Thứ Bẩy, 18/05/2024 15:50:19 GMT+7

Tin đăng lúc 06-09-2016

Lượt xem: 3510

Giải pháp nào cho phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ?

Tại Hội thảo “Các giải pháp về vốn phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ” do Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Công nghiệp (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 31/5/2016 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng: Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để đầu tư, phát triển các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nhằm tạo tiền đề cho việc phát triển nhanh hơn, bền vững hơn ngành công nghiệp ở nước ta.
Giải pháp nào cho phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ?
Diễn đàn các giải pháp về vốn phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ

Tuy nhiên, có thể nhận thấy, ngành CNHT của Việt Nam trong thời gian qua mới chỉ ở giai đoạn phát triển sơ khai, còn manh mún, kém phát triển, chưa đáp ứng được nhu cầu của các ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp…

 

Vậy đâu là nguyên nhân

 

Theo các chuyên gia thì nguyên nhân đầu tiên là do nguồn nguyên liệu đầu vào có vai trò đặc biệt quan trọng, đôi khi mang tính quyết định trong chiến lược phát triển CNHT. Với tiềm năng về tài nguyên của chúng ta, nguồn nguyên liệu thô có thể khẳng định là rất dồi dào, vấn đề là làm sao để chúng ta tạo ra được nguồn nguyên liệu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật để cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm CNHT. Một sản phẩm chứa đựng rất nhiều các linh kiện, phụ kiện được thiết kế theo các tiêu chuẩn riêng, các sản phẩm điện, điện tử, sản phẩm công nghệ cao lại càng đòi hỏi yêu cầu của nguyên liệu đặc thù, đáp ứng được yêu cầu rất khác biệt so với vật liệu thông thường; chi phí cho nguyên vật liệu tuy không chiếm nhiều trong giá thành sản phẩm hoàn chỉnh nhưng lại là yếu tố quyết định đến sự thành công trong phát triển CNHT. Có thể thấy một số doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại nước ta để sản xuất các linh kiện điện tử, vì không có nguyên liệu đầu vào nên các doanh nghiệp trong nước nếu có đầu tư cho phát triển CNHT, ngoài đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất linh kiện, phụ kiện, còn phải nhập hầu hết nguyên liệu từ nước ngoài, đôi khi chỉ còn lại giá trị gia công…, các doanh nghiệp sẽ không có điều kiện và cũng không có đủ khả năng để độc lập nghiên cứu sản xuất nguyên liệu đầu vào bởi yếu tố thị trường đơn lẻ”.

 

Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải phân định được trách nhiệm cũng như sự quan tâm đầu tư từ cả hai phía: Đối với cơ quan quản lý cần có nghiên cứu chung để xác định được nhu cầu tương ứng với quy hoạch phát triển ngành, để làm cơ sở hoạch định nội dung và đặt hàng nghiên cứu công nghệ tạo nguồn nguyên liệu. Việc này đòi hỏi nội dung nghiên cứu khoa học rất lớn và có nhiều rủi ro, cần chi phí rất lớn nên cần có sự đầu tư của nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu được nhà nước bảo trợ…

 

Tháo gỡ bằng cơ chế tài chính

 

Với sự đồng hành của các cơ quan nhà nước, hàng loạt các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng, nhất là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đã được ban hành. Trong đó, ngày 16/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Nghị quyết nhấn mạnh trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc tháo gỡ khó khăn và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp sáng tạo. Phải khẳng định rằng, cho đến nay, hệ thống chính sách khuyến khích của Nhà nước ta về phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đã khá đồng bộ, có rất nhiều ưu đãi vượt trội.

 

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, đến 2015, cả nước có khoảng 40 Quỹ/loại Quỹ tài chính nhà nước được thành lập với mục đích, quy mô, tính chất, phạm vi hoạt động khá đa dạng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là thể chế hoá và cụ thể hoá chính sách đó như thế nào, giữa một bên là định chế tài chính như các ngân hàng, các quỹ đầu tư… có những đặc tính riêng, với một bên là doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ và CNHT?  Đã có doanh nghiệp sản xuất ô tô mạnh dạn đầu tư phát triển thiết bị phụ tùng lắp ráp và thay thế, nhưng phải ngừng hoạt động do không vay được vốn từ hệ thống ngân hàng thương mại mặc dù đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết. Đằng sau câu chuyện này còn uẩn khúc nhiều nguyên nhân mà chỉ có những người trong cuộc mới hiểu và biết rõ.  

 

Theo Nghị định/Quyết định của Chính phủ về việc hình thành Quỹ tài chính nhà nước đều được khẳng định rõ, Quỹ được mở tài khoản tại Kho bạc hoặc các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, theo quy định quản lý và cách hiểu còn khác nhau nên hầu hết các Quỹ (nhất là ở các bộ, ngành đang quản lý) đều chỉ được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước (Lý do rất đơn giản là được cấp một phần từ nguồn ngân sách nhà nước nên phải thực hiện theo Luật ngân sách). Hệ thống Kho bạc nhà nước không thực hiện chức năng cho vay theo hình thức tín dụng, nguồn ngân sách nhà nước được bố trí cho Quỹ để thực hiện hỗ trợ theo hình thức vay (Kể cả có lãi hoặc không lãi) cần phải được hiểu là đã được chuyển từ nguồn ngân sách sang hình thức hoạt động tín dụng, theo đó phải được thực hiện theo Luật các tổ chức tín dụng. Đây đang là vướng mắc lớn nhất khiến cả cơ quan quản lý nhà nước dù rất muốn nhưng không thể vận hành được và các doanh nghiệp cũng không thể đủ điều kiện để vay (về bản chất hai loại thủ tục hồ sơ vì thực hiện theo hai Luật nên đang khác nhau). Vì vậy, các Quỹ tài chính nhà nước với mục tiêu hỗ trợ cần phải được xác lập rõ nguồn vốn dành cho vay và phải được chuyển ngay vào tài khoản ngân hàng thương mại để thực hiện cho vay.

 

Một số chuyên gia cho rằng, do việc hình thành các Quỹ cho các mục tiêu khác nhau nên mỗi Quỹ đều có Điều lệ quy định riêng, theo đó Thông tư về quản lý (cả nội dung và tài chính) cũng được ban hành riêng kèm theo các mẫu biểu hướng dẫn theo yêu cầu của từng loại hình (Có sự khác nhau do quy định của Luật ngân sách và Luật các tổ chức tín dụng). Điều này dẫn đến các doanh nghiệp đang rất khó tiếp cận để diễn giải nội dung chi tiết, phụ thuộc khá nhiều về cơ quan quản lý dẫn đến việc xem xét, giải quyết các thủ tục hồ sơ bị kéo dài (nhiều khi mất cơ hội đầu tư) dẫn đến doanh nghiệp không còn mặn mà với các chính sách ưu đãi, trong khi nhu cầu về vốn của doanh nghiệp lại rất lớn.

 

Chính vì những nguyên nhân trên mà những giải pháp hướng đến doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT đến nay kết quả chưa mấy khả quan. Do đó, vấn đề về phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô, xe máy, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất sản phẩm linh kiện cho điện tử đang là một thách thức đối với các Bộ, ngành và địa phương.

 

Nguyễn Văn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang