Thứ Năm, 16/05/2024 05:40:14 GMT+7

Tin đăng lúc 03-09-2016

Lượt xem: 3021

Gỡ “khó” cho doanh nghiệp: Chính phủ cải cách toàn diện kiểm tra chuyên ngành

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành (KTCN). Theo đó, các bộ ngành liên quan sẽ giảm danh mục hàng hóa đến mức thấp nhất, rút ngắn thời gian, áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, đẩy mạnh ứng dụng CNTT…
Gỡ “khó” cho doanh nghiệp: Chính phủ cải cách toàn diện kiểm tra chuyên ngành
Thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn đang là nỗi “ám ảnh” của DN

Nỗi “ám ảnh” của DN

 

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp cho biết một trong những khó khăn khi thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn là thủ tục kiểm tra chuyên ngành (KTCN). Cụ thể, các doanh nghiệp (DN) cho rằng, thời gian chờ kết quả KTCN còn dài, kiểm tra chuyên ngành không đúng, thiếu sự kết hợp giữa các bộ ngành gây chồng chéo làm cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.

 

Đơn cử như câu chuyện các sản phẩm động cơ, điện tử của DN TP HCM phải chuyển ra Hà Nội để kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu, phải thực hiện dán nhãn năng lượng… gây tốn kém chi phí và thời gian cho doanh nghiệp. Vấn đề là nhiều mặt hàng được nhập khẩu từ các nước có tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn Việt Nam.

 

Theo số liệu thống kê của Cục Hải quan TP HCM số vụ vi phạm trên tổng số tờ khai kiểm tra chuyên ngành trong quý /2016 rất thấp. Tính cho đến hết 6 tháng đầu năm, có 309.000 tờ khai kiểm tra chuyên ngành và chỉ phát hiện vi phạm 7 trường hợp.

 

Điều này cho thấy, tỷ lệ vi phạm rất thấp và hoàn toàn có thể áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành.

 

Trong khi đó, các bộ ngành liên quan đều khăng khăng giữ quan điểm phải kiểm tra chuyên ngành 100% các lô hàng xuất nhập khẩu để an toàn cho người tiêu dùng trong nước. Vì vậy, chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra trả cho các cơ quan kiểm tra chuyên ngành rất lớn, trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp.

 

Thực trạng này cho thấy quy định về kiểm tra chuyên ngành hiện nay không hiệu quả và hiệu lực. Ngoài ra, đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp cũng nêu hàng loạt bất hợp lý, vướng mắc cụ thể từ các quy định kiểm tra chuyên ngành hiện nay và đề xuất cần rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa.

 

Lý giải tình trạng trên, đại diện ngành cho biết, thời gian chờ kết quả KTCN còn dài là do văn bản pháp luật về KTCN quy định Danh mục mặt hàng phải kiểm tra của nhiều bộ quản lý chuyên ngành chưa đồng bộ, chưa đầy đủ; phạm vi mặt hàng phải KTCN tại khâu thông quan còn quá rộng.

 

Hơn nữa, cơ quan KTCN chưa có đủ lực lượng và phương tiện kiểm tra tại cửa khẩu (trừ lực lượng làm công tác kiểm dịch), hàng hóa khi cần KTCN phải đưa về phòng thí nghiệm trong nội địa thực hiện; phương tiện kỹ thuật, nguồn nhân lực thực hiện còn thiếu và yếu, nhiều trường hợp đưa ra kết quả chậm, dẫn đến kéo dài thời gian thông quan hàng hóa của DN.

 

Nhiều mặt hàng thuộc diện KTCN nhưng các bộ, ngành quản lý chưa ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với hàng hóa. Nhiều cơ quan, đơn vị KTCN chưa áp dụng phương pháp rủi ro trong KTCN, chưa ứng dụng công nghệ thông tin trong việc trao đổi thông tin kết quả KTCN với cơ quan hải quan.

 

Do đó, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc kiểm tra việc thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) theo Nghị quyết 19-2016/NQ-CP tại Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh.

 

Giảm 50% hàng hóa KTCN

 

Cụ thể, Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành liên quan kiên quyết thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành theo thông lệ quốc tế, áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro. Trong năm 2016, phải giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30 – 35% hiện nay xuống còn 15%.

 

Cùng với đó, rà soát cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra theo hướng kiểm tra ít nhất có thể, đơn giản hóa thủ tục. Rút ngắn thời gian kiểm tra, phối hợp với bộ có liên quan xác định rõ trách nhiệm của từng bộ đối với từng loại sản phẩm, hàng hóa tránh chồng chéo.

 

Trường hợp có ý kiến khác nhau, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

 

Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, chuyển mạnh sang hậu kiểm, công nhận kết quả kiểm tra của các nước đã ký kết hiệp định công nhận lẫn nhau với Việt Nam. Rà soát các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh XNK bảo đảm phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý chuyên ngành.

 

Đặc biệt, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ quản lý hàng hóa thuộc diện KTCN chậm nhất ngày 30-9-2016 phải xử lý theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định những đề xuất, vướng mắc của doanh nghiệp.

 

Tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động nâng cao năng lực các đơn vị kiểm tra chuyên ngành và tại các điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung.

 

Thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn đối với các đơn vị sự nghiệp có nhiệm vụ kiểm tra nhà nước đối với hàng hóa xuất nhập khẩu xã hội hóa mạnh mẽ công tác này, tránh độc quyền, tạo cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kiểm tra chuyên ngành.

 

Ứng dụng công nghệ

 

Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành cụ thể, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan nghiên cứu đầu tư các điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung, xã hội hóa công tác kiểm tra chuyên ngành. Có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng văn bản điện tử của đại lý hải quan.

 

Các bộ có trách nhiệm xem xét, quyết định áp dụng văn bản điện tử trong kiểm tra chuyên ngành, trường hợp không áp dụng phải có giải trình cụ thể, công khai.

 

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra chuyên ngành, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra với hải quan, thực hiện tốt cơ chế một cửa quốc gia.

 

Về phía Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo Chính phủ về vấn đề kiểm tra hiệu suất năng lượng, dán nhãn năng lượng đối với hàng hóa nhập khẩu. Có đề xuất sửa đổi cụ thể nhằm tháo gỡ vướng mắc cho DN theo hướng chủ động công nhận và dán nhãn các phương tiện, thiết bị nhập khẩu (trong đó có động cơ) xuất xứ từ các nước có tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn VN, trình Chính phủ xem xét, quyết định. Trong khi chưa sửa đổi các văn bản có liên quan thì thực hiện theo Nghị quyết của Chính phủ.

 

Được biết, đến nay, ngành Hải quan đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với đối với 73 thủ tục hành chính cốt lõi (chiếm 44%); cung cấp dịch vụ công mức độ 1, 2 đối với 95 thủ tục hành chính còn lại (chiếm 56%), là các thủ tục hành chính có số lượng DN thực hiện không nhiều, do đó, cải cách toàn diện lần này của Chính phủ kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của doanh nghiệp.

 

Theo Báo Diễn đàn doanh nghiệp


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang