Thứ Sáu, 26/04/2024 10:37:31 GMT+7

Tin đăng lúc 17-11-2016

Lượt xem: 4965

Hưng Yên: Đẩy mạnh phát triển CNHT ngành cơ khí

Hưng Yên là một trong những tỉnh công nghiệp (CN), phát triển nhanh và mạnh nhất của miền Bắc với nhiều khu CN lớn như: KCN Phố Nối, Như Quỳnh, Thăng Long II… Đóng góp vào thành quả này, không thể không kể đến sự phát triển của ngành CN cơ khí – ngành được xác định là “xương sống” trong cơ cấu CN và chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất CN của tỉnh.
Hưng Yên: Đẩy mạnh phát triển CNHT ngành cơ khí
Dây chuyền sản xuất, lắp ráp của Công ty CP Cơ khí ô tô 3-2

Xác định cơ khí là một trong những ngành công nghiệp quan trọng trong quy hoạch phát triển CN của tỉnh giai đoạn 2006 - 2015 có xét đến năm 2020, trong những năm qua, Hưng Yên đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để các DN thuộc ngành CN cơ khí của tỉnh phát triển và đã đạt được những thành tựu nhất định. Theo báo cáo của Sở Công Thương, giai đoạn 2011 - 2015, ngành cơ khí, luyện kim, gia công kim loại của Hưng Yên đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trên 8,7%/năm, phát triển tập trung chủ yếu vào một số lĩnh vực như: Cơ khí xây dựng, ô tô, xe máy, tiêu dùng... Trong đó, một số sản phẩm có sức cạnh tranh tốt, đứng vững trên trường trong nước và từng bước hướng tới xuất khẩu như các sản phẩm nội thất văn phòng, gia đình; phụ tùng ô tô, xe máy... 

 

Một trong những lĩnh vực nổi bật, có đóng góp quan trọng trong việc đưa giá trị sản xuất CN của tỉnh tăng nhanh trong những năm vừa qua đó là lĩnh vực sản xuất, lắp ráp xe máy, ô tô. Bên cạnh những doanh nghiệp sản xuất lắp ráp có tiếng như: Công ty TNHH SUFAT Việt Nam; Công ty CP Hỗ trợ Phát triển công nghệ Detech; Công ty Liên doanh Chế tạo xe máy LiFan Việt Nam; Công ty CP Ô tô TMT; Công ty CP Cơ khí ô tô 3-2,… thì Hưng Yên cũng có rất nhiều DN sản xuất sản phẩm hỗ hợ, phục vụ cho các DN này như: Công ty TNHH Sản xuất Phụ tùng Ô tô xe máy Hưng Yên (AMA); Công ty Sản xuất Phụ tùng Ô tô & Xe máy Việt Nam (VAP), các công ty sản xuất linh kiện phụ tùng Lifan…

 

Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghiệp cơ khí xây dựng trên địa bàn tỉnh cũng khá phát triển, với nhiều cơ sở chuyên sản xuất các sản phẩm phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng và trang thiết bị ngành xây dựng như phôi thép, cán thép, kết cấu kim loại, sản xuất các loại cửa bằng nhôm và sắt... Tiêu biểu như các công ty sản xuất thép của Tập đoàn Hòa phát, Công ty TNHH Thép Việt Ý..., hay trong lĩnh vực cơ khí điện, trên địa bàn tỉnh có một số doanh nghiệp chuyên sản xuất máy biến áp các loại như: Công ty CP Chế tạo Máy biến áp MIBA, với các sản phẩm như máy biến áp trung gian công suất đến 16.000 kVA, máy biến áp 3 pha công suất đến 35.000 kVA và một số sản phẩm phục vụ cho ngành điện với công nghệ khá hiện đại. 

 

Mặc dù đã đạt được một số thành tích nhất định, nhưng theo đánh giá, ngành cơ khí của tỉnh chủ yếu mới chỉ dừng lại ở lắp ráp, gia công; nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất vẫn còn phụ thuộc vào nhập khẩu; sản phẩm cơ khí chất lượng chưa cao, chưa có thương hiệu, chưa gắn với phát triển công nghiệp. Trong khi đó, để đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, chủng loại, cũng như tiến độ sản xuất thì đòi hỏi các DN sản xuất sản phẩm hỗ trợ ngành cơ khí trong nước phải đầu tư công nghệ, áp dụng kỹ thuật tiên tiến để sản xuất, tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của các DN này đó là khó khăn về vốn.

 

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Vũ Đức Sơn - Giám đốc Sở Công Thương Hưng Yên cho biết: Hiện tại, UBND tỉnh đã đề xuất với các bộ, ngành của Trung ương rà soát lại danh mục các chuyên ngành, sản phẩm cơ khí trọng điểm và chỉ giới hạn 5 - 6 chuyên ngành, sản phẩm cơ khí có giá trị cao, điều kiện thị trường thuận lợi để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển, từ đó thúc đẩy các ngành, sản phẩm khác. Cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ đối với các DN, đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ, nhất là hỗ trợ về vốn, nghiên cứu đầu tư phát triển và thị trường. 

 

Được biết, để thúc đẩy ngành công nghiệp cơ khí nói chung và CNHT ngành cơ khí nói riêng, Hưng Yên đã xây dựng cơ sở dữ liệu về các thông tin thị trường, giá, nhà sản xuất… để cung cấp thông tin cho DN hoạt động trong ngành cơ khí.  Cùng với đó, xây dựng những chính sách về vay vốn, thuế… để tạo thuận lợi cho DN cơ khí cũng như các DN sản xuất sản phẩm phụ trợ cho ngành này đầu tư thiết bị, công nghệ; đồng thời, hỗ trợ các DN trong việc nâng cao tay nghề cho đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật trong các ngành chủ lực như: cơ khí; điện, điện tử; gia công chính xác và cơ khí chế tạo.

 

Có thể thấy, tỉnh Hưng Yên đã có nhiều giải pháp cũng như những chính sách hỗ trợ cụ thể để tạo điều kiện cho ngành cơ khí của tỉnh phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực này thì cũng rất cần sự hỗ trợ thiết thực và cụ thể hơn nữa từ phía Nhà nước để thúc đẩy ngành CNHT cơ khí phát triển, góp phần đưa công nghiệp của Hưng Yên “cất cánh” cùng sự phát triển chung của công nghiệp nước nhà./.

 

Nguyễn Hoa


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang