Chủ Nhật, 28/04/2024 05:23:20 GMT+7

Tin đăng lúc 09-11-2023

Lượt xem: 1713

Giải pháp nào để ngành Dệt May – Da giầy TP.HCM phát triển?

Năm 2023, ngành Dệt May và Da giầy vẫn còn gặp nhiều thách thức do bối cảnh căng thẳng địa chính trị dẫn tới đà suy thoái kinh tế thế giới, ảnh hưởng không nhỏ tới Việt Nam. Bên cạnh đó, việc lãi suất tăng cao, lạm phát chưa có xu hướng hạ nhiệt, trong khi thị trường xuất, nhập khẩu bị chững lại…, khiến cho cộng đồng các doanh nghiệp (DN) Việt Nam nói chung, DN dệt may và da giầy trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) nói riêng càng thêm khó khăn.
Giải pháp nào để ngành Dệt May – Da giầy TP.HCM phát triển?
Ngành dệt may cần tập trung đầu tư vào chuỗi cung ứng nguyên liệu để chủ động nguồn cung cho sản xuất trong nước

Thách thức với ngành Dệt May – Da giầy

 

Theo các chuyên gia nhận định, sở dĩ ngành Dệt May – Da giầy lâm vào tình trạng trên là do nhu cầu thế giới về mặt hàng này chưa có tín hiệu phục hồi mạnh; các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Hoa Kỳ thì kim ngạch xuất khẩu lần lượt giảm mạnh xuống còn 22,7% và 32% so với cùng kỳ, còn thị trường EU cũng chứng kiến đà giảm tốc xuất khẩu tương tự, khi kim ngạch xuất khẩu da giầy giảm 19%. Bên cạnh đó là những đòi hỏi khắt khe đến từ các nhãn hàng như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chất lượng đòi hỏi cao hơn… và phải tuân thủ nhiều chính sách khác của nhãn hàng. Theo đánh giá của ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM, tình trạng sụt giảm đơn hàng xuất khẩu của ngành vẫn chưa có chuyển biến trong những tháng đầu năm 2023 và dự báo còn kéo dài. Một số DN triển khai giảm ca làm, giờ làm để duy trì dây chuyền sản xuất và giữ việc làm cho người lao động. So với những ngành hàng thiết yếu, các ngành hàng thời trang thường bị tác động giảm cầu sớm và phục hồi chậm hơn.

 

Đặc biệt là hiện nay, các DN ngành Da giầy vẫn phải nhập khẩu một lượng nguyên liệu lớn để duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Trong khi đó, nguyên phụ liệu da giầy chỉ mới tập trung cho dòng sản phẩm trung bình và trung bình khá, còn lại vẫn phải nhập khẩu, khiến giá trị gia tăng của ngành không đạt được như yêu cầu đề ra. Hàng năm, các DN vẫn phải nhập khẩu các phụ liệu như: Da thuộc, vải kỹ thuật, phụ kiện làm khuôn, đế, chất dẻo, keo dán, hóa chất… mà DN trong nước chưa đáp ứng được với nhu cầu.

 

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Da giầy TP.HCM cho biết, từ nhiều năm qua, lĩnh vực công nghiệp dệt may và da giầy trong nước được đánh giá là đã phát triển, nhưng công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngành Da giầy chưa đạt được sự mong mỏi của Nhà nước, DN, nhà sản xuất… và cần có thêm một lộ trình dài hơi. Nhiều chuyên gia nhận định, ngành Da giầy Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn từ các Hiệp định thương mại, hoặc sự chuyển dịch sản xuất từ các nền kinh tế sang Việt Nam, nhưng việc có thể tận dụng được hay không thì cần phải phát triển CNHT, nguyên phụ liệu trong nước.

 

Mục tiêu của ngành Dệt May – Da giầy TP.HCM

 

 

Sản xuất giày bộ đội tại Xí nghiệp 32-7, Công ty Cổ phần 32 (Tổng cục Hậu cần) trụ sở tại quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh

 

Ngày 29/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1643/QĐ-TTg về việc Phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035”. Theo đó, đến năm 2035, ngành Dệt May và Da giầy Việt Nam phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển được một số thương hiệu mang tầm khu vực và thế giới. Phấn đấu giai đoạn 2021 – 2030, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giầy cả nước bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 6,8% - 7,0%/năm, trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 đạt 7,2% - 7,7%/năm. Phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giầy cả nước năm 2025 đạt 77 - 80 tỷ USD và năm 2030 đạt 106 - 108 tỷ USD. Trong đó, sẽ phát triển Trung tâm thời trang tại TP.HCM và Thủ đô Hà Nội; đẩy mạnh phát triển thời trang dệt may và da giầy kết hợp chặt chẽ với chiến lược tiếp thị và chiến lược truyền thông; hướng sản phẩm thời trang dệt may và da giầy phục vụ nhu cầu trong nước, ngoài nước và khách du lịch, gắn với xu thế thế giới về các sản phẩm xanh, sản phẩm tiện lợi.

 

Bên cạnh đó, hướng các dự án CNHT, sản xuất nguyên, phụ liệu tập trung phát triển ở khu vực có mật độ cao các DN dệt may, da giày tại một số địa phương phía Bắc, khu vực miền Trung và vùng Đông Nam Bộ để cung cấp nguyên phụ liệu cho các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM…, nhằm giảm chi phí vận chuyển, hạ giá thành và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

 

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, giai đoạn 2022 - 2026, ngành Dệt May và Da giầy tại TP.HCM cần từ 390.000 - 437.000 lao động, chủ yếu ở trình độ sơ cấp - trung cấp, chưa qua đào tạo. Bình quân mỗi năm, ngành Dệt May và Da giầy cần từ 20.000 - 22.000 chỗ làm việc, chiếm 7% trong tổng nhu cầu lao động của toàn Thành phố (nhu cầu nhân lực của TP.HCM từ 271.000 - 322.000 chỗ làm việc/năm).

 

Giải pháp nào để ngành Dệt May – Da giầy TP.HCM phát triển?

 

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, để thực hiện được mục tiêu trên, các DN dệt may – da giầy nói chung, ngành Dệt May và Da giầy TP.HCM nói riêng phải tập trung đầu tư vào chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, giải quyết phần cung thiếu hụt; xây dựng giải pháp phát triển đầu tư công nghệ tự động hóa, quản trị số, đầu tư đi đôi với bảo vệ môi trường, xanh hóa ngành Dệt May. Đặc biệt, cần giảm phụ thuộc vào thị trường quốc tế, chuyển dần trọng tâm sang khai thác thị trường nội địa, bởi với quy mô dân số gần 100 triệu người, Việt Nam là thị trường tiêu thụ dệt may tiềm năng cho các DN. Tuy nhiên, thời gian qua, chưa nhiều DN dệt may trong nước chú trọng xây dựng thương hiệu và khai thác thị trường này.

 

 

Một số sản phẩm nguyên phụ liệu phục vụ ngành da giày do Tập đoàn Gia Định (TP.HCM) sản xuất (DN này đã chủ động được nguyên phụ liệu như da thuộc, giả da, vải dệt, vải không dệt, carton và đế giày các loại)

 

Về vấn đề này, Bộ Công Thương cũng cho biết, sẽ triển khai một số KCN dệt may lớn có hệ thống xử lý nước thải, bảo vệ môi trường, đảm bảo tiêu chuẩn “xanh hóa” ngành Dệt May. Cụ thể, sẽ phối hợp với ngành Dệt May và các địa phương phát triển một số tổ hợp chuyên ngành tại 3 miền Bắc, Trung, Nam và cụm công nghiệp chuyên ngành có vị trí thuận lợi và hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hợp thành mạng lưới chuỗi cung ứng từ nghiên cứu phát triển đến sản xuất nguyên, phụ liệu, sản xuất và phân phối sản phẩm, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư tại các vùng kinh tế trọng điểm.

 

Bộ Công Thương đẩy mạnh khuyến khích phát triển CNHT ngành Dệt May và Da giầy với điều kiện sử dụng công nghệ hiện đại, sản xuất sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường; hình thành và phát triển các mô hình liên kết theo “chuỗi giá trị” nhằm nâng cao sức cạnh tranh và giá trị gia tăng của các sản phẩm. Đồng thời, tập trung đầu tư chiều sâu, theo hướng tự động hóa, phát triển các dòng sản phẩm tập trung và cao cấp; xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển để thiết kế mẫu, khai thác nguồn nguyên phụ liệu hướng đến các mặt hàng có giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi sản xuất; dịch chuyển dần may gia công vào các KCN, CCN và ra ngoài trung tâm Thành phố.

 

Bên cạnh đó, TP.HCM cần tổ chức các Hội chợ, Triển lãm tập trung trưng bày giới thiệu sản phẩm, nguyên phụ liệu, thiết bị máy móc, công nghệ mới phục vụ ngành Da giầy túi xách… của các công ty đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như:  Italy, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc... nhằm thu hút khách hàng từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ sang tham quan và giao dịch, tìm kiếm khách hàng tiềm năng và cơ hội hợp tác đầu tư, trong đó có các DN FDI có xu hướng dịch chuyển vốn và công nghệ sản xuất sang các nền kinh tế mới nổi và ổn định như Việt Nam. Đặc biệt, Triển lãm sẽ là dịp để các DN dệt may Việt Nam, nhất là các DN trong lĩnh vực CNHT có thể đầu tư, đổi mới máy móc, công nghệ hiện đại, nhằm nâng cao chuỗi giá trị của ngành Dệt May và Da giày trong nước, cũng như xúc tiến xuất khẩu, mở rộng thị trường.

 

Đối với lĩnh vực da giầy tại TP.HCM, một số chuyên gia cũng cho rằng, để lĩnh vực này phát triển, trong thời gian tới, Thành phố phải hoàn thiện về cơ chế chính sách CNHT cho ngành Da giầy, như khung khổ pháp lý điều tiết hoạt động của các chủ thể tham gia CNHT. Địa phương phải tạo thuận lợi về quỹ đất cho các DN sản xuất các sản phẩm CNHT được thuê đất lâu dài và ổn định theo luật định. Đồng thời, thành lập và phát huy vai trò của Trung tâm CNHT ngành Da giầy, nhằm hình thành các trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu có quy mô lớn, tạo thành các chợ khổng lồ về buôn bán nguyên phụ liệu da giầy, nơi cung cấp tất cả các chủng loại nguyên phụ liệu trong nước và ngoài nước, cung cấp đủ, toàn diện các thông tin về nguyên phụ liệu da giầy…

 

Phát huy nội lực, tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định Thương mại cũng như các chính sách ưu đãi của Nhà nước, thúc đẩy các mô hình hợp tác linh hoạt, tạo thuận lợi cho các DN trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn, chắc chắn TP.HCM sẽ giúp các DN ngành Dệt May và Da giầy nâng cao vị thế, phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

Như Trang


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang