Thứ Hai, 20/05/2024 07:32:03 GMT+7

Tin đăng lúc 08-10-2015

Lượt xem: 3696

Hàng hạn chế nhập khẩu giảm gần 3%

Kim ngạch nhập khẩu (NK) hàng hóa đến hết quý 3/2015 tăng xấp xỉ 16% so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng nói là mức tăng này chủ yếu rơi vào nhóm cần NK, phục vụ sản xuất trong nước còn nhóm hàng hạn chế NK đã giảm đáng kể.
Hàng hạn chế nhập khẩu giảm gần 3%
Ảnh minh họa

Theo ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Bộ Công Thương, tổng kim ngạch NK hàng hóa 9 tháng đầu năm 2015 ước đạt 124,6 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch NK của các DN FDI đạt 73,3 tỷ USD, tăng 20,7%; các doanh nghiệp trong nước cũng đã NK gần 51,3 tỷ USD, chiếm 41,2 tổng kim ngạch NK và tăng 9,7% so với cùng kỳ. So với kim ngạch xuất khẩu, nhập siêu tính đến hết quý 3 mới chỉ ở mức 3,2%, đạt 3,86 tỷ USD

 

Con số này cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước đã duy trì tốt sự tăng trưởng trong những tháng qua, nhất là ở khối doanh nghiệp 100% vốn trong nước. Nhóm hàng hóa cần NK chủ yếu vẫn là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước, ước khoảng 110 tỷ USD, chiếm 88,3% tỷ trọng NK và tăng 15,9% so với cùng kỳ. Theo Bộ Công Thương, mặt hàng NK tăng cao nhất phải kể đến là hạt điều (tăng 114,4%), ngô (tăng 30,7%) và một số nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất như sản phẩm từ chất dẻo, giấy, phôi thép, sản phẩm điện tử, linh kiện…

 

Đối với nhóm hàng cần kiểm soát NK, kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đầu 2015 ước khoảng 5 tỷ USD, chiếm 4% tỷ trọng nhập khẩu và tăng 10,7% so với cùng kỳ, trong đó tăng chủ yếu ở mặt hàng linh kiện phụ tùng ôtô 44,7%. Điều này cũng phù hợp với sức tăng trưởng tiêu thụ ô tô của thị trường từ đầu năm đến nay. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước 9 tháng qua đều có sản lượng bán hàng tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

 

Một trong những điểm sáng của hoạt động xuất nhập khẩu trong 9 tháng qua chính là sự sụt giảm của nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu với kim ngạch NK ước khoảng 4,2 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm hàng tiêu dùng các loại giảm tương đối cao, chỉ còn mặt hàng ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ là vẫn tăng mạnh, tới 50%.

 

Thị trường NK cũng có những chuyển biến tốt hơn, dịch chuyển sang các thị trường mới thay vì chỉ phụ thuộc  vào một số thị trường trọng điểm. Trong đó, nhập khẩu từ các nước Châu Phi tăng cao nhất (59%), các nước Mỹ Latinh và vùng Caribê tăng 31,8%, Châu Mỹ tăng 32,3%, thị trường Châu Âu tăng 17,8%.

 

Theo tính toán, Châu Á vẫn là thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam, chiếm 80% tỷ trọng NK. Cụ thể: NK từ các nước Đông Á chiếm 62,6%, và Trung Quốc là gần 30% trong tổng kim ngạch NK của cả nước. 

 

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang