Thứ Bẩy, 11/05/2024 21:17:16 GMT+7

Tin đăng lúc 18-06-2020

Lượt xem: 951

Đưa CNHT Việt Nam thoát khỏi cảnh “làm thuê cho thiên hạ”

“Không phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) thì Việt Nam mãi chỉ là nền kinh tế gia công, lắp ráp”, đây là nhận định của ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Chính vì vậy, việc thúc đẩy phát triển CNHT có ý nghĩa quan trọng tạo thế chủ động cho nhiều ngành công nghiệp về nguồn cung nguyên phụ liệu, quyết định đến giá trị gia tăng và sức cạnh tranh kinh tế Việt Nam.
Đưa CNHT Việt Nam thoát khỏi cảnh “làm thuê cho thiên hạ”
Để CNHT phát triển, cần một chiến lược dài hạn

Những năm gần đây, ngành CNHT của Việt Nam ngày càng phát triển và có vai trò quan trọng trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện nay, các DN đang hoạt động trong ngành CNHT chiếm gần 4,5% tổng số DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Một số DN sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt ở những lĩnh vực như: Sản xuất khuôn mẫu; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn...

 

Dịch Covid-19 đã khiến nhiều ngành kinh tế tại nước ta bị ảnh hưởng bởi nguồn cung các nguyên liệu đều phải nhập khẩu từ nước ngoài, các sản phẩm liên quan tới ngành CNHT cũng vậy.

 

Hiện tại, CNHT của Việt Nam vẫn còn lệ thuộc nhiều vào các thị trường xung quanh, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Các ngành công nghiệp như da giày, dệt may, điện tử đều có nguồn cung nguyên liệu từ đó. Dịch Covid-19 bùng phát tại quốc gia này khiến nhiều DN của Việt Nam phải đối mặt với việc tạm ngừng sản xuất. Một trong số những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất là ngành điện-điện tử. Còn ở chiều ngược lại, một số DN có khả năng tránh được gián đoạn sản xuất là những DN đã đa dạng hóa chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc.

 

Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, chiến lược đa dạng thị trường, và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới CPTPP, EVFTA là những không gian vô tận về thị trường cho chúng ta. Muốn hưởng lợi từ các thị trường này, hàng hóa của chúng ta phải đáp ứng những nhu cầu rất cao về lao động, môi trường và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, của nguồn nguyên liệu.

 

“Bây giờ cũng là lúc chúng ta phải thu hút được các doanh nghiệp sản xuất CNHT từ các nước vào Việt Nam. Đồng thời, phải nâng cao năng lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước để có khả năng trở thành các nhà thầu phụ cho các tập đoàn xuyên quốc gia. Nếu không phát triển CNHT thì Việt Nam mãi chỉ là nền kinh tế gia công lắp ráp. Mà chỉ gia công lắp ráp thì sẽ mãi "làm thuê cho thiên hạ", không có cách nào vượt được bẫy thu nhập trung bình”, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.

 

Thực tế, hiện nay các doanh nghiệp CNHT của VN chủ yếu vẫn là DN nhỏ và vừa, trình độ hạn chế về nhiều mặt. Trong khi đó, để phát triển sản phẩm CNHT cần nguồn vốn lớn, nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, theo phản ánh của DN, hiện các cơ chế về ưu đãi tín dụng, thuế, tiền thuê đất, đặc biệt là phân bổ nguồn lực để triển khai các chính sách về CNHT chưa được cụ thể hóa… khiến DN CNHT khó khăn trong tiếp cận các hỗ trợ và ưu đãi.

 

Vì vậy, theo các chuyên gia, để các DN CNHT đạt tới trình độ khu vực và quốc tế, đủ năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu rất cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa từ Nhà nước. Bởi phát triển CNHT được xem là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Chính phủ nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản thiết thực thúc đẩy phát triển CNHT và giải quyết cụ thể các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp CNHT như Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển CNHT, Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển CNHT từ năm 2016 - 2025…

 

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp CNHT, Bộ Công Thương cũng đang thúc đẩy tái cơ cấu các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, trong đó xác định trọng tâm là khu vực CNHT. Để tăng tính độc lập, tự chủ cho các ngành sản xuất trong nước, giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nước ngoài, Bộ đã đề xuất Chính phủ xem xét tập trung tiến hành các giải pháp dài hạn bằng việc sớm thông qua nghị quyết về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT để có căn cứ xây dựng các chính sách lớn và tổ chức triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương các giải pháp phát triển ngành. Cùng với đó, đề xuất sửa đổi quy định tại Luật thuế giá trị gia tăng về việc hoàn thuế giá trị gia tăng có thời hạn (không thực hiện hoàn thuế theo phương pháp khấu trừ như hiện nay) đối với máy móc thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định của các DN sản xuất sản phẩm CNHT. Các ngành công nghiệp thuộc danh mục ngành nghề được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư nhằm tạo điều kiện để DN có thêm nguồn vốn phục vụ sản xuất.

 

Mục tiêu chung của Bộ Công Thương đặt ra trong Chiến lược phát triển CNHT là đến năm 2020, sản phẩm CNHT của Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu (XK) 25% giá trị sản xuất công nghiệp. Đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa.

 

Trường An


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang