Thứ Hai, 29/04/2024 23:19:15 GMT+7

Tin đăng lúc 01-12-2016

Lượt xem: 2661

Không để công nghệ lạc hậu vào Việt Nam

Trình độ công nghệ của Việt Nam đang lạc hậu từ 2-3 thế hệ so với thế giới, đây là nhận định được đưa ra tại phiên họp mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề về hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về phát triển khoa học công nghệ (KHCN), nhằm thúc đẩy CNH-HĐH giai đoạn 2005 - 2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ (CNHT) và cơ khí chế tạo giai đoạn 2016-2020.
Không để công nghệ lạc hậu vào Việt Nam
Để Việt Nam không trở thành bãi rác công nghệ

Trả lời câu hỏi về trình độ công nghệ của VN đang đứng ở đâu so với thế giới, ông Bùi Thế Duy - Chánh Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: “Có những lĩnh vực công nghệ ở trong nước đã tiệm cận với trình độ tiên tiến của thế giới như trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), công nghệ đóng tàu hay trong lĩnh vực y tế. Tuy vậy, ông Duy cũng thừa nhận một số ngành vẫn còn sử dụng công nghệ của những thế hệ trước, có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến nguyên nhân do doanh nghiệp (DN) không đủ kinh phí để đổi mới công nghệ”.

 

Trong KHCN của Việt Nam mà ở đây kể cả trình độ KHCN của các DN, có những lĩnh vực ta đã tiệm cận, thậm chí tương đương với trình độ của các nước tiên tiến trên thế giới. Ví dụ như lĩnh vực CNTT, chuyển giao công nghệ cho lĩnh vực đóng tàu, rồi cả trong lĩnh vực y tế như lĩnh vực làm vắc xin. Tuy nhiên, cũng có những ngành sản xuất vẫn còn sử dụng công nghệ của những thế hệ trước, còn rất nhiều lý do kể cả lý do liên quan đến kinh phí của DN, DN có đầu tư kinh phí để mua, đổi mới công nghệ mới nhất hay không.

 

Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Đánh giá thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ: Việc nhập khẩu máy móc thiết bị công nghệ từ dây chuyền cũ thời gian qua là nhập khẩu hàng hóa được điều chỉnh theo Luật Thương mại và Bộ KHCN không được quản lý. Tuy nhiên, gần đây khi sửa Nghị định hướng dẫn Luật Thương mại thì Chính phủ đã giao Bộ KHCN xây dựng một văn bản quản lý hoạt động nhập khẩu máy móc thiết bị công nghệ đã qua sử dụng, đó là Thông tư 23 và có hiệu lực từ 1/7 vừa qua. Việc ban hành Thông tư 23 sẽ hạn chế được việc DN đưa máy móc dây chuyền công nghệ cũ có nguy cơ mất an toàn gây ô nhiễm môi trường vào VN. Để hạn chế công nghệ cũ, công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, VN đã có nhiều văn bản pháp luật quy định thẩm định công nghệ trước khi nhập vào trong nước, trong đó Luật KHCN năm 2013 đã quy định tất cả các dự án đầu tư phải thẩm định công nghệ. Nhưng khi sửa Luật Đầu tư năm 2014 lại chỉ quy định các dự án đầu tư sử dụng công nghệ nằm trong danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao thì mới phải thẩm định công nghệ. Còn các dự án khác lại không phải thẩm định ở bước xem xét cấp chứng nhận đầu tư. Với Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi bổ sung một số điều đang được Quốc hội xem xét, Bộ KHCN đã kiến nghị đưa thêm Điều 11a là thẩm định công nghệ các dự án đầu tư mà có công nghệ nằm trong mục công nghệ hạn chế chuyển giao và những công nghệ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thì phải thẩm định công nghệ trong quá trình xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư. Hiện nay, Bộ KHCN đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thống nhất cụ thể điều khoản này như thế nào khi mà triển khai trong Nghị định hướng dẫn cũng như sửa đổi những quy định liên quan đến việc thẩm định công nghệ nhằm ngăn chặn được các công nghệ lạc hậu thì còn phụ thuộc vào rất nhiều quy định pháp luật khác, ví dụ Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công. Trong tờ trình trình Quốc hội sửa đổi luật VN, Bộ KHCN đã đề nghị sửa đổi các luật có liên quan để đảm bảo việc kiểm soát được công nghệ trong quá trình xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư cũng như trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư.

 

Cũng liên quan đến Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của luật chuyển giao công nghệ năm 2006, Bộ KHCN cho biết, Luật Chuyển giao công nghệ 2006 được ban hành và triển khai thực hiện 10 năm qua đã góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới và chuyển giao công nghệ ở nước ta. Ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất, từng bước cải thiện trình độ công nghệ của DN, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, tốc độ đổi mới công nghệ trong các DN thời gian qua thấp, chưa đạt được như mong muốn. Một số ngành, lĩnh vực vẫn còn sử dụng công nghệ lạc hậu, điều này ảnh hưởng đến hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, nền kinh tế chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, nhiều đạo luật liên quan đến chuyển giao công nghệ đã được sửa đổi ban hành, vì thế trước những đòi hỏi của thực tiễn, việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ là cần thiết và cấp bách, nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, thu hút công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, đẩy mạnh thương mại hóa các kết quả nghiên cứu và phát trưởng thị trường KHCN. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho DN ứng dụng, đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ KHKT, phát triển sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh. Đồng thời, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ, ngăn chặn nhập khẩu công nghệ lạc hậu vào VN.

 

Liên quan đến những công nghệ xử lý chất thải, hiện ở nước ta đang tồn tại 3 loại công nghệ chủ yếu là chôn lấp, sử dụng làm phân vi sinh và công nghệ đốt rác. Theo ông Nguyễn Đình Hậu - Vụ trưởng Vụ KHCN Các ngành Kinh tế kỹ thuật Bộ KHCN: Hiện chúng ta đang nhập hệ thống xử lý chất thải của khoảng 10 nước, nhưng các công nghệ này lại không phù hợp với rác thải của VN, vì thế trong thời gian tới, Bộ KHCN sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng khảo sát và trên cơ sở các công nghệ hiện có đặt hàng các nhà khoa học, nghiên cứu công nghệ xử lý phù hợp với điều kiện trong nước. Đồng thời, hỗ trợ cho một số các nhà khoa học để nghiên cứu các loại hình công nghệ trong nước đang sử dụng.

 

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Ngô Việt Trung - Nguyên Viện trưởng Viện Toán học Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam kể rằng: Các nhà lãnh đạo trước đây như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa thường xuyên hỏi ý kiến của các nhà khoa học đầu ngành, thậm chí đã có thời kỳ, mỗi tháng Bộ Chính trị tổ chức một cuộc họp để lãnh đạo các ban ngành nghe các nhà khoa học báo cáo. Giáo sư Ngô Việt Trung nói: “Đất nước này cần có một nền khoa học và nếu không phải là đỉnh cao của thế giới thì ít ra nó cũng ở mức trung bình nào đấy, còn nếu muốn tiến nhanh thì mình phải hơn những nước khác, chứ còn bây giờ nhập công nghệ cũ và cũng chưa có một mặt hàng, một sản phẩm công nghệ nào xuất ra nước ngoài thì nước mình không bao giờ có thể đuổi kịp các nước phát triển”.

 

Những bài học về xi măng lò đứng, mía đường thời gian qua và gần đây nhất là sự cố môi trường của Formosa cho thấy, nếu cứ ồ ạt cấp phép, rồi nhập công nghệ mà không thẩm định kỹ để rồi cái giá phải trả sẽ là ô nhiễm môi trường khủng khiếp. Tất cả cho thấy, cần phải nâng cao hơn nữa vai trò và tiếng nói của các nhà khoa học, của ngành khoa học trong việc thẩm định các công nghệ trước khi được đưa vào VN.

 

                                                                   Như Trang (thực hiện)


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang