều. Trong bối cảnh đó, việc Mỹ tăng lãi suất cho vay, dòng vốn thế giới sẽ hút về những nước phát triển như Mỹ, làm đồng USD mạnh lên, các đồng tiền khác thay đổi. Chúng ta cũng phải thay đổi thông qua tỷ giá, làm đảo lộn tình hình sản xuất kinh doanh, hay thị trường chứng khoán, bảo hiểm cũng đang khó khăn, tuy phục hồi nhưng chưa thực sự vững chắc. Năm 2016, thời cơ rất lớn nhưng khó khăn cũng rất nhiều, trong đó khó khăn đã hiện hữu rồi nhưng thời cơ thì vẫn còn đang ở dạng lý thuyết. Chẳng hạn như cơ hội khi TPP và một số FTA có hiệu lực. Liệu hàng hóa Việt Nam có thể cạnh tranh được với hàng hóa các nước khác hay chưa? Hơn nữa, dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều, nợ công đã lên đến 60% GDP. Năm 2016 phải dùng đến 24-25% ngân sách để trả nợ đến hạn. Theo số liệu thực tế thống kê từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, quý I/2016 có 2.919 doanh nghiệp giải thể (tăng 13,8% so với cùng kỳ 2015), 8.026 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 44,7%) và 12.018 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể (tăng 13,1%). Đây không phải là điều bình thường. Cải cách thủ tục hành chính tuy đã có sự chuyển biến, nhưng doanh nghiệp vẫn bức xúc với sự nhũng nhiễu, vòi vĩnh của những người có chức có quyền. Bên cạnh đó, những tháng đầu năm nay, tình hình kinh tế Trung Quốc rất nóng, ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu của Việt Nam

 

Với bối cảnh đó, chúng ta cần đánh giá thực chất tình hình kinh tế quý I/2016 để có những giải pháp thích hợp hơn trong thời gian tới. Theo nhận định của Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), kinh tế quý I chứng kiến mức suy giảm tăng trưởng đáng kể kể từ năm 2012 tới nay. Lần đầu tiên trong 5 năm, tăng trưởng quý I thấp hơn so với mức tăng trưởng cùng kỳ năm trước. GDP quý I/2016 chỉ đạt 5,46%, thấp hơn cùng kỳ năm 2015 là 6,12%. Đây chính là điểm mấu chốt trong diễn biến kinh tế quý I/2016 vừa qua. Cụ thể, trong khi khu vực dịch vụ vẫn diễn biến tích cực thì đóng góp của công nghiệp vào tăng trưởng lại không đạt như kỳ vọng. Tăng trưởng dịch vụ ổn định ở mức 6,13% và đóng góp 2,48 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP quý I. Riêng ngành công nghiệp, các chỉ số báo cáo đều cho thấy những dấu hiệu chững lại rõ ràng, chỉ số sản xuất công nghiệp, tiêu thụ và tồn kho đều thấp hơn so với thời điểm cuối 2015. Chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ đạt trung bình 6,3% trong quý I, thấp hơn nhiều so với con số xấp xỉ 10% trong năm 2015. Trong khi đó, lạm phát lại có xu hướng tăng trở lại trong 3 tháng đầu năm. Lạm phát toàn phần so với năm ngoái đã vượt mức 1% trong tháng 2 và đạt 1,69% cuối quý. Theo VEPR, nguyên nhân mức tăng này là do điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục trong đầu tháng 3. Cũng theo VEPR, thâm hụt ngân sách đang có chiều hướng lớn dần và chi tiêu tiêu dùng thì giảm.

 

Mặc dù kinh tế quý I/2016 không được như mong đợi. Nhưng với nhiều yếu tố mới, mạnh mẽ, khả năng đạt mức tăng trưởng GDP và các chỉ tiêu khác trong năm 2016 và các năm tới vẫn có khả năng hoàn thành, nhưng để đạt được mục tiêu trên, cần có động lực mới, nếu không sẽ khó đạt được.

 

Về chính sách tiền tệ, trong thời gian qua đã có những kết quả tích cực như góp phần ổn định vĩ mô, xử lý nợ xấu, giải quyết ngân hàng đổ vỡ… Tuy nhiên, mục tiêu giảm lãi suất ngân hàng để hỗ trợ thêm cho nền kinh tế vẫn còn khó. Trong điều kiện hiện nay, tất cả các nguồn lực tín dụng kể cả nhà nước doanh nghiệp đều dựa vào ngân hàng thương mại là chưa thật bền vững. 

        

Để ổn định hệ thống ngân hàng, cần tiếp tục tái cấu trúc, tạo lập cơ sở để nâng cao quản trị phát triển mới. Nếu như chúng ta không quyết liệt giải quyết những “điểm nghẽn” và không nâng cao kỹ năng quản trị sẽ khó thực hiện các mục tiêu ổn định hệ thống ngân hàng như đã đặt ra. Phải tái cơ cấu nợ công để giảm áp lực hàng năm cho vấn đề nợ công; trong đó kể cả phát hành trái phiếu. Bên cạnh đó, phải giải quyết đồng bộ giữa thị trường vốn, tức là thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm theo tinh thần tái cấu trúc. Hiện nay tất cả mọi gánh nặng đều đổ lên ngân hàng thương mại khi không thể nào giải quyết được bài toán về vốn.Về chính sách tài khóa, trọng tâm nhất là phải xem lại cân đối thu chi. Phải giảm cho được chi thường xuyên bằng các biện pháp; trong đó có cải cách hành chính.

 

Trong bối cảnh ngày càng đi sâu vào hội nhập, chúng ta cần phải làm thế nào để đối phó với tình hình mới? Trước tiên chúng ta phải hoàn chỉnh thể chế để vượt lên thách thức, nội lực phải được nâng lên, bởi vấn đề bây giờ thuộc về yếu tố chủ quan của chúng ta. Mục tiêu GDP đề ra lớn, quá trình tái cơ cấu lại không hề đơn giản, nếu không có nội lực, không tự nâng tầm mình lên sẽ rất khó

 

Muốn nội lực nâng lên trước tiên chúng ta phải áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất kinh doanh, nhất là trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần phải tập trung cho doanh nghiệp bằng cải cách và đổi mới, hoàn chỉnh thể chế để doanh nghiệp bứt phá lên. Đặc biệt, chúng ta phải thúc đẩy mạnh mẽ tái cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, chỉ như vậy mới phát triển được. Do vậy cần phải cổ phần hóa, tái cơ cấu và tăng cường quản trị doanh nghiệp Nhà nước.

 

Một vấn đề khác, vừa qua chúng ta nhập siêu quá nhiều nên phải tổ chức lại sản xuất để chiến thắng ngay trên sân nhà. Hướng tới xuất khẩu là rất tốt, song chúng ta cần phải tận dụng tối đa thị trường lớn với hơn 90 triệu dân hiện nay. Muốn không bị thua ngay trên sân nhà thì chất lượng sản phẩm phải được nâng lên và giá thành sản phẩm phải hạ xuống, có như vậy mới khai thác và tận dụng tối đa được thị trường trong nước.

 

 Hà Lê


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang