Thứ Bẩy, 27/04/2024 01:52:44 GMT+7

Tin đăng lúc 09-11-2022

Lượt xem: 1455

Nghệ An đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ

Theo số liệu thống kê, từ năm 2016 - 2022, Nghệ An có 822 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 144.703 tỷ đồng vào sản xuất công nghiệp. Trong đó, dự án ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có khoảng hơn 193 dự án (trong đó khoảng 50 dự án FDI với tổng vốn khoảng 30.000 tỷ đồng), chiếm khoảng 17% tổng số dự án, với tổng số vốn ước tính đạt khoảng 53.000 tỷ đồng.
Nghệ An đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ
Khu công nghiệp VSIP Nghệ An

 

Tính riêng năm 2022, đến hết tháng 8/2022, toàn tỉnh thu hút được 77 dự án, với tổng số vốn khoảng 18.000 tỷ đồng. Trong đó, ngành CNHT có 18 dự án (07 dự án FDI) với tổng số vốn khoảng 4.700 tỷ đồng (chiếm 26,11% tổng số vốn được cấp giấy chứng nhận đầu tư). Lần đầu tiên, trong 8 tháng năm 2022, tỉnh Nghệ An lọt vào top 10 địa phương thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước.

 

Đầu tư nước ngoài vào tỉnh Nghệ An đang có xu hướng tăng nhanh, quy mô các dự án ngày càng lớn và tiếp tục mở rộng, phát triển. Mới đây tại cuộc họp thường kỳ tháng 10/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã thống nhất chủ trương đầu tư Dự án Luxshare - ICT (Nghệ An) 2 tại Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An trên diện tích 36,18 ha. Dự án sản xuất linh kiện điện tử với công suất thiết kế 74 triệu sản phẩm/năm có tổng vốn đầu tư 150 triệu USD, tương đương 3.440 tỷ đồng, dự kiến bắt đầu khởi công vào tháng 1/2023 và chính thức đi vào sản xuất vào tháng 3/2024. Dự án đi vào hoạt động sẽ đóng góp vào ngân sách Nhà nước và tạo việc làm cho hơn 14.000 lao động. Trước đó, Luxshare ICT đã đầu tư 140 triệu USD vào KCN thuộc VSIP Nghệ An để xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và đã đi vào hoạt động.

 

Các dự án thu hút đầu tư có đóng góp ngày càng lớn vào GRDP và tăng trưởng kinh tế của Nghệ An, trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong thời gian qua, đặc biệt là các dự án trong ngành CNHT. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các nhóm ngành CNHT gồm: Điện tử; ngành sản xuất bao bì; dệt may; cơ khí, lắp ráp,...

 

Một trong những đóng góp quan trọng của các dự án đầu tư CNHT trên địa bàn tỉnh là giải quyết việc làm cho lao động, đặc biệt là các lao động địa phương. Nếu năm 2016, số lao động làm việc trong ngành CNHT có khoảng 5.000 lao động thì đến năm 2022 có khoảng 40.000 lao động, trong đó có hơn 30.000 lao động đã qua đào tạo nghề.

 

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ quan trọng mà tỉnh gọi là "5 sẵn sàng" để hỗ trợ, thu hút các nhà đầu tư, trong đó có lĩnh vực CNHT. Đó là, sẵn sàng về mặt bằng đầu tư; sẵn sàng hạ tầng thiết yếu; sẵn sàng nguồn nhân lực; sẵn sàng đổi mới, cải cách, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh và sẵn sàng hỗ trợ.

 

Tỉnh Nghệ An cam kết sẽ tiếp tục sát cánh, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh cho các nhà đầu tư; luôn quyết tâm cao và hành động thực chất để Nghệ An trở thành địa bàn đầu tư: “Thuận lợi, an toàn và tin cậy cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài”.

Duy Tiên


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang