Thứ Bẩy, 27/04/2024 06:33:53 GMT+7

Tin đăng lúc 28-04-2020

Lượt xem: 1518

Gỡ khó cho công nghiệp hỗ trợ

Trong những năm qua, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) luôn được Việt Nam chú trọng thu hút đầu tư nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm, tuy nhiên, đầu tư cho sản xuất CNHT lại chưa chú ý nhiều. Do đó, khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, nguồn cung nguyên liệu thô bị gián đoạn đã làm cho ngành CNHT đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Gỡ khó cho công nghiệp hỗ trợ
Doanh nghiệp CNHT khó khăn trong tìm nguồn nguyên liệu

Phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu

 

Từ trước tới nay, nhiều ngành cho biết tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm đang được nâng lên, nhiều đơn hàng nguyên liệu trong nước đã đáp ứng 50 – 70%. Thế nhưng, ít ai biết nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất CNHT đang phải nhập khẩu tới 70 - 80%, trong đó, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản là 3 thị trường nhập khẩu nguyên liệu thô lớn nhất của Việt Nam. Khi dịch Covid-19 xuất hiện, dù đã có sự chuẩn bị, song, các biện pháp hạn chế thông thương để ngăn chặn dịch từ các quốc gia trên đã khiến cho nguồn cung nguyên liệu trở nên khan hiếm, nhiều doanh nghiệp (DN) đứng trước nguy cơ cạn kiệt nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, ngành công nghiệp trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

           

Ông Lê Trí Minh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đại Á Thành, Chi hội trưởng Chi hội ngành CNHT Đồng Nai cho rằng, mấy năm trở lại đây, CNHT của Việt Nam tương đối phát triển, nhưng sản phẩm đầu vào cho ngành thì thị trường trong nước không đáp ứng được nhiều nên chủ yếu vẫn phải nhập khẩu. Việc này khiến cho CNHT khó chủ động trong sản xuất, bởi, khi các nước đối tác cung ứng nguyên liệu thô xảy ra biến động phải tạm dừng hoạt động, thì ngành sẽ chịu tác động tiêu cực ngay sau đó một vài tháng và sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến những ngành sản xuất hoàn thiện sản phẩm để xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

 

Đại diện một số DN CNHT cũng cho biết, dù đã chủ động nhập nguyên liệu thô dự trữ để sản xuất khoảng 2-4 tháng, nhưng nếu dịch bệnh kéo dài thêm 1-2 tháng nữa thì DN sẽ rơi vào cảnh thiếu nguyên liệu, việc thu hẹp, hoặc dừng sản xuất là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

 

Khó khăn tìm nguồn cung thay thế

 

Theo Bộ Công Thương, nguồn nguyên liệu trong nước cho những ngành hàng: Giày dép, dệt may, xơ sợi dệt, điện tử, máy móc thiết bị và phụ tùng đã đáp ứng 30-60% (tùy theo đơn hàng). Khi xảy ra dịch, DN có thể tìm thêm nguyên liệu trong nước và những nước khác. Thế nhưng, các nhà máy sản xuất CNHT cho những ngành trên cũng đang đối mặt với việc thiếu nguyên liệu thô và đang phải tất bật lo tìm nguồn cung từ những quốc gia khác để bù lại.

           

Tuy nhiên, việc tìm nguồn nguyên liệu thay thế cũng gặp những khó khăn nhất định. Với 80% đơn hàng gia công hiện nay, 100% nguyên phụ liệu đều do khách hàng chỉ định nhà cung cấp, nên DN Việt Nam không thể tự quyết khi nguồn cung thiếu hụt. Trong trường hợp các DN có thể chủ động nơi cung ứng nguyên liệu mới từ khối ASEAN, Ấn Độ, Bangladesh…, thì giá thành cũng cao hơn Trung Quốc và Hàn Quốc, mất thời gian đàm phán, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đầu ra của sản phẩm.

 

 

Gỡ khó cho doanh nghiệp CNHT

 

Gỡ khó cho doanh nghiệp

 

Trước thực trạng trên, Bộ Công Thương đã có đề xuất với Chính phủ về các giải pháp phát triển CNHT. Cụ thể, đầu tư nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và địa phương tập trung phát triển công nghiệp, đặc biệt là CNHT và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng như thép chế tạo, vải, vật liệu mới... để khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

 

Hiện nay, Sở Công Thương Hà Nội đang đẩy mạnh phối hợp chặt chẽ với Cục Xuất nhập khẩu; Cục Công nghiệp cùng 57 thương vụ Việt Nam trên toàn thế giới tập trung tăng cường hỗ trợ các DN tìm nguồn nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, linh phụ kiện đầu vào sản xuất để thay thế trong trường hợp nguồn cung bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Cùng với đó, tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực DN thông qua các giải pháp về tín dụng, nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo phát triển thị trường cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai.

 

Bên cạnh đó, khuyến khích DN CNHT trong nước, tăng cường sản xuất để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa, đồng thời, cần đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ, sử dụng sản phẩm của nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để giảm mức phụ thuộc vào nguồn lực từ bên ngoài.

 

Hiện nay, Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch bệnh, tuy nhiên, để có ngành công nghiệp phát triển thì ngành CNHT cần được quan tâm, chú trọng hơn nữa để phát triển bền vững hơn, kể cả thị trường bên ngoài có biến động thì cũng không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nước.

 

Quỳnh Anh

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang