Thứ Năm, 02/05/2024 07:40:03 GMT+7

Tin đăng lúc 14-12-2023

Lượt xem: 225

Nghịch lý giá lợn hơi trong nước rẻ bèo, thịt lợn nhập khẩu vẫn tăng

Dù giá thịt lợn hơi trong nước giảm nhưng lượng nhập khẩu thịt lợn vẫn tăng tháng thứ 6 liên tiếp.
Nghịch lý giá lợn hơi trong nước rẻ bèo, thịt lợn nhập khẩu vẫn tăng
Dù giá thịt lợn hơi trong nước giảm nhưng lượng nhập khẩu thịt lợn vẫn tăng tháng thứ 6 liên tiếp.

Giá lợn hơi ngày càng giảm

 

Bà Nguyễn Thị Lập - chủ hộ chăn nuôi lợn ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc cho biết, cách đây 3 tháng, trước tình trạng giá lợn hơi liên tục giảm, bà nhanh chóng giảm số lượng nuôi nhưng vẫn duy trì khoảng 50 con chờ đến Tết, giá lợn lên để xuất chuồng. Nhưng đến thời điểm này, bà Lập "rất sốt ruột" vì giá lợn ngày càng giảm.

 

"Theo quy luật của thị trường, thời điểm sát Tết, giá lợn hơi sẽ tăng, nhưng năm nay thì khác hẳn, chỉ còn 2 tháng nữa là Tết Nguyên đán nhưng giá lợn hơi vẫn tiếp đà giảm, thị trường giao dịch rất trầm lắng", bà Lập nói với Lao Động ngày 13.12.

 

Thống kê từ đầu tháng 12.2023 đến nay, tại miền Bắc, giá lợn hơi dao động trong khoảng 48.000 - 50.000 đồng/kg. Tương tự, khu vực miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam, giá cũng dao động trong khoảng 47.000 - 51.000 đồng/kg. Tính chung từ đầu quý IV/2023 đến nay, giá lợn hơi không cải thiện, thậm chí còn giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022.

 

Theo báo cáo của Tổng Cục Hải quan, tính đến hết quý III Việt Nam xuất khẩu 16,16 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 77,85 triệu USD, tăng 28,4% về lượng và tăng 39,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Đối với mặt hàng thịt lợn đông lạnh, Việt Nam nhập khẩu 39,41 nghìn tấn, trị giá 98,25 triệu USD, tăng 45,5% về lượng và tăng 35,4% về trị giá so với quý II. Thịt lợn đang là loại thực phẩm có lượng nhập khẩu tăng mạnh nhất, với 6 tháng tăng trưởng liên tiếp.

 

Lượng thịt lợn nhập khẩu thêm về khiến chênh lệch cán cân cung - cầu                   

 

Ông Vũ Tuấn Anh - Chủ tịch Công ty GLE cho biết, chỉ riêng 10 tháng năm 2023, nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh đã ở mức 95.400 tấn, tăng 7% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Trong khi đó, tổng đàn lợn nuôi trong nước đã ở mức khoảng 28 triệu con, hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. "Lượng thịt lợn nhập khẩu thêm về khiến cán cân cung - cầu càng lệch hơn, khiến giá lợn hơi trong nước giảm mạnh" - ông Vũ Tuấn Anh cho hay.

 

Trao đổi với Lao Động chiều 13.12, TS Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, nếu nhìn về số liệu thì đúng là lượng lợn nhập khẩu chiếm dưới 5% sản xuất trong nước thì không thể ảnh hưởng nhiều đến thị trường. Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu chỉ mới thống kê hàng nhập khẩu chính ngạch. Còn thực tế có cả lợn nhập lậu từ Lào, Campuchia, Thái Lan đã từng được nhiều cơ quan báo chí phản ánh.

 

Theo ông Dương, ngành chăn nuôi lợn năm nay khó khăn, giá bán thường xuyên dưới giá thành do sức mua yếu. Các trại nuôi cũng rất vất vả trong phòng chống dịch bệnh, chủ yếu là tả lợn châu Phi gây ra hao hụt lớn, đẩy giá thành tăng cao.

 

Đặc biệt, hiện thuế nhập khẩu của nhiều mặt hàng thịt lợn đã về 0% và chỉ 2 năm nữa gần như toàn bộ chủng loại lợn nhập khẩu sẽ về 0% nên sức ép cạnh tranh rất lớn.

 

"Chúng ta cần chặn đứng nguồn thịt lợn nhập lậu. Đối với hàng nhập khẩu chính ngạch cũng cần có hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước và người tiêu dùng. Hiện tại, tình trạng thịt lợn đông lạnh không được kiểm soát về hạn sử dụng hay rã đông bán như hàng tươi tiềm ẩn rủi ro mất an toàn thực phẩm" - TS Dương nói.

 

Theo Lao động


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang