Thứ Ba, 30/04/2024 05:26:27 GMT+7

Tin đăng lúc 31-03-2024

Lượt xem: 666

FPT chinh phục thị trường nước ngoài: Từ làm thợ đến tham vọng “làm thầy”

Trong buổi cafe chia sẻ với báo chí mới đây, ông Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, Tổng giám đốc Công ty TNHH Phần mềm FPT - FPT Software cho biết, FPT ở thị trường nước ngoài đi từ việc làm thợ, phát triển lên làm trọn gói và tương lai phấn đấu “làm thầy”.
FPT chinh phục thị trường nước ngoài: Từ làm thợ đến tham vọng “làm thầy”
Văn phòng chi nhánh của FPT Sofware tại Đại Liên, Trung Quốc

Coi thị trường châu Á là ưu tiên số 1

 

Chia sẻ về quá trình chinh phục thị trường nước ngoài của FPT, ông Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, Tổng giám đốc Công ty TNHH Phần mềm FPT - FPT Software cho biết, sau 25 năm, vị thế của Việt Nam, trong đó có những doanh nghiệp công nghệ như FPT thay đổi nhiều. Đặc biệt ở thị trường châu Á, Việt Nam có vị thế độc tôn về dịch vụ CNTT. Châu Á là nơi phát triển nhất trên toàn cầu. Những cường quốc có tên tuổi cũng coi đây là khu vực ưu tiên số 1.

 

Thế mạnh của Việt Nam có nguồn lực đông đảo, vị trí gần các nước châu Á khác. Vì thế, những công ty FPT ở khu vực châu Á có tăng trưởng cao, làm không hết việc. Nếu như trước đây, FPT có thể mất 2-3 năm mới có hợp đồng đầu tiên với đối tác Nhật Bản, thì bây giờ FPT có những thương vụ ký được trong 3-6 tháng. "Không phải do người Nhật thay đổi, họ vẫn rất thận trọng, nhưng thời điểm đang rất thuận lợi cho Việt Nam, cho FPT", ông Tuấn giải thích.

 

"Tháng 3 vừa rồi, chúng tôi mở văn phòng thứ 3 ở Hàn Quốc và Đại Liên, Trung Quốc. FPT ở nước ngoài đi từ việc làm thợ, phát triển lên làm trọn gói và tương lai phấn đấu “làm thầy”, ông Phạm Minh Tuấn cho hay.

 

Cụ thể hơn, về mục tiêu tiếp theo ở thị trường nước ngoài, ông Tuấn cho biết: "Chúng tôi sẽ lên một đẳng cấp mới là tư vấn chiến lược, sau đó hiện thực hóa chiến lược của khách hàng".

 

Bí quyết để phát triển ở thị trường nước ngoài, theo ông Tuấn là phải kết hợp giữa sức nhanh, trẻ với kinh nghiệm trong ngành. "Chúng tôi kết hợp với người bản xứ, đẩy mạnh tuyển dụng người bản xứ vào làm việc. Năm qua, chúng tôi tuyển dụng 500 người Nhật vào làm việc. Không chỉ ở Nhật Bản mà Hàn Quốc, châu Âu cũng vậy", ông Tuấn cho biết…

 

Trả lời câu hỏi tại sao chọn Hàn Quốc, Trung Quốc để mở văn phòng, ông Tuấn cho biết, tại Trung Quốc, FPT lựa chọn vì đây là thị trường rộng lớn. Tập khách hàng của FPT nói tiếng Hoa là rất lớn và FPT cần người nói tiếng Hoa. "Gần đây, chúng tôi mở chi nhánh tại Đại Liên, Trung Quốc giúp FPT tiếp cận, tuyển dụng nguồn nhân lực công nghệ bản địa dồi dào, đồng thời giỏi tiếng Anh, tiếng Nhật, được đào tạo chuyên nghiệp nơi đây. Theo ước tính, riêng số lượng nhân sự CNTT thành thạo tiếng Nhật tại Đại Liên đã lên tới 200.000 người. Tại Trung Quốc, chúng tôi đã có 3 chi nhánh tại Thượng Hải, Nam Ninh và Đại Liên".

 

Tại Hàn Quốc, FPT vừa mở văn phòng thứ 3 nhằm tăng cường nguồn lực công nghệ, mở rộng mạng lưới hoạt động khu vực châu Á và trên phạm vi toàn cầu, trong bối cảnh nhu cầu chuyển đổi số ngày càng tăng cao tại đây.

 

FPT chọn Daegu là tỉnh phía nam của Hàn Quốc, sau khi đã có thành công ở phía bắc. Nửa cuối 2023, FPT làm việc với khách hàng Daegu Banking Financial Group (DGBF) và có những thành công bước đầu nên quyết định mở thêm văn phòng để hỗ trợ khách hàng nhanh nhất.

 

Sáp nhập và mua lại để hòa nhập văn hóa bản địa, mở rộng khách hàng

 

Giải thích về việc FPT liên tục sáp nhập và mua lại (M&A), Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FPT Phạm Minh Tuấn cho rằng để mở rộng tập khách hàng và bổ sung nhân sự chuyên gia bản địa. Khi ra nước ngoài không chỉ cần năng lực mà còn cần sự hiểu biết, đồng điệu về văn hóa. FPT có điểm vượt trội là rất chia sẻ và cố gắng hòa nhập với văn hóa bản địa. Người Việt Nam có sự hòa nhập, thích nghi với nhiều nền văn hóa để xây dựng tình bạn lâu dài. FPT đi đến đâu chưa hiểu thì thuê người bản địa, hòa nhập cộng đồng và biến điều đó thành vũ khí của FPT.

 

Khi so sánh giữa việc tăng người nước ngoài và sáp nhập cách nào tăng trưởng nhanh hơn, ông Tuấn cho rằng: "Cả hai cách đều có lợi thế và có điểm mạnh nhất định. Khi mua bán sáp nhập, chúng tôi ngay lập tức có lực lượng nhân sự bản địa, có năng lực chuyên môn".

 

So sánh giữa việc nên đưa người Việt Nam sang hay tuyển lao động ở bản địa, ông Tuấn nói: "Chúng tôi dùng nhiều biện pháp: tuyển người bản địa, đưa nhân sự Việt Nam sang làm việc tại nước ngoài. Ưu điểm của việc đưa nhân sự Việt Nam sang là FPT có thể hiểu rõ năng lực của nhân sự Việt Nam trong quá trình tuyển dụng. Ưu điểm của người bản địa là hiểu văn hóa quốc gia, sở tại. Quan trọng là truyền bá văn hóa FPT cho nhân viên mới, để họ hiểu và đi theo tinh thần, khát vọng của FPT".

 

80% hợp đồng của FPT Software là hợp đồng triệu USD

 

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, Tổng giám đốc FPT Software Phạm Minh Tuấn cho biết, giá trị hợp đồng FPT Software ký được thời điểm này tăng 10 lần so với 2018. "Chúng tôi chọn những công việc, hợp đồng phù hợp với năng lực, chiến lược phát triển của công ty. Một mặt vẫn phải phát triển những mảng dịch vụ giải pháp truyền thống đang có tiềm năng, một mặt khai phá phân khúc mới, vươn tầm cao. FPT Software hướng đến những hợp đồng giá trị triệu USD. 80% khách hàng hiện nay là khách hàng triệu USD".

 

Theo ông Phạm Minh Tuấn, việc nâng giá trị hợp đồng cũng đồng thời đòi hỏi chúng tôi phải nâng tầm chuyên gia để đáp ứng nhu cầu. Hiện nay tỷ lệ nhân sự dưới 30 tuổi chiếm 55,7% tổng nhân sự toàn FPT. "Làm thế nào để họ phát triển là phải dùng nhiều “võ”. Ví dụ như chúng tôi có học viện Fresher, ứng dụng AI để thay thế cách đào tạo truyền thống, đưa AI vào cá nhân hóa bài giảng cho người học", ông Tuấn nói.

 

Theo phân loại Gartner, FPT Software hiện thuộc top 150 IT Service lớn nhất thế giới. Đang hướng đến mục tiêu top 50. Bảng xếp hạng này là kim chỉ nam của FPT Software.

 

Trong phân hạng Gartner thì hơn 5 tỷ USD là công ty lớn. Mục tiêu của chúng tôi là lên hạng công ty dịch vụ lớn, và FPT Software đặt mục tiêu 5 tỷ USD vào năm 2030.

 

Mời gọi khách hàng đến thăm Việt Nam

 

So sánh giữa Việt Nam và Ấn Độ trong lĩnh vực phát triển phần mềm, ông Phạm Minh Tuấn cho rằng, nhược điểm của chúng ta là thua về số lượng do Ấn Độ quá đông, quá nhiều lựa chọn, số lượng áp đảo so với Việt Nam.

 

Nhưng lợi thế của Việt Nam chính là văn hóa, chia sẻ mục tiêu và cố gắng hòa nhập. Họ thích làm với Việt Nam, với FPT vì gần gũi. "Mình làm việc theo cách của người Á Đông, coi trọng cảm xúc và tình cảm, tôn trọng văn hóa sống và làm việc của khách hàng. Chúng tôi luôn tìm mọi cách để mời họ tới Việt Nam. Sang Việt Nam thăm rồi yêu con người, đất nước, văn hóa ở đây, nhờ thế việc hợp tác diễn ra thuận lợi hơn", ông Tuấn chia sẻ.

 

Năm 2023, FPT tiếp 1.700 đoàn khách nước ngoài đến thăm, nhiều hơn số lượng đón tiếp khách của một công ty du lịch.

 

FPT đặt mục tiêu cân bằng, không phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường. Năm 2023, các thị trường của FPT có tỷ trọng từ 7% - 38%. Trong đó, Nhật Bản: 38%; Mỹ: 29%; châu Á-Thái Bình Dương: 25%, châu Âu: 7%.

 

Mỗi thị trường có chiến lược khác nhau để bù đắp các điểm thiếu hụt. Và mục tiêu của FPT là tiếp tục thúc đẩy thị trường châu Âu để phát triển lâu dài cả 4 trụ cột trong tiến trình xâm nhập thị trường nước ngoài.

 

Theo Nhandan.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang