Thứ Ba, 30/04/2024 08:14:31 GMT+7

Tin đăng lúc 09-10-2023

Lượt xem: 318

Hà Nội ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong du lịch để thu hút du khách

Công nghệ thực tế ảo trong du lịch giúp du khách tìm hiểu trước điểm đến hoặc "tham quan" những công trình không còn hiện hữu. Tại Hà Nội, công nghệ này bước đầu phát huy tác dụng tại một số điểm du lịch, nhờ đó thu hút được lượng lớn du khách tham quan. Dù vậy, vẫn còn nhiều khó khăn hạn chế trong ứng dụng công nghệ này.
Hà Nội ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong du lịch để thu hút du khách
Du khách trải nghiệm Văn Miếu - Quốc Tử Giám bằng công nghệ thực tế ảo VR 360

Tại Hà Nội, đã có 27 điểm đến trên địa bàn thành phố triển khai số hóa dữ liệu và hình ảnh. Các điểm đến như di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích Hoàng thành Thăng Long… hiện nay đều đã áp dụng hệ thống QR code, cửa soát vé tự động, phần mềm quản lý du khách… Qua đó nâng cao năng lực quản trị của đơn vị hoặc ứng dụng các công nghệ mới như VR 360, 3D, Flycam, Mapping… để gia tăng lượng khách du lịch ảo.

 

Từ phát triển chiều rộng

 

Quận Hoàn Kiếm là địa phương đầu tiên của Hà Nội ứng dụng công nghệ thông tin vào khai thác các điểm đến du lịch, khi đưa vào hoạt động trang “Hoàn Kiếm 360 độ” từ đầu năm 2018, đã trở thành một điểm hấp dẫn không thể bỏ qua, tạo ra sức hút đặc biệt với du khách. Đây cũng được đánh giá là một trong những trang thông tin quảng bá và hỗ trợ du khách khá đầy đủ, hiện đại.

 

Nối tiếp, Sở Du lịch Hà Nội đã đề nghị UBND các quận, huyện, như: Bắc Từ Liêm, Ba Vì, Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Oai, Ứng Hòa… phối hợp thực hiện quay hình, chụp ảnh các sản phẩm du lịch, cụm di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn bằng giao diện ảnh 360 độ, nhằm quảng bá hình ảnh điểm đến để thu hút du khách tại các địa phương.

 

Đây là một trong những nội dung nằm trong chiến lược quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch Thủ đô chất lượng, an toàn, mến khách, góp phần nâng cao mức độ trải nghiệm, thỏa mãn tối đa nhu cầu của khách du lịch.

 

Đặc biệt, trong thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19, các điểm tham quan, bảo tàng, di tích liên tục phải đóng cửa, tạm dừng đón khách để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, ngành du lịch Hà Nội đã triển khai xây dựng hoạt động trải nghiệm du lịch ảo bằng công nghệ tham quan trực tuyến 3D tour nhằm hỗ trợ du khách tiếp cận và hiểu thêm về các giá trị tự nhiên - văn hóa của Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

 

Theo đó, tour du lịch ảo đã được ra mắt tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long và Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội.

 

Hay như tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, từ đầu tháng 9/2021, Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã xây dựng thêm một fanpage chuyên giới thiệu về không gian văn hóa Quốc Tử Giám xưa nhằm giới thiệu đến công chúng về Trường Quốc Tử Giám xưa.

 

Tới phát triển chiều sâu

 

Để phát triển các sản phẩm theo hướng đa dạng hóa và mang tính đổi mới hơn, các điểm du lịch tại Hà Nội đã nghiên cứu và ứng dụng khá tốt các nền tảng công nghệ số trong khai thác và vận hành các hoạt động du lịch.

 

Cụ thể như, gần đây, fanpage Không gian văn hóa Quốc Tử Giám xưa đã được thiết lập với nhiều hình ảnh sinh động giới thiệu về lịch sử thi cử, khoa bảng ngày xưa; cũng như những hiện vật đang trưng bày. Đây là hoạt động mới để tương tác với nhiều người dùng trên mạng xã hội của Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

 

Theo đại diện cơ quan quản lý của điểm di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám, ngay từ khi tạm ngừng đón khách thực hiện giãn cách xã hội, đơn vị tập trung vào công tác đào tạo lại nhân lực, đồng thời nghiên cứu xây dựng sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ thông tin giới thiệu quảng bá giá trị di tích.

 

Bên cạnh đó, Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đưa vào ứng dụng công nghệ QR Code (mã vạch hai chiều) cho hơn 40 hiện vật, cây xanh và các hạng mục công trình trong khuôn viên di tích. Theo đó, du khách chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh, đặt trước bảng chỉ dẫn đã cài mã QR Code, hệ thống sẽ tự động đăng nhập và chuyển tới điện thoại những thông tin cơ bản về hiện vật đó.

 

Cũng áp dụng công nghệ vào hoạt động, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã tổ chức triển lãm, trưng bày trực tuyến tại trang web: trungbayonline.hoangthanhthanglong.vn và giới thiệu các tour tham quan ảo 360 độ về các triều đại gắn với Hoàng thành Thăng Long, các di tích lịch sử tiêu biểu tại đây và các sự kiện lớn của đất nước.

 

Theo đánh giá chung của cơ quản lý điểm di tích này, phương thức trên bước đầu được khá nhiều du khách quan tâm, truy cập vào trang trưng bày trực tuyến để tìm hiểu các cuộc trưng bày, tìm hiểu về di sản Hoàng thành Thăng Long trong thời gian qua.

 

Hay như tại Làng cổ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), việc ứng dụng công nghệ VR 3D đã giúp du khách tham quan làng nghề và hòa mình vào lễ hội làng với đầy đủ các phong tục, nghi lễ truyền thống thông qua trải nghiệm không gian ảo 3D,… Đây cũng là làng nghề đầu tiên tại Hà Nội ứng dụng công nghệ VR 3D.

 

Cần hoàn thiện hơn nữa

 

Nhìn chung, lợi ích của du lịch thực tế ảo có thể dễ dàng nhận thấy. Như giúp du khách tiết kiệm chi phí cho việc đi lại và lưu trú tại địa điểm du lịch thực tế; giúp du khách tìm hiểu về các địa điểm du lịch trước khi thực sự đến tham quan, giúp họ lựa chọn địa điểm phù hợp với sở thích và ngân sách của mình.

 

Bên cạnh đó, tạo ra các trải nghiệm du lịch mới lạ và độc đáo và tạo ra cơ hội cho những người có khả năng tài chính hạn chế hoặc không thể đi lại được để trải nghiệm du lịch.

 

Mặc dù việc ứng dụng VRT tại TP Hà Nội đã đạt kết quả khả quan ban đầu nhưng nhìn chung vẫn chưa thực sự có bước tiến đáng kể. Nguyên nhân là nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chuẩn bị để phát triển du lịch thực tế ảo ở khía cạnh công nghệ, tài chính và nguồn nhân lực. Các chính sách phát triển du lịch thực tế ảo hiện nay chủ yếu gắn với phát triển du lịch thông minh, tăng cường chuyển đổi số mà chưa có giải pháp, chính sách ưu đãi cụ thể.

 

Bởi thực tế, việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo vào du lịch tại TP Hà Nội vẫn chỉ đang dừng lại ở mức cung cấp hình ảnh 3D mà ít chú ý nâng cao độ phân giải và những tiện ích trải nghiệm khác. Điều này khiến một số khách hàng bị chóng mặt khi xem, sản phẩm giảm độ “hấp dẫn” trước khi du khách quyết định có đến thăm trực tiếp hay không.

 

Bên cạnh đó, thực tế chi phí đầu tư vào công nghệ là rất lớn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Không chỉ vậy, hiện tại, ngành du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế về hạ tầng và dịch vụ, dẫn đến việc khó khăn trong việc tạo ra trải nghiệm thực tế ảo chất lượng cao. Hơn nữa, nhiều du khách vẫn chưa quen với công nghệ này và có thể không biết cách sử dụng, do đó việc tăng cường giáo dục và tư vấn cho du khách rất cần thiết.

 

Được biết, thời gian tới, Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ cố gắng triển khai một chương trình ứng dụng tham quan ảo 3D bằng ánh sáng vào ban đêm tại di tích. Đặc biệt, chương trình có ứng dụng công nghệ 3D Mapping để truyền tải cho du khách những trải nghiệm chân thực và sống động nhất.

 

Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam, PGS Đặng Văn Bài khẳng định: “Nếu chúng ta biết vận dụng công nghệ số thì giáo dục di sản sẽ giúp đạt hiệu quả cao hơn. Công nghệ số tạo ra sản phẩm hiện thực ảo, cung cấp cho du khách nhiều cơ hội văn hóa, chủ động tìm hiểu cái mình cần, thu thập kiến thức. Để làm được điều này thì các cơ quan cần chủ động, sáng tạo xây dựng các sản phẩm ứng dụng công nghệ 4.0”.

 

Theo VNbusiness


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang