Chủ Nhật, 28/04/2024 14:33:26 GMT+7

Tin đăng lúc 14-11-2023

Lượt xem: 1776

Làm thế nào để doanh nghiệp dệt may Việt Nam giành lại thị phần?

Là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu hàng dệt may, với mức tăng trưởng hằng năm đều ở mức hai con số, nhưng ngành Dệt May Việt Nam hiện đang tỏ ra “lép vế” thậm chí ngay tại chính sân nhà trước sự chiếm lĩnh thị trường của các hãng thời trang nước ngoài.
Làm thế nào để doanh nghiệp dệt may Việt Nam giành lại thị phần?
Các Bộ, ngành cần quan tâm nhiều hơn đến dệt may từ các cơ chế chính sách như hỗ trợ về thuế, phí, xây dựng các khu công nghiệp dệt may hiện đại, công nghệ cao - bảo đảm tiêu chí môi trường, các nhà máy sản xuất nguyên liệu...

Có một thực tế không thể phủ nhận là, hầu hết các sản phẩm gắn mác “Made in Vietnam” đều là những thương hiệu ít nhiều nổi tiếng trên thị trường thế giới, nhưng hàng chục năm qua, ngành Dệt May của chúng ta vẫn chủ yếu làm gia công, nhận về những lợi nhuận ít ỏi trong chuỗi giá trị của ngành thời trang quốc tế. Ðể giành lại thị phần trong nước, các doanh nghiệp (DN) đã không ngừng đầu tư, cải tiến kỹ thuật, tăng cường tạo mẫu nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Nhiều năm qua, một số hãng thời trang hàng đầu trong nước như Tổng công ty May 10, Tổng công ty Ðức Giang, Việt Tiến, Nhà Bè, Việt Thắng,... đã và đang tập trung nghiên cứu, đưa ra thị trường nhiều dòng sản phẩm với sự đa dạng về mẫu mã, chủng loại, nhằm đáp ứng thị hiếu tiêu dùng và từng bước thu được tín hiệu tích cực.

 

Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, ông Thân Ðức Việt cho biết, để chinh phục thị trường trong nước, định hình xu hướng cho ngành thời trang Việt, trong 30 năm qua, đơn vị liên tục cho ra đời nhiều nhãn hiệu thời trang công sở như: May10 Expert, May10 Classic, Eternity GrusZ, Cleopatra,... Riêng lĩnh vực thời trang bán lẻ, May 10 hiện có hơn 20 nhãn hiệu các loại, với 60 cửa hàng, trung tâm thời trang và hơn 200 đại lý trên toàn quốc. Vừa qua, May 10 tiếp tục đưa ra thị trường hai dòng thương hiệu mới là DeTheia - dòng sản phẩm cao cấp dành cho nữ giới và Generos - dành cho giới trẻ, phân khúc khách hàng hiện đại. Với mong muốn mang lại những sản phẩm thời trang đẳng cấp, thuần Việt nhưng mang hơi thở và xu hướng thời trang quốc tế, May 10 luôn nỗ lực hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ của mình để mang lại cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm tốt nhất.

 

Tương tự, Tổng Giám đốc Tổng công ty Ðức Giang, ông Phạm Tiến Lâm khẳng định: Những năm qua, đơn vị luôn tập trung đầu tư cho khâu sản xuất, hợp tác với nước ngoài để tiếp thu kỹ năng chuyển giao công nghệ quản lý sản xuất, phát triển sản phẩm mới nhằm tăng trưởng xuất khẩu và cạnh tranh tại thị trường trong nước. Ðến nay, Tổng Công ty đã đưa ra thị trường nhiều thương hiệu thời trang như Paul Downer, DGC, S.Pearl, HeraDG, Forever Young,…, đồng thời phát triển chuỗi cửa hàng may đo veston thương hiệu Smart Suits Tailor Shop đã được khách hàng trong nước tin dùng và đánh giá cao. Bên cạnh những mặt hàng chất lượng, đa dạng về mẫu mã, chủng loại cũng như về giá cả sản phẩm được người tiêu dùng yêu thích.

 

Không chỉ riêng May 10 hay Ðức Giang, các DN ngành dệt may khác như Tổng công ty cổ phần may Việt Tiến, Nhà Bè, Việt Thắng,... cũng không ngừng đầu tư cải tiến mẫu mã, mở rộng chuỗi cửa hàng phân phối sản phẩm nhằm gia tăng thị phần, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN, đưa sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng.

 

Có một thực tế phải thừa nhận là, sự tăng cường đầu tư và mở rộng thị trường của một số hãng thời trang lớn trên thế giới như Chanel, Mango, Zara, H&M, Uniqlo… đã không ngừng thu hút sự quan tâm, mua sắm tiêu dùng của giới trẻ. Ðiều đó cho thấy sự cạnh tranh giữa DN trong nước với các hãng thời trang nước ngoài ngày càng trở nên gay gắt. Mặc dù DN trong nước có lợi thế am hiểu thị trường và văn hóa tiêu dùng nhưng tiềm lực tài chính mỏng, khó cạnh tranh với DN nước ngoài.

 

Do đó, Việt Nam cần xây dựng và phát triển thị trường theo cách riêng, không thể sao chép cách làm của các thương hiệu lớn khi mở các trung tâm, cửa hàng một cách ồ ạt mà phải dựa trên nền tảng phân tích nội lực, phù hợp với người Việt Nam. Chẳng hạn như May 10 cho ra dòng sản phẩm thời trang nữ với số lượng nhỏ, mẫu nhiều, phục vụ may đo, nhảy cỡ nhiều, đây là cách đánh du kích bên cạnh những người “khổng lồ”, trong khi các hãng nước ngoài không thể may đo cho từng người được. Ðiều đó cho thấy, DN trong nước cần chọn hướng đi theo ngách nhỏ, khó, khác biệt,... nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

 

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Ðức Giang nhận định, thị trường trong nước với quy mô gần 5 tỷ USD đang được DN nội hướng đến bằng cách thay đổi và ứng dụng nhiều phương thức để thiết kế mẫu sản phẩm, quảng bá nhãn hàng nhằm chinh phục thị trường. Hiệp hội sẽ tiếp tục sát cánh cùng DN, phối hợp các tổ chức quốc tế triển khai các chương trình hỗ trợ DN về quản trị, chuyển đổi xanh, công nghệ mới, xây dựng thương hiệu,... nhằm đẩy mạnh sản xuất hàng hóa và phát triển thị trường.

 

 

Nhà máy Xơ sợi tổng hợp Việt Nam vẫn đang nỗ lực khôi phục sản xuất

 

Theo đánh giá của Viện Dệt may Việt Nam, phân ngành xơ, sợi hiện là mắt xích kém phát triển nhất trong chuỗi giá trị dệt may của Việt Nam. Với việc đón đầu cơ hội tăng trưởng của ngành Dệt May Việt Nam khi các Hiệp định Thương mại tự do có hiệu lực, làn sóng đầu tư mới và mở rộng công suất kéo sợi từ các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đã xuất hiện từ năm 2018 và nở rộ vào năm 2019. Với sự đầu tư tích cực, xơ, sợi polyester của Việt Nam từ nguồn nhập khẩu sẽ được thay thế dần bằng nguồn cung trong nước trong giai đoạn 2021-2025. Xu thế sử dụng xơ, sợi polyester thay thế dần sợi cotton sẽ đóng góp vào sự tăng mạnh về tiêu thụ xơ, sợi polyester, trong đó xơ, sợi tái chế sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong tổng lượng xơ, sợi polyester tiêu thụ.

 

Hiện nay, trong nước mới chỉ có hai nhà máy sản xuất xơ sợi tổng hợp là Hưng Nghiệp Formosa và Nhà máy Xơ sợi tổng hợp Việt Nam, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu trong nước. Trong 2 tháng đầu năm 2023, Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Việt Nam (VNPOLY) đã vận hành 10-15 dây chuyền sản xuất sợi DTY cho các đối tác, tiếp tục làm việc với 3 chuyên gia của đối tác SSFC kiểm tra, điều chỉnh, bảo dưỡng và tổ chức đào tạo theo hướng dẫn vận hành của SSFC. Mặt khác, người lao động VNPOLY thường xuyên được đào tạo nâng cao tay nghề, từ đó giảm thời gian chờ bảo dưỡng dây chuyền DTY, giảm tỷ lệ sản phẩm lỗi và tuân thủ hướng dẫn vận hành của đối tác.

 

Đặc biệt, trong những năm gần đây, một số hãng sản xuất sản phẩm may mặc trong nước đang đầu tư phát triển bài bản từ sản xuất đến xây dựng thương hiệu. Trong đó, các hãng thời trang của Việt Nam như Canifa, Blue Exchange, NEM… đang dần khẳng định thương hiệu, xây dựng các tiêu chuẩn từ thiết kế mẫu mã, đặt hàng nguyên liệu (trong nước và quốc tế) đến cắt may thành phẩm và đưa ra thị trường nội địa. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy ngành Dệt May Việt Nam đang dần tự chủ và phát huy được các lợi thế có sẵn từ thiết bị máy móc, nhân lực chất lượng cao để hướng đến các thương hiệu thời trang trong nước và quốc tế.

 

Năm nay, không thể phủ nhận rằng, ngành Dệt May Việt Nam phải ứng phó với những thách thức vô cùng to lớn. Nhưng bằng nhiều phương pháp sáng tạo, linh hoạt, các DN đã từng bước vượt qua khó khăn, có được đơn hàng cho năm 2024. Điều này đồng nghĩa với việc DN không phải cắt giảm lao động nữa. Bà Phan Thị Thiện, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Long Cương (TP Thủ Đức), DN chuyên may gia công xuất khẩu cho biết, hiện nay đơn hàng của Công ty đã có đến hết tháng 2/2024. So với mọi năm, số lượng đơn hàng chỉ đạt khoảng 75%. Tuy nhiên, đây cũng là điều đáng mừng trong bối cảnh nhiều DN ngành Dệt May vẫn gặp khó.

 

Có thể thấy rằng, ngành Dệt May nước ta đang dần chuyển mình, giành lại những giá trị về dệt may mà hàng triệu người dân Việt Nam đáng được hưởng. Đã đến lúc các Bộ, ngành cần quan tâm nhiều hơn đến dệt may từ các cơ chế chính sách như hỗ trợ về thuế, phí, xây dựng các khu công nghiệp dệt may hiện đại, công nghệ cao - bảo đảm tiêu chí môi trường, các nhà máy sản xuất nguyên liệu (xơ, sợi, phụ kiện dệt may…). Đặc biệt cần mạnh tay, liên tục xử lý chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và bán phá giá trong lĩnh vực dệt may.

 

Thế Ngọc


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang