Thứ Bẩy, 27/04/2024 07:49:03 GMT+7

Tin đăng lúc 20-09-2016

Lượt xem: 5307

Nghệ An: Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ

Tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với các ngành mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế như: Chế biến hải sản, vật liệu xây dựng, đồ uống, dệt may, cơ khí. Phát triển một số sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao như linh kiện, thiết bị điện tử, điện thoại di động, phần mền công nghiệp… là mục tiêu, nhiệm vụ chính mà tỉnh Nghệ An đề ra trong kế hoạch phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh thời gian tới.
Nghệ An: Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ
Sản xuất linh kiện điện tử tại Nhà máy BSE

Trong những năm qua, công nghiệp của tỉnh Nghệ An đã có sự phát triển mạnh mẽ. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 so với năm 2010 đạt hơn 34 nghìn tỷ đồng; Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân 5 năm giai đoạn 2011-2015 đạt 15,44%; Giá trị Công nghiệp – Xây dựng chiếm 39-40% tổng sản phẩm xã hội của tỉnh. Trong đó, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cũng đã có những đóng góp đáng kể.

 

Có thể nói, ngành CNHT của tỉnh Nghệ An thời gian qua đã đạt được một số thành tựu nhất định. Tỉnh đã thu hút được một số nhà đầu tư như: Nhà máy bao bì Sabeco chuyên sản xuất vỏ lon bia hai mảnh và bao bì carton cho nhà máy bia trong hệ thống Tập đoàn Sabeco; Công ty CP Bao Bì Và Kinh Doanh Tổng Hợp Nghệ An sản xuất bao bì xi măng và bao bì nông sản; Công ty CP Nhựa Bao bì Vinh sản xuất bao bì xi măng, bao bì nông sản và các sản phẩm bằng nhựa; Công ty TNHH Strongplus Elevator Việt - Hàn sản xuất và phân phối các sản phẩm cơ khí bulong, ốc vít, các thiết bị phụ trợ chủ yếu cho sản xuất thang máy và xuất sang Hàn Quốc; Nhà máy cơ khí Vinh sản xuất kết cấu thép gia công và chế tạo; Công ty TNHH BSE Việt Nam chuyên cung cấp linh kiện điện tử cho các hãng điện thoại nổi tiếng như Sam Sung, Nokia, LG…

 

Mặc dù đạt được kết quả tích cực, nhưng nhìn chung ngành CNHT tại Nghệ An còn nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm đơn điệu, chưa đáp ứng yêu cầu đúng nghĩa phụ trợ cho các nhà đầu tư, các dự án đang xây dựng trên địa bàn. Đặc biệt, CNHT cho ngành dệt may – một trong những ngành trọng điểm của tỉnh thì hầu như chưa có gì. Hiện nay, tất cả các thiết bị phục vụ sản xuất dệt may như: Kim, cúc, chỉ, khuy bấm, dây khóa, kéo kim loại…. hầu hết đều phải nhập ngoại. Ông Cho Sung Koo, Giám đốc điều hành Công ty BSE Việt Nam cho biết: Tất cả các sản phẩm phụ trợ phục vụ cho sản xuất của nhà máy đang phải nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc, tại Nghệ An không có nên đôi khi doanh nghiệp rất bị động.

 

Trao đổi với phóng viên, đại diện Lãnh đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Nghệ An cho biết: Để tạo thuận lợi cho phát triển CNHT của tỉnh trong thời gian tới, Trung tâm sẽ xây dựng quy hoạch phát triển CNHT; nghiên cứu xây dựng một số chính sách đặc thù cho sản xuất CNHT; tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, tiếp xúc với các tổ chức, đối tác của một số nước có đầu tư lớn tại Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singarpo; liên kết các cơ sở sản xuất nghiên cứu, đào tạo trong và ngoài nước; tổ chức đào tạo nâng cao nhân lực quản lý, kỹ thuật phục vụ sản xuất sản phẩm; tổ chức hoạt động nâng cao năng lực về quản trị cho doanh nghiệp, quản trị sản xuất, kết nối các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT với khách hàng, xúc tiến hỗ trợ thị trường tiêu thụ sản phẩm CNHT; tổ chức hội chợ, triển lãm… Thông qua những giải pháp này sẽ góp phần tạo ra giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp Nghệ An, giúp tăng sức cạnh tranh sản phẩm công nghiệp, đẩy nhanh quá trình CNH-HĐH. Thu hút thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, phấn đấu đưa Nghệ An trở thành Trung tâm CNHT khu vực Bắc Trung Bộ vào năm 2020, từ đó tạo đà cho KT-XH tỉnh nhà phát triển bền vững./.

 

Lê Thảo


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang