Chủ Nhật, 19/05/2024 10:51:19 GMT+7

Tin đăng lúc 17-07-2023

Lượt xem: 426

Hà Nội chính thức tăng giá nước sạch

TP. Hà Nội vừa chính thức phê duyệt giá bán lẻ nước sinh hoạt. Theo đó từ 1/7/2023, giá bán nước đối với hộ dân sử dụng trên 30m3/tháng là 24.000 đồng/m3; từ ngày 1/1/2024, giá bán mức này lên 27.000 đồng/m3.
Hà Nội chính thức tăng giá nước sạch
Bảng giá nước sạch Hà Nội.

Theo quyết định vừa được UBND TP Hà Nội ban hành, việc tăng giá nước sạch được chia làm hai giai đoạn, từ 1/7 đến 31/12/2023 và từ 1/1/2024 đến 31/12/2024. Giá nước sau 10m3 đầu tiên sẽ tăng lũy tiến.

 

Cụ thể, từ ngày 1/7, giá bán lẻ nước sinh hoạt 10 m3 đầu tiên tăng từ 5.973 lên 7.500 đồng và năm 2024 lên 8.500 đồng/m3/hộ gia đình mỗi tháng.

 

Hộ gia đình sử dụng mỗi tháng trên 10 đến 20m3, giá nước 6 tháng cuối năm sẽ tăng từ 7.052 lên 8.800 đồng/m3 và lên 9.900 đồng/m3 vào năm 2024; sử dụng trên 20 đến 30m3, giá tăng từ 8.669 lên 12.000 đồng và lên 16.000 đồng/m3 vào năm 2024.

 

Mức giá cao nhất với nước sinh hoạt sẽ là 27.000 đồng/m3 khi sử dụng trên 30 m3 một hộ mỗi tháng vào năm 2024.

 

Với khối cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và phục vụ mục đích công cộng, giá nước sạch trong 6 tháng cuối năm là 12.000 đồng/m3 và năm 2024 là 13.500 đồng/m3. Với cơ sở sản xuất, giá nước 15.000 đồng/m3 trong 6 tháng cuối năm 2023 và tăng lên 16.000 đồng/m3 năm 2024.

 

Giá nước cho hoạt động kinh doanh dịch vụ cao nhất 27.000 đồng/m3 trong 6 tháng cuối năm và tăng lên 29.000 đồng/m3 năm 2024.

 

Theo tính toán của liên ngành TP Hà Nội, nhu cầu dùng nước thực tế ở nội thành dao động 100-150 lít/ngày/người. Với mức tăng như trên, mỗi hộ sẽ dùng 10-16 m3/tháng, tương đương số tiền phải chi thêm là 15.000-26.000 đồng. Tại nông thôn, mức dùng 50-70 lít/ngày/người, mỗi hộ trung bình sử dụng 6-8 m3/tháng nên số tiền chi thêm là 10.000-13.000 đồng.

 

Theo bà Trần Thành Tâm, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, Thành phố luôn xác định giá nước sạch có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân, cũng như doanh nghiệp trên địa bàn. Do đó, trong quá trình triển khai thực hiện, Thành phố đã rất thận trọng, cũng như có chỉ đạo cụ thể với các sở, ngành; phản ánh, thông tin cụ thể trên các phương tiện truyền thông, báo chí đến người dân.

 

Theo Phó Giám đốc Sở Tài chính, khi xác định phương án giá nước, Thành phố đã thành lập tổ công tác thẩm định giá trên địa bàn, trong đó có lãnh đạo các sở, ngành: Tài chính, Xây dựng, Thuế… Mỗi đơn vị có nhiệm vụ riêng, thực hiện công tác rà soát và thẩm định phương án giá nước.

 

Chính vì vậy, phương án giá nước khi tính toán đảm bảo theo đúng quy định tại Thông tư 44/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, có hiệu lực từ ngày 5/8/2021, về khung giá, nguyên tắc, phương án xác định giá nước sinh hoạt. Các yếu tố cấu thành giá đảm bảo lợi ích người dân và lợi nhuận của nhà đầu tư cũng được thực hiện theo đúng quy định của Thông tư này.

 

Trong phương án giá nước, để đảm bảo đời sống của người dân, Thành phố đã quyết định không tăng giá nước đột ngột mà thực hiện tăng theo lộ trình trong vòng 2 năm. Đảm bảo trong khoảng thời gian này có thể đáp ứng được yếu tố đầu vào cấu thành giá nước; điều chỉnh kịp thời đảm bảo tính thị trường trong điều chỉnh giá nước.

 

Bên cạnh đó, để đảm bảo chất lượng nước, Sở Tài chính đã có báo cáo UBND Thành phố về trách nhiệm của các công ty cấp nước. Việc xây dựng phương án giá nước phải đảm bảo quy định chất lượng nước theo tiêu chuẩn. Theo đó, UBND Thành phố đã giao trách nhiệm cho Sở Y tế trong quá trình kiểm tra chất lượng nước, Sở Xây dựng kiểm tra áp dụng định mức kỹ thuật; Sở Tài chính có trách nhiệm rà soát giá nước hằng năm theo đề nghị của đơn vị cấp nước.

 

"Thành phố cũng đã chỉ đạo liên ngành thực hiện một cách tổng thể các phương án để đảm bảo quyền, lợi ích của người dân; hài hòa lợi ích nhà nước, người dân, doanh nghiệp. Tất cả quyền lợi của người dân được Thành phố ưu tiên đầu tiên, có chính sách cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách…", bà Tâm chia sẻ.

 

Theo VNbusiness


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang