Thứ Sáu, 17/05/2024 18:10:58 GMT+7

Tin đăng lúc 08-08-2017

Lượt xem: 1950

“Khát” nguyên liệu đe doạ vị trí “ngôi vương” của hạt điều Việt Nam

Nhập khẩu điều thô tăng mạnh trong những tháng đầu năm do nguyên liệu trong nước khan hiếm vì thời tiết bất lợi khiến năng suất và sản lượng giảm mạnh. Vì vậy, chuyên gia lo ngại việc thiếu hụt trầm trọng nguyên liệu có thể khiến cây tỷ đô của Việt Nam mất vị trí dẫn đầu.
“Khát” nguyên liệu đe doạ vị trí “ngôi vương” của hạt điều Việt Nam
Tính riêng 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất - nhập hạt điều đã gần tương đương.

Nguyên liệu khan hiếm

 

Theo Bộ NNPTNT, xuất khẩu hạt điều 7 tháng đầu năm 2017 ước đạt 186.000 tấn với giá trị 1,83 tỷ USD, tăng 24,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 36,9%, 15,1% và 12% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều. 

 

Kể từ năm 2006, Việt Nam là nước chế biến xuất khẩu điều lớn nhất thế giới, chiếm 28% lượng điều thô chế biến và 42% lượng điều nhân xuất khẩu toàn cầu năm 2016. Như vậy, đã 11 năm liền Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu hạt điều. Tuy nhiên, bên cạnh thành tích liên tục giữ “ngôi vương” về xuất khẩu là nỗi lo của doanh nghiệp trong ngành về vấn đề nguyên liệu. Kể từ sau cơn “hành hạ” khắc nghiệt của thiên tai, sâu bệnh từ mùa vụ 2015 – 2017, sản lượng điều sụt giảm nghiêm trọng khiến doanh nghiệp phải chạy lo nguyên liệu, nhập khẩu nguyên liệu từ các nước.

 

Cụ thể, báo cáo thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, 7 tháng đầu năm, lượng hạt điều nhập khẩu khoảng 902.000 tấn, tương ứng giá trị 1,73 tỷ USD. Như vậy, nhập khẩu điều đã tăng tới 58,8% về khối lượng và gấp 2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

 

Trước đó, năm 2016, lượng hạt điều nguyên liệu đưa vào chế biến 1,50 triệu tấn, trong đó nhập khẩu 1.025.000 tấn, mua trong nước 475.000 tấn, chỉ chiếm 31,67% nguyên liệu sản xuất của cả năm.

 

Đặc biệt, vụ điều năm nay, doanh nghiệp lại càng thiếu hụt nguyên liệu khi thời tiết không thuận lợi, các loại dịch bệnh như sâu róm đỏ, bọ trĩ, bọ xít muỗi… hoành hành, gây thiệt hại đáng kể cho nông dân trồng điều tại nhiều địa phương trên cả nước.

 

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), những tháng đầu năm nay, các vùng trồng điều nông dân có nhiều kinh nghiệm chăm sóc, năng suất ước cũng chỉ đạt 50% so với niên vụ năm 2016. Đáng chú ý, có những vườn điều thậm chí còn không có thu hoạch. Tổng sản lượng điều thô cả năm dự kiến ước đạt hơn 252.000 tấn, giảm gần 52.000 tấn so với năm 2016.

 

Theo ông Đặng Văn Mạnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, hiện toàn tỉnh có khoảng 25 cơ sở chế biến nhân hạt điều với tổng sản lượng bình quân đạt 70.000 tấn nguyên liệu điều thô/năm.Từ một tỉnh dẫn đầu về chế biến xuất khẩu điều của cả nước (năm 2009), đến nay các cơ sở chế biến xuất khẩu chỉ hoạt động kiểu cầm chừng, nhỏ lẻ.

 

Tương tự, ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, toàn tỉnh chỉ có 1 doanh nghiệp chế biến hạt điều thô với công suất khoảng 7.000 tấn nguyên liệu/năm. Trong khuôn khổ đề án phát triển điều bền vững, tỉnh đã hỗ trợ thành lập 8 tổ hợp tác với 120 thành viên. Nhưng niên vụ 2015 - 2016, các tổ hợp tác này chỉ thu mua, chế biến và tiêu thụ được 7% (1.604 tấn) tổng sản lượng điều toàn tỉnh.

 

Tại tỉnh Đăk Nông, hiện có 2 nhà máy chế biến và thu mua hạt điều. Nhưng do sản lượng điều hạt không đạt yêu cầu, các nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí ngừng hoạt động khi chưa đến vụ thu hoạch. Tỉnh Gia Lai có 2 cơ sở chế biến với tổng công suất thiết kế 13.000 tấn/năm nhưng cũng đang thiếu nguyên liệu tại chỗ.

 

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có khoảng 13 cơ sở, doanh nghiệp thu mua, chế biến hạt điều, nhưng đến nay, tổng công suất thực tế tại các doanh nghiệp cũng chỉ đạt 16.650 tấn/năm, bằng một nửa so với tổng công suất thiết kế.

 

Như vậy, có thể thấy tình trạng thiếu hụt nguyên liệu trong ngành đã ở mức báo động.

 

Cùng nhiều lỗ hổng

 

Chuyên gia lo ngại, việc kéo dài tình trạng thiếu hụt nguyên liệu có thể đẩy Việt Nam rời khỏi vị trí “ngôi vương” về xuất khẩu điều. Bởi các vùng sản xuất điều cạnh tranh với Việt Nam đang ngày càng vươn lên mạnh mẽ.

 

Hiện, Việt Nam đang nhập khẩu nguyên liệu điều thô ở châu Phi về chế biến rồi xuất khẩu qua châu Âu. Nhiều ý kiến cho rằng, các vùng sản xuất điều tại châu Phi sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với Việt Nam khi họ xuất khẩu thẳng sang Châu Âu, khoảng cách rõ ràng sẽ gần hơn giúp giá thành cạnh tranh hơn hẳn so với Việt Nam. Hay như Campuchia, nước có khí hậu, thổ nhưỡng cũng tương tự Việt Nam trong khi thị trường của nước này cũng khá ổn. 

 

Ông Nguyễn Duy Tuân - Tổng Giám đốc Công ty CP chế biến hàng xuất khẩu Long An Lafooco, từng cảnh báo “nếu không sớm tập trung theo hướng sản xuất bền vững, đảm bảo năng suất của nguồn nguyên liệu thì lợi thế sẽ chuyển sang các nước khác”. Lý do được đưa ra, mặc dù năng lực chế biến điều của ta đã vượt xa khả năng trồng trọt nhưng năng lực này còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập điều thô.

 

“Với diện tích khoảng 300.000 ha, nhưng chỉ chiếm 9% sản lượng điều thế giới thì quá nhỏ. Phải tăng lên 20% mới thì ngành điều mới bền vững và doanh nghiệp được lợi. Điều này có cơ sở vì trồng điều thâm canh có thể đạt 3 – 4 tấn/ha nhưng chưa đồng đều”, ông Tuân nói.

 

Chính từ việc không chủ động được nguyên liệu, nguyên liệu không đồng đều, nhiều tạp chất và không đảm bảo chất lượng dẫn đến xuất khẩu điều Việt Nam gặp thêm “rào cản” trong vấn đề an toàn thực phẩm. 

 

Theo ông Vũ Thái Sơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Long Sơn, khách hàng Mỹ đã từng từ chối mua hạt điều từ nhiều nhà máy chế biến điều của Việt Nam sau khi kiểm tra trực tiếp. Bởi theo Luật Hiện đại hóa ATTP sửa đổi của Mỹ (FSMA) có hiệu lực từ tháng 9/2016, DN nào có vấn đề về XK vào thị trường này, sẽ bị FDA từ chối khi xuất các lô hàng tiếp theo. 

 

Chính vì vậy, Vinacas khuyến cáo, doanh nghiệp cần từng bước chủ động hơn nguồn nguyên liệu. Bởi câu chuyện thiếu hụt nguyên liệu thực chất đã được đưa ra từ rất lâu, các giải pháp nhiệm vụ đưa ra cũng khá đầy đủ. Quan trọng lúc này là sự vào cuộc của toàn ngành. Cụ thể từ từng khâu, từng bước, như xây dựng bộ giống chất lượng tốt, năng suất cao, chống chịu được sâu bệnh. Đặc biệt, doanh nghiệp cần nâng cao đầu tư công nghệ chế biến, trên cơ sở đó tập trung truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Bên cạnh đó, hướng dẫn, hỗ trợ người nông dân thâm canh, ghép cải tạo các vườn điều lớn tuổi nhằm cải thiện chất lượng điều. Đặc biệt là thúc đẩy liên kết “bốn nhà” (Nhà nước-DN-nhà khoa học-nông dân) nhằm tạo ra vùng nguyên liệu vững chắc cho cây tỷ đô của Việt Nam.

 

Nguồn Thời báo Kinh doanh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang