Thứ Sáu, 03/05/2024 05:27:04 GMT+7

Tin đăng lúc 31-05-2019

Lượt xem: 1077

Đưa hàng ra nước ngoài qua kênh phân phối ngoại

Hiện diện và được chào đón tại những nước được coi là “đối thủ cạnh tranh” trực tiếp là một thành công của hàng tiêu dùng Việt
Đưa hàng ra nước ngoài qua kênh phân phối ngoại
Nhiều nhà phân phối bán lẻ nước ngoài khẳng định, DN Việt có các sản phẩm tiêu dùng được thị trường ưa thích

Bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, bộ đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, nhất là với các DN để thực hiện hiệu quả đề án đưa hàng hóa của DN đến các kênh phân phối ngoại. Song song đó, Bộ Công thương cũng xúc tiến việc ký kết với hệ thống phân phối của các tập đoàn phân phối ngoại để tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là nông sản qua hệ thống siêu thị... Thậm chí, bộ còn tổ chức tuần lễ hàng Việt tại ở các nước như Singapore, Thái Lan... để tạo điều kiện giúp hàng Việt lan tỏa ra thị trường nước ngoài.

 

Không dừng ở giới thiệu và kết nối giữa DN và hệ thống phân phối, ngành công thương còn chủ trì phối hợp với Tập đoàn AEON tổ chức hội thảo tập huấn, nâng cao năng lực cho các DN Việt Nam có mong muốn tham gia vào chuỗi cung ứng và kết nối giao thương giữa DN Việt và AEON. Tổng giám đốc Tập đoàn AEON cho rằng, hàng hóa bán ở hệ thống AEON đồng nghĩa với việc DN có thể thắng trong cuộc cạnh tranh quốc tế. Việc Tập đoàn AEON cam kết đặt mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam qua hệ thống của AEON trên toàn cầu đạt 500 triệu USD vào năm 2020 và đạt 1 tỷ USD vào năm 2025 là một “vé thông hành” để hàng hóa Việt xuất ngoại, nhất là vào thị trường Nhật.

 

Không những thế, các kênh phân phối nội cũng đã liên kết để đưa hàng Việt xuất ngoại. Hệ thống SaiGon Co.op đã liên kết đối tác NTUC FairPrice xuất khẩu gần 700 mặt hàng nông sản, hàng tiêu dùng thiết yếu với doanh thu bình quân 6 triệu USD/năm sang thị trường Singapore. Ông Nguyễn Anh Đức - Phó tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết chỉ riêng mặt hàng bưởi, khoai lang, thanh long xuất khẩu vào thị trường Singapore, mỗi năm doanh thu cũng đạt hơn 2 triệu USD.

 

Nhiều nhà phân phối bán lẻ nước ngoài khẳng định, DN Việt có các sản phẩm tiêu dùng được thị trường ưa thích, chính vì vậy ngoài việc xuất khẩu trực tiếp, các DN nên tận dụng kênh phân phối hiện đại để thâm nhập thị trường các nước. Tuy nhiên, theo một số nhà phân phối, không ít sản phẩm của DN Việt hiện chưa đạt chất lượng cũng như các tiêu chuẩn khắt khe của những thị trường phát triển.

 

Nhiều DN Nhật đã hợp tác với DN Việt để mua chuối, xoài... và họ cho rằng, xoài Việt Nam trên thị trường Nhật Bản bước đầu đã cạnh tranh được với hàng Thái Lan, Philippines, Pakistan. Tuy nhiên, so với xoài Philippines hay Thái Lan thì còn thua ở vị ngọt và chất lượng lại không đồng đều.

 

Không những thế, theo ông Nguyễn Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC), năm 2018, đơn vị này đã kết nối, đưa hàng Việt thành công vào hệ thống siêu thị Big C ở cả Việt Nam và Thái Lan. Năm 2019, ITPC tiếp tục phối hợp cùng Tập đoàn Central Group Việt Nam đẩy mạnh việc đưa hàng Việt vào kênh phân phối hiện đại của DN Thái Lan-nơi vốn được coi là “đối thủ” cạnh tranh của hàng nông sản Việt.

 

Ông Nich Reitmeier, Phó Chủ tịch điều hành, giám đốc thu mua ngành hàng thực phẩm, ẩm thực quốc tế và thức uống có cồn (Tập đoàn Central Group - Thái Lan) cho biết, hiện nay đã có 50 loại sản phẩm thực phẩm của Việt Nam trên kệ các siêu thị của Central Group tại Thái Lan và còn trên 50 loại thực phẩm Việt đang trong quá trình được cơ quan chức năng xét duyệt, cho nhập khẩu. Các DN Thái Lan đánh giá, chất lượng sản phẩm Việt Nam rất tốt, phù hợp khẩu vị của người tiêu dùng Thái do 2 nước có địa lý gần giũ và nhiều nét tương đồng văn hóa. Tuy nhiên, lâu nay nhiều DN Việt vẫn còn coi nhẹ việc tìm hiểu thị trường tiêu dùng và xu hướng mua sắm của người Thái ở các kênh bán lẻ nước sở tại.

 

Hiện tại, người Thái đánh giá khá cao về chất lượng hàng Việt (ở mức 8/10 điểm cho nhiều sản phẩm), nhưng vì các bao bì lạ lẫm và quá đơn giản, khiến họ có tâm lý kém tin tưởng vào chất lượng sản phẩm bên trong. Vì vậy, phía Central Group đề xuất các nhà sản xuất Việt khi xuất khẩu vào Thái Lan cần chú trọng đến bao bì sản phẩm theo thị hiếu tiêu dùng người Thái. Điều này sẽ giúp việc giới thiệu hàng Việt Nam đến người tiêu dùng Thái tốt hơn.

 

Góp ý thêm cho các DN khi bước vào cuộc chinh phục kênh tiêu thụ ngoại, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, hạn chế của hàng hóa Việt hiện nay không đến từ chất lượng mà từ sự am hiểu nhu cầu thị trường, mẫu mã sản phẩm của DN. Các DN chưa tìm hiểu kỹ những thị hiếu của thị trường mình đeo đuổi. Bên cạnh đó, hầu hết các DN Việt chưa có chiến lược cụ thể và chưa hiểu rõ về nhu cầu thị trường đang hướng tới.

 

Theo thoibaonganhang.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang