Thứ Ba, 30/04/2024 01:04:44 GMT+7

Tin đăng lúc 19-10-2022

Lượt xem: 1833

Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam: Nhiều tiềm năng còn chờ khai phá

Trong những năm qua, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đã phát triển với một tốc độ vô cùng nhanh chóng. Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ mới đây đã nhận định rằng, Việt Nam đang dần trở thành một cường quốc kỹ thuật số mới ở Đông Nam Á về sản xuất công nghệ và chất bán dẫn...
Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam: Nhiều tiềm năng còn chờ khai phá
Công nhân DN FDI Nhật Bản tại KCN Mê Linh, Hà Nội, sản xuất linh kiện điện tử

 

Theo quy hoạch công nghiệp điện tử của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020, tăng trưởng của ngành trong giai đoạn này là 23,8%/năm; tầm nhìn đến năm 2030 đạt 19-21%/năm. Trong giai đoạn 2016 - 2020, ngành điện tử Việt Nam tập trung phát triển linh kiện điện – điện tử cơ bản, các loại bản mạch in điện tử, mạch vi điện tử cho điện thoại di động, thiết bị điện tử gia dụng, thiết bị văn phòng, máy vi tính, thiết bị ngoại vi, linh kiện, phụ tùng cho công nghiệp ôtô (thiết bị điện, chiếu sáng, điều khiển...). Giai đoạn năm 2020 – 2025 sẽ ưu tiên phát triển các sản phẩm trong lĩnh vực như thiết bị tự động hóa, máy tính, điện thoại. Sau năm 2025, ưu tiên phát triển phần mềm, nội dung số, dịch vụ công nghệ thông tin và điện tử y tế...

 

 

Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hiện đang chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp, chủ yếu sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và linh kiện. Tại Việt Nam, hiện đã có mặt hầu hết các tên tuổi lớn hàng đầu thế giới về điện tử và công nghệ như: Samsung, Intel, LG, Foxconn, Canon, Panasonic, Electronics, Nokia, Meiko, Apple, Microsoft, Qualcomm…

 

 

Đặc biệt phải kể đến Samsung của Hàn Quốc, tính đến cuối năm 2021 số vốn mà tập đoàn này đầu tư vào Việt Nam đạt gần 18 tỷ USD. Một tập đoàn lớn khác cũng của Hàn Quốc là LG đến nay đã đầu tư gần 5 tỷ USD vào Việt Nam. Intel của Mỹ cũng đầu tư khoảng 1,6 tỷ USD. Hay Amkor Technology cũng của Mỹ mới đây cũng chọn Bắc Ninh để mở rộng nhà máy với khoản đầu tư lên tới 1,6 tỷ USD từ nay đến năm 2035.

 

Với việc là điểm đến của hàng loạt các tên tuổi lớn trong lĩnh vực chế tạo, công nghệ hàng đầu của thế giới như trên, Việt Nam đang nổi lên với vai trò như một trung tâm sản xuất mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trung tâm CSIS nhận định, Việt Nam còn là một trung tâm của khu vực về nghiên cứu và phát triển gia công phần mềm cho Cisco, Alcatel-Lucent, Toshiba Hitachi, và Jupiter Networks cùng nhiều công ty khác.

 

 

 

 

 

Để phát triển công nghiệp bán dẫn thì chất lượng nhân lực cần được ưu tiên

 

 

Có thể nói, ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam đang có rất nhiều thuận lợi để phát triển. Bởi Việt Nam có vị trí địa lý nằm trong khu vực có nền công nghiệp phát triển nhanh và năng động. Thêm vào đó là thị trường nội địa gần 100 triệu dân và khả năng tiếp cận trực tiếp với thị trường 600 triệu dân của ASEAN, thị trường xuất khẩu quốc tế rộng lớn nhờ tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA).

 

 

Việt Nam cũng sở hữu nguồn lao động dồi dào và được đánh giá là học hỏi nhanh trong khai thác, sử dụng và lắp ráp các thiết bị điện tử, kể cả các thiết bị điện tử hiện đại. Chi phí nhân công lao động tương đối rẻ tạo lợi thế cạnh tranh đáng kể so với các doanh nghiệp (DN) trong khu vực. Việt Nam cũng là quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng cần thiết để phát triển công nghiệp vật liệu điện tử như: quặng sắt, đất hiếm, titan, rutin, barit, ilmenit...

 

 

Trong lĩnh vực công nghiệp điện tử, khi đầu tư sản xuất tại Việt Nam, DN đều được hưởng ưu đãi thuế suất xuất khẩu (hầu hết ở mức 0%) khi xuất khẩu sản phẩm sang thị trường của nước tham gia ký kết FTA với Việt Nam, đặc biệt là thị trường EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN... Các linh kiện, bộ phận mua của các nước tham gia FTA với Việt Nam cũng được hưởng thuế suất nhập khẩu 0%, và xem là sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam khi xác định nguồn gốc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế xuất khẩu.

 

 

Samsung, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới sẽ bắt đầu sản xuất các bộ phận bán dẫn tại Việt Nam vào tháng 7 năm 2023, nhằm đa dạng hóa hơn nữa lĩnh vực sản xuất khi Mỹ, Trung Quốc và những nước khác đang tìm cách thống trị và trau dồi chuỗi cung ứng công nghệ. Hiện tại, Samsung đang thử nghiệm các sản phẩm mảng lưới chip bóng lật (FC-BGA) và dự định sản xuất hàng loạt tại nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam ở tỉnh Thái Nguyên. Tháng 2 năm nay, Samsung cũng đã rót thêm 920 triệu USD vào nhà máy sản xuất linh kiện điện tử ở Thái Nguyên.

 

 

Trước Samsung, Việt Nam cũng đã là điểm đến của Intel Products Việt Nam (IPV), nhà máy lắp ráp và thử nghiệm lớn nhất trong mạng lưới toàn cầu của Intel. Năm ngoái, Intel cam kết chi 475 triệu USD để xây dựng một cơ sở thử nghiệm và lắp ráp vi điện tử tiên tiến nhất tại Việt Nam.  

 

 

Đầu năm ngoái, Hayward Quartz Technology, một nhà cung cấp OEM lớn, đã được phê duyệt để xây dựng một nhà máy trị giá 110 triệu USD tại Việt Nam. Cùng tháng đó, Pegatron, một trong những nhà cung cấp dịch vụ EMS của Apple, đã chi 22,9 triệu USD để mua đất tại Việt Nam. Công ty dự định đầu tư thêm 1 tỷ đô la Mỹ để thiết lập năng lực sản xuất đáng kể trong khu vực. Đặc biệt, Foxconn, nhà lắp ráp thiết bị lớn nhất của Apple, đã lên kế hoạch mở rộng phạm vi hoạt động bằng cách đầu tư hơn 300 triệu USD vào Việt Nam gần đây.

 

 

Những dẫn chứng trên cho thấy, ngành công nghiệp bán dẫn đang phát triển mạnh và có rất nhiều tiềm năng ở Việt Nam. Dù vậy, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam vẫn còn rất nhiều thách thức, khó khăn phải vượt qua như: nguồn ngân sách hạn chế, cơ sở hạ tầng lạc hậu, thủ tục hành chính và khung pháp lý còn chưa theo kịp tốc độ phát triển của các dự án. Bên cạnh đó là nguồn nhân lực vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu từ ngành công nghiệp đòi hỏi trình độ chuyên môn cao.  

 

 

Nhiều chuyên gia cho rằng, các DN điện tử Việt Nam phải đáp ứng được 3 điều kiện là chất lượng, giao hàng đúng hẹn và giá cả hợp lý. Có như vậy, các DN điện tử Việt Nam mới có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn có thương hiệu quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam và tiến tới tham gia chuỗi giá trị ngành điện tử toàn cầu. Bởi vậy, trong những năm tới, việc phát triển công nghiệp phụ trợ, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử tại Việt Nam cần phải là ưu tiên lớn. Đây cũng được xem là mảnh đất tiềm năng cho các nhà đầu tư nước ngoài liên kết với các DN Việt Nam sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, tiến tới xuất khẩu ra khu vực và trên toàn thế giới.

 

Minh Phương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang