Thứ Ba, 30/04/2024 01:13:21 GMT+7

Tin đăng lúc 05-05-2023

Lượt xem: 1179

Liên kết, đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển ngành cơ khí Đà Nẵng

Đây là chủ đề hội thảo do Hội Cơ khí thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật thành phố Đà Nẵng tổ chức vào ngày 05/5/2023. Hội thảo thu hút sự tham dự của hơn 200 đại biểu là các chuyên gia đầu ngành cơ khí cùng nhiều doanh nghiệp cơ khí trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Liên kết, đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển ngành cơ khí Đà Nẵng
Toàn cảnh hội nghị

Hội thảo được tổ chức nhằm góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp cơ khí Đà Nẵng, gắn kết các dịch vụ - thương mại, qua đó, hỗ trợ ngành cơ khí chủ động tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất công nghiệp thế giới; góp phần giúp doanh nghiệp có kinh nghiệm chủ động hơn trong hoạch định chính sách mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

 

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí TP. Đà Nẵng Nguyễn Thế Tranh cho biết, ngành cơ khí Đà Nẵng đang trên đà phát triển, đã và đang đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của thành phố, tuy nhiên, sự phát triển này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh, chưa thể hiện tốt vai trò là ngành công nghiệp nền tảng, chưa có khả năng cạnh tranh để phát triển trong hội nhập, chưa có nhiều công nghệ hiện đại để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, trong khi đó, nhiều chính sách cho ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ (CNHT) còn gặp khó khăn trong quá trình triển khai.

 

Bà Nguyễn Thị Thúy Mai – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.Đà Nẵng cho biết, tại Đà Nẵng, so với các ngành công nghiệp khác, ngành cơ khí là ngành thu hút được số lượng nhiều nhất doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất, nhưng đa phần là các doanh nghiệp quy mô nhỏ, hoạt động trong các lĩnh vực gia công, chế tạo kết cấu công trình xây dựng, sản xuất các sản phẩm cơ khí dân dụng.

 

Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT ngành cơ khí, chế tạo máy, nhất là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển còn khá ít, chỉ có khoảng 52 doanh nghiệp, chiếm khoảng 9% tổng số doanh nghiệp ngành cơ khí thành phố, các doanh nghiệp này phần lớn là doanh nghiệp trong nước, quy mô nhỏ.

 

Bên cạnh đó, ngành cơ khí Đà Nẵng hiện thiếu cơ sở dữ liệu để những công ty tổng thầu lắp ráp tìm kiếm, năng lực thiết bị công nghệ của các doanh nghiệp cơ khí đa số vẫn còn lạc hậu, nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn về mặt bằng sản xuất, lực lượng lao động thường xuyên luân chuyển…

 

Trước thực trạng đó, các đại biểu tham gia thảo luận đã đề xuất một số ý kiến nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp cơ khí Đà Nẵng phát triển, như: Thành phố cần có chính sách đặc thù ưu tiên phát triển ngành cơ khí nội địa; các doanh nghiệp cơ khí trong nước cần chủ động thay đổi cách thức sản xuất, tăng cường liên kết, đổi mới, hiện đại hóa công nghệ để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm; cần cải thiện năng lực của ngành và của doanh nghiệp; phát triển các cụm ngành sản xuất, liên kết với nhau để nâng cao chất lượng sản phẩm cùng phát triển…

 

Cũng tại hội thảo, các doanh nghiệp cơ khí TP.Đà Nẵng đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về liên kết, đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất ngành cơ khí.

 

PV


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang