Thứ Sáu, 26/04/2024 18:12:20 GMT+7

Tin đăng lúc 17-03-2023

Lượt xem: 564

Kỳ vọng bán lẻ khởi sắc, doanh nghiệp FDI liên tục rót vốn

Dù người tiêu dùng Việt Nam đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu, cắt giảm nhu cầu mua sắm nhưng bước sang năm 2023 nhiều doanh nghiệp FDI đã liên tục mở rộng kế hoạch kinh doanh, rót vốn đầu tư trở lại sau dịch COVID-19.
Kỳ vọng bán lẻ khởi sắc, doanh nghiệp FDI liên tục rót vốn
Kỳ vọng bán lẻ khởi sắc, doanh nghiệp FDI liên tục rót vốn. Ảnh: Hải Nguyễn

Những tháng đầu năm 2023 nhiều doanh nghiệp FDI đang có kế hoạch mở cửa hoạt động và rót vốn đầu tư trở lại sau dịch COVID-19. Mới đây, Tập đoàn Central Retail (Thái Lan) đã công bố sẽ đầu tư thêm 20.000 tỉ đồng vào thị trường bán lẻ Việt Nam trong 5 năm tới.

 

Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bích Vân cho biết, với việc rót thêm vốn đầu tư lớn vào Việt Nam, doanh nghiệp dự kiến sẽ nhân rộng điểm bán từ 40 tỉnh, thành phố hiện nay lên 55 tỉnh, thành phố cả nước. Qua đó thúc đẩy doanh số tại thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2022 - 2026 lên 65.000 tỉ đồng.

 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 2 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 994,2 nghìn tỉ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng qua chỉ đạt 77,7% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch COVID-19 từ năm 2020 đến nay.

 

Bộ Công Thương trước đó nhận định, năm 2023 kinh tế Việt Nam còn đối mặt với nhiều khó khăn song ngành bán lẻ sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ bởi dự kiến quy mô thị trường đến năm 2025 sẽ cán mốc 350 tỉ USD, đóng góp 59% tổng ngân sách quốc nội.

 

Nhận định về thị trường bán lẻ trong năm 2023, nhiều chuyên gia dự báo, sau thời gian chững lại do dịch COVID-19, thị trường bán lẻ Việt Nam đang trên đà hồi phục với mức tăng trưởng tốt. Cơ sở để ngành bán lẻ phục hồi đang được hỗ trợ bởi các yếu tố như tăng trưởng thu nhập, ngành du lịch phục hồi, các ngành nghề liên quan du lịch gồm vận tải, lưu trú và nỗ lực kiềm chế lạm phát đang phát huy tác dụng.

 

Bà Nguyễn Thị Phương - Phó Tổng Giám đốc Thường trực WinCommerce - chia sẻ, bên cạnh việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào ngành bán lẻ thì việc xây dựng được các kênh bán lẻ của người Việt Nam cũng rất quan trọng. Thách thức hiện hữu của các nhà bán lẻ nội địa chính là năng lực cạnh tranh với các nhà bán lẻ, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) về quy mô không chỉ ở Việt Nam mà cả chuỗi liên kết toàn cầu.

 

Theo Lao động


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang