Thứ Bẩy, 27/04/2024 09:34:21 GMT+7

Tin đăng lúc 06-12-2018

Lượt xem: 12018

Kinh tế Hà Nội năm 2018 tiếp tục phát triển đúng hướng, tạo động lực tăng trưởng

Năm 2018, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, năng động, sáng tạo của cấp ủy và chính quyền các cấp; sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, Kinh tế - Xã hội TP. Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đặc biệt là lĩnh vực kinh tế đang tiếp tục phát triển đúng định hướng, trở thành nguồn động lực tăng trưởng cho các giai đoạn tiếp theo.
Kinh tế Hà Nội năm 2018 tiếp tục phát triển đúng hướng, tạo động lực tăng trưởng

Cân đối lớn về kinh tế được đảm bảo, tạo nguồn động lực cho phát triển

 

Tổng thu NSNN trên địa bàn ước thực hiện là 238.793 tỷ đồng, đạt 100,2% dự toán (tăng 12,5% so với cùng kỳ). Chi ngân sách địa phương ước thực hiện năm 2018 là 87.348 tỷ đồng, đạt 91,7% dự toán. Hà Nội cũng tiếp tục thực hiện mạnh mẽ việc tái cơ cấu các khoản chi theo hướng tiết kiệm chi thường xuyên để dành nguồn cho đầu tư phát triền, tỷ trọng chi thường xuyên đã giảm xuống mức 50,8% (giảm 2,3% so với năm 2017).


Bên cạnh đó, tổng số vốn đầu tư xã hội đã tăng lên 10,6% (kế hoạch 10,5%-11%) ước thực hiện 340,8 nghìn tỷ đồng. Đầu tư nước ngoài ước đạt 6,5 tỷ USD, lần đầu tiên đứng đầu cả nước sau hơn 30 năm hội nhập. Hoạt động tín dụng, ngân hàng trên địa bàn cũng phát triển ổn định, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 14,233 tỷ USD, tăng 21, 6% (KH là 7,5-8%) vượt khá xa so với tốc độ tăng nhập khẩu (8,2%) và năm trước (2017 là 9,6%). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ước tăng 4,15% - 4,30% (năm 2017 là 9,6%).

 

Kinh tế tiếp tục phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng

 

Năm 2018, tống sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,37% (cao hơn năm 2017 0,06%); Các ngành đều duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Tăng trưởng cao nhất là ngành dịch vụ, đạt 7,23%. Giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng tăng 8.23%, ngành Nông – Lâm – Thủy sản mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng giá trị gia tăng vẫn duy trì ở mức khá, đạt 3,33%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,03%.

 

Nhìn chung, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Năm 2018, dự kiến tỷ trọng GRDP ngành dịch vụ và thuế sản phẩm là 67,3%. Quy mô GRDP năm 2018 ước đạt 904.460 tỷ đồng theo cách tính mới (tương đương với 39,324 tỷ USD); GRDP/người đạt 113 triệu đồng, tương đương với 4.910 USD.

 

Các ngành, lĩnh vực đều phát triển khá

 

Về sản xuất công nghiệp và tình hình cung ứng điện:

 

Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2018 ước tăng 7,5%, trong đó, nhóm các nghành đều tăng. Một số ngành có tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành như: sản xuất đồ uống, dệt, sản xuất trang phục, chế biến gỗ, sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy…

 

Tình hình cung ứng và sử dụng điện trên địa bạn ổn định, đảm bảo cung ứng điện an toàn, liên tục phục vụ các sự kiện chính trị - ngoại giao, văn hóa – xã hội, sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của thành phố. Công tác dự phòng cung ứng điện mùa hè đặc biệt teong nhũng ngày nắng nóng cao điểm và chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn điện mùa mưa bão năm 2018 được đơn vị, địa phương quan tâm, thực hiện tốt. Các chỉ tiêu cơ bản hầu hết đều đạt kế hoạch đè ra.

 

Về thị trường hàng hóa và dịch vụ, các loại hình bán lẻ, du lịch:

 

Thị trường hàng hóa và dịch vụ tăng trưởng khác, lưu thông hàng hóa được đảm bảo. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ ước đạt 2,52 triệu tỷ đồng, tăng 9,5%, trong đó tổng mức bán lẻ ước đạt 509 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9%. Việc cung ứng hàng hóa, chủ động dữ liệu hàng hóa, kiểm soát, nắm bắt chặt chẽ tình hình giá xả và tổ chức hệ thống phân phố, nhất là các khu vực nông thôn, các xã miền núi, khu công nghiệp… cũng được thực hiện tốt.

 

Thành phố tiếp tục khuyến khích phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ văn minh hiện đại. TP. Hà Nội cũng đã rà soát quy hoạch mạng lưới chợ, nhất là quy hoạch và đầu tư xây dựng các chợ đầu mối; ban hành kế hoạch phát triển các loại hình văn minh, hiện đại giai đoạn 2018 – 2020; rà soát quy hoạch mạng lưới bán buôn bán lẻ. Đã thu hút được một số dự án thương mại quy mô lớn, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển thương mại của thành phố.

 

Bên cạnh đó, việc thí điểm quản lý các của hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành cũng tạo tiền đề cho việc nhân rộng các nhóm sản phẩm khác. Du lịch của thành phố cũng tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, nhất là khách du lịch quốc tế.

 

Về sản xuất nông nghiệp:

 

Mặc dù gặp nhiều khó khăn về thời tiết, nhất là bị ảnh hưởng bởi đợt mưa lũ tháng 7/2018, diện tích ngập úng hơn 8.400ha, TP. Hà Nội đã kịp thời chỉ đạo, đồng bộ các giải pháp khắc phục hậu quả, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp vẫn đạt mức tăng 3,36%. Diện tích gieo trồng, chăn nuôi gia súc và diện tích nuôi trồng thủy sản, diện tích trồng rừng đều tăng.

 

Ngoài ra, việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và liên kết sản xuất cũng tiếp tục được khuyến khích. Các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp tiếp tục được hình thành, từng bước đảm bảo tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp.

 

Thu hút đầu tư đạt kết quả nổi bật, thu hút FDI dẫn đầu cả nước; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; công tác tháo gỡ khó khăn, khuyến khích thành lập doanh nghiệp được quan tâm.

 

Các cấp lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm và đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án mới, đôn đốc sát sao các cơ quan chuyên môn hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dự án; tạo môi trường đầu tư lành mạnh, bình đẳng trong tiếp cận đất đai và triển khai dự án. Các chỉ số tổng hợp về năng lực cạnh tranh và cải cách hành chính năm 2017 tiếp tục tăng hạng và giữ vị trí cao so với các tỉnh, thành phố: Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) công bố tháng 4/2018 đứng vị trí 13/63 (tăng 01 bậc); Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) đứng vị trí 2/63 (tăng 01 bậc). Thành phố cũng khuyến khích thành lập doanh nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân cũng được quan tâm chỉ đạo toàn diện.

 

Công tác tài chính, ngân sách được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời, đúng quy định; cơ cấu chi ngân sách dịch chuyển tích cực theo hướng tăng chi đầu tư; các chính sách tạo nguồn thu bền vững được đẩy mạnh.

 

Ngay từ đầu năm, Thành phố đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng thu nhập ngân sách, nhất là xử lý các khoản nợ thuế, nợ tiền sử dụng đất... Tổng thu NSNN trên địa bàn ước thực hiện là 238.793 tỷ đồng, đạt 100,2% dự toán (tăng 12,5% so với cùng kỳ). Tổng thu ngân sách vượt dự toán và 13/17 khu vực, khoản thu đạt và vượt dự toán được giao.

 

Việc chỉ đạo điều hành chi ngân sách cũng được TP. Hà Nội thực hiện đúng quy định, tiết kiệm, đáp ứng nhiệm vụ chi thường xuyên và đột xuất. Việc ban hành các chính sách phân cấp mạnh trong lĩnh vực đầu tư công (Quyết dịnh số 20/2018/QĐ-UBND ngày 28/8/2018 của UBND thành phố về việc ban hành Quy định một số nội dung về quản lý đầu tư các dự án đầu tư công của thành phố Hà Nội) cũng tạo sự chủ động cho các sở, ngành và địa phương trong công tác triển khai thực hiện.

 

Bên cạnh đó, Thành phố cũng đẩy mạnh công tác sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc quyền sở hữu của Nhà nước và quản lý, mua sắm tài sản công theo đúng quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết.

 

Việc chỉ đạo tích cực để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thoái vốn, sắp xếp cổ phần hóa tại các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn cũng mang lại kết quả vô cùng ấn tượng. Đối với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 -2020, Thành phố thực hiện cổ phần hóa 15 doanh nghiệp; đến nay đã hoàn thành phương án sử dụng các cơ sở nhà, đất sau cổ phần hóa đối với 1/15 doanh nghiệp; phê duyệt phương án sử dụng các cơ sở nhà, đất sau cổ phần hóa đối với 4/15 doanh nghiệp.

 

Những kết quả ấn tượng trên đã cho thấy sự nỗ lực và quyết tâm cao độ của lãn đạo UBND và nhân dân TP. Hà Nội. Trong năm 2019, Thành phố xác định cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng; tiếp tục tái cơ cấu các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; thực hiện tốt hơn nữa công tác quy hoạch, xây dựng đô thị, xây dựng nông thôn mới gắn với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế; bảo đảm an sinh xã hội, đào tạo nghề, tạo việc làm và cải thiện đời sống nhân dân; củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự an toàn xã hội… để xứng tầm với vị thế Thủ đô của đất nước

 

Nguồn Báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang