Chủ Nhật, 05/05/2024 20:16:04 GMT+7

Tin đăng lúc 13-06-2016

Lượt xem: 2373

Kỳ họp thứ nhất,Quốc hội khoá XIV sẽ quyết định nhân sự cấp cao của Nhà nước

Đây là nội dung quan trọng được ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng thư ký Quốc hội - thông báo trong Tờ trình về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV trong phiên khai mạc phiên họp thứ 49 của Ủy ban thường vụ Quốc hội hôm nay (13/6).
Kỳ họp thứ nhất,Quốc hội khoá XIV sẽ quyết định nhân sự cấp cao của Nhà nước

Theo Tờ trình, dự kiến tổng thời gian làm việc của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội XIV khoảng 9 ngày, dự kiến khai mạc vào ngày 20/7 và bế mạc vào ngày 30/7/2016.

 

Một trong những nội dung trọng tâm của kỳ họp đầu tiên, Quốc hội khóa XIV là xem xét, quyết định tổ chức, nhân sự cấp cao của nhà nước. Theo đó, dự kiến vào ngày 21/7, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ngày 22/7, Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội và Tổng kiểm toán Nhà nước.

 

Việc bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ dự kiến diễn ra vào ngày 25 và 27/7. Trong ngày 27/7, Quốc hội cũng sẽ bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao...

 

Bên cạnh nội dung quan trọng trong công tác nhân sự, tại kỳ họp thứ nhất, sau khi thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát năm 2017, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề.

 

Về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Duơng (TPP), theo kế hoạch của Chính phủ thì sẽ trình Quốc hội phê chuẩn tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV. Tuy nhiên, do đến nay, Chính phủ chưa có văn bản chính thức về vấn đề này nên chưa bố trí vào dự kiến chương trình.

 

Cũng theo Tờ trình của Tổng Thư ký Quốc hội, bên cạnh một số nội dung cần báo cáo theo thông lệ, như: công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công,... trong kỳ họp tới, Chính phủ sẽ chuẩn bị báo cáo gửi đại biểu Quốc hội (tự nghiên cứu) về công tác bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường biển sau hiện tượng cá chết bất thường tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế.

 

Trong phiên làm việc hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm. Đây là Quy chế quy định về tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm, gồm: Đoàn Hội thẩm nhân dân và Đoàn Hội thẩm quân nhân. Quy định mối quan hệ giữa Đoàn Hội thẩm với Hội thẩm, mối quan hệ giữa Đoàn Hội thẩm với cơ quan, tổ chức, cá nhân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân đối với Đoàn Hội thẩm; các điều kiện bảo đảm hoạt động của Đoàn Hội thẩm.

 

Đoàn Hội thẩm là hình thức tổ chức tự quản của các Hội thẩm được thành lập ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp quân khu và khu vực nơi có Tòa án quân sự khu vực, hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch.

 

Theo chương trình, trong 3 ngày (13-15/6) làm việc của phiên họp thứ 49, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về trang phục Thẩm phán, Hội thẩm, Giấy chứng minh Thẩm phán và Hội thẩm; chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức trong Tòa án nhân dân; việc bổ sung số lượng Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp; Tờ trình của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về chế độ phụ cấp đối với Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao; cho ý kiến về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014; Cho ý kiến về Báo cáo tình hình thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015 và cho ý kiến về việc xử lý và phân bổ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2015.

 

Theo Báo Công Thương điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang