Thứ Năm, 02/05/2024 21:10:45 GMT+7

Tin đăng lúc 08-01-2017

Lượt xem: 2550

Dự án điện chậm tiến độ sẽ bị thu hồi giấy phép

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 43/2016/TT-BCT quy định về cam kết phát triển dự án và cơ chế xử lý các dự án nhà máy điện không thực hiện đúng tiến độ cam kết.
Dự án điện chậm tiến độ sẽ bị thu hồi giấy phép
Không để các dự án điện chậm tiến độ (Ảnh minh họa)

Các quy định của Thông tư áp dụng cho các nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện phát triển dự án các nhà máy điện có công suất từ 30 MW trở lên đầu tư theo hình thức Đối tác công tư (PPP) và các dự án nhà máy điện có công suất từ 30 MW trở lên đầu tư không theo hình thức PPP; Đồng thời đưa ra các cơ chế xử lý các dự án nhà máy điện không thực hiện đúng tiến độ cam kết.   

 

Trường hợp dự án có nguy cơ chậm tiến độ so với các mốc tiến độ phát triển dự án đã cam kết tại MoU, Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP phải có trách nhiệm nỗ lực tìm các biện pháp giải quyết vướng mắc để đảm bảo hoàn thành các mốc tiến độ được giao. Bộ Công Thương và Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP chỉ thực hiện điều chỉnh các mốc tiến độ phát triển dự án tại MoU theo quy định trong các trường hợp như:

 

Bị chậm do xảy ra sự kiện bất khả kháng, trong vòng 15 ngày làm việc kể từ khi rơi vào tình trạng bất khả kháng, Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Công Thương và đề nghị điều chỉnh các mốc tiến độ phát triển dự án. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, Bộ Công Thương có văn bản gửi Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP có ý kiến đối với sự kiện bất khả kháng của Chủ đầu tư để làm cơ sở mời Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP cùng thực hiện việc ký kết điều chỉnh các mốc tiến độ phát triển dự án tại MoU.  

 

Đối với các dự án điện theo hình thức PPP, trong thời hạn 90 ngày làm việc kể từ ngày được giao quyền phát triển dự án nhà máy điện PPP, Chủ đầu tư và Bộ Công Thương thực hiện ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) với những điều khoản cụ thể.  

 

Đối với dự án không đạt được mốc tiến độ cam kết do hành vi của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với hạng mục công việc tại mốc tiến độ đó, chậm nhất 15 ngày làm việc sau khi bị chậm mốc tiến độ cam kết, Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP phải có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị điều chỉnh và giải trình các nguyên nhân làm chậm mốc tiến độ. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản, Bộ Công Thương có văn bản gửi Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP có ý kiến đối với các nguyên nhân làm chậm mốc tiến độ không phải lỗi của Chủ đầu tư để làm cơ sở mời Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP cùng thực hiện việc ký kết điều chỉnh các mốc tiến độ phát triển dự án tại MoU.   

 

Nếu xác định đúng nguyên nhân từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền làm chậm mốc tiến độ phát triển dự án, Bộ Công Thương sẽ có văn bản đôn đốc, nhắc nhở hoặc xử lý theo quy định đối với các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương hoặc Bộ Công Thương có văn bản gửi các Bộ chủ quản có liên quan hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với các cơ quan, đơn vị không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.  

 

Đối với trường hợp chậm tiến độ do bên thứ 3 liên quan trực tiếp đến các hạng mục công việc tại mốc tiến độ phát triển dự án, chậm nhất 15 ngày làm việc sau khi bị chậm mốc tiến độ cam kết, Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP phải có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị điều chỉnh các mốc tiến độ phát triển dự án và giải trình các nguyên nhân làm chậm mốc tiến độ do hành vi của bên thứ 3 liên quan trực tiếp đến các hạng mục công việc tại mốc tiến độ phát triển dự án. Trong thời hạn  10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Chủ đầu tư, Bộ Công Thương có văn bản đề nghị bên thứ 3 liên quan trực tiếp đến các hạng mục công việc tại mốc tiến độ đó có ý kiến  bằng văn bản về việc làm chậm mốc tiến độ phát triển dự án theo báo cáo của Chủ đầu tư trong thời hạn 15 ngày làm việc.   Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của bên thứ 3, Bộ Công Thương có văn bản trả lời, nếu xã định không phải lỗi của Chủ đầu tư, hai bên sẽ ký kết điều chỉnh các mốc tiến độ phát triển dự án tại MOU. Đồng thời có phương án xử lý đối với bên thứ 3 theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.  

 

Văn bản của Bộ Công Thương có ý kiến đối với nguyên nhân làm chậm mốc tiến độ phát triển dự án không phải do lỗi của Chủ đầu tư chỉ sử dụng để làm căn cứ điều chỉnh các mốc tiến độ phát triển dự án tại MOU mà không dùng vào mục đích khác.  

 

Cơ chế xử lý chậm tiến độ đối với các dự án PPP  

 

1. Đối với mỗi lần chậm quá 30 ngày làm việc so với mỗi mốc tiến độ đã cam kết tại MOU, Bộ Công Thương có văn bản thông báo nhắc nhở, yêu cầu Chủ đầu tư nhà máy điện PPP khẩn trương hoàn thành hạng mục công việc bị chậm và đảm bảo không ảnh hưởng tới mốc tiến độ tiếp theo. Sau 30 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản nhắc nhở lần một, trường hợp Chủ đầu tư nhà máy điện PPP vẫn chưa hoàn thành mốc tiến độ bị chậm trước đó, Bộ Công Thương có văn bản thông báo nhắc nhở lần thứ 2. Tổng số lần nhắc nhở đối với mỗi mốc tiến độ tối đa không quá 02 lần.  

 

2. Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày Bộ Công Thương có văn bản thông báo lần một về việc chậm mốc tiến độ, trường hợp Chủ đầu tư không hoàn thành mốc tiến độ đã bị chậm và tiến độ tổng thể của Dự án bị chậm lũy kế lên tới 12 tháng so với tiến độ đã cam kết trong MOU, Bộ Công Thương có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét ban hành văn bản chấm dứt quyền phát triển dự án của Chủ đầu tư để xem xét giao cho nhà đầu tư khác.

 

3. Trường hợp Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP bị cơ quan có thẩm quyền chấm dứt quyền phát triển dự án và bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư thì toàn bộ chi phí Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP đã bỏ ra hoặc phát sinh từ trước thời điểm bị chấm dứt quyền phát triển dự án để phát triển dự án sẽ do Chủ đầu tư dự án nhà máy điện PPP chịu và không được bồi hoàn.

 

4. Đối với các mốc tiến độ tính từ thời điểm sau khi đã ký chính thức các tài liệu và Hợp đồng PPP, cơ chế xử lý chậm tiến độ được áp dụng theo các quy định tại Hợp đồng PPP.  

 

Đối với các dự án điện đầu tư không theo hình thức PPP  

 

Trong thời hạn 90 ngày làm việc kể từ ngày được giao quyền phát triển dự án, Chủ đầu tư dự án nhà máy điện đầu tư không theo hình thức PPP có trách nhiệm lập và gửi Bộ Công Thương bản Cam kết phát triển dự án để phục vụ công tác giám sát, theo dõi, quản lý và đôn đốc tiến độ thực hiện dự án.

 

Sau 105 ngày làm việc kể từ ngày được giao quyền phát triển dự án, trường hợp Bộ Công Thương không nhận được bản Cam kết phát triển dự án, Bộ Công Thương có văn bản nhắc nhở lần thứ nhất, yêu cầu Chủ đầu tư nhà máy điện đầu tư không theo hình thức PPP khẩn trương hoàn thành và gửi bản Cam kết phát triển dự án. Sau 15 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản nhắc nhở lần một, trường hợp Bộ Công Thương vẫn không nhận được bản Cam kết phát triển dự án, Bộ Công Thương có văn bản thông báo nhắc nhở Chủ đầu tư lần thứ 2. Tổng số lần nhắc nhở tối đa không quá 02 lần.

 

Sau 180 ngày làm việc kể từ ngày được giao quyền phát triển dự án, trường hợp Bộ Công Thương vẫn không nhận được bản Cam kết phát triển dự án, Bộ Công Thương có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét ban hành văn bản chấm dứt quyền phát triển dự án của Chủ đầu tư để xem xét giao cho nhà đầu tư khác.  

 

Cơ chế xử lý   

 

Cơ chế xử lý các dự án nhà máy điện đầu tư không theo hình thức PPP không thực hiện đúng tiến độ cam kết được áp dụng từ thời điểm cơ quan có thẩm quyền có văn bản của giao quyền phát triển dự án tới thời điểm có Bảo đảm thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Điều 42 Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và Điều 27 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư. Cơ chế xử lý các dự án nhà máy điện đầu tư không theo hình thức PPP không thực hiện đúng tiến độ cam kết được thực hiện dưới hình thức:  

 

1. Chấm dứt Quyền phát triển dự án: (a) Đối với mỗi lần chậm quá 30 ngày làm việc so với mỗi mốc tiến độ đã cam kết trong Cam kết phát triển dự án, Bộ Công Thương có văn bản nhắc nhở, yêu cầu Chủ đầu tư nhà máy điện đầu tư không theo hình thức PPP khẩn trương hoàn thành hạng mục công việc bị chậm và đảm bảo không ảnh hưởng tới mốc tiến độ tiếp theo. Sau 30 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản nhắc nhở lần một, trường hợp Chủ đầu tư nhà máy điện đầu tư không theo hình thức PPP vẫn chưa hoàn thành mốc tiến độ bị chậm trước đó, Bộ Công Thương có văn bản thông báo nhắc nhở lần thứ 2. Tổng số lần nhắc nhở đối với mỗi mốc tiến độ tối đa không quá 02 lần;  (b) Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày Bộ Công Thương có văn bản thông báo lần một về việc chậm mốc tiến độ, trường hợp Chủ đầu tư không hoàn thành mốc tiến độ đã bị chậm và tiến độ tổng thể của Dự án bị chậm lũy kế lên tới 12 tháng so với tiến độ cam kết trong Cam kết phát triển dự án, Bộ Công Thương có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét ban hành văn bản chấm dứt quyền phát triển dự án của Chủ đầu tư để xem xét giao cho nhà đầu tư khác.

 

2. Thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư: Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản chấm dứt quyền phát triển dự án của Chủ đầu tư, Bộ Công Thương có văn bản thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho dự án và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo các quy định của Luật Đất đai và Luật Đầu tư.

 

3. Trường hợp Chủ đầu tư dự án nhà máy điện đầu tư không theo hình thức PPP bị cơ quan có thẩm quyền chấm dứt quyền phát triển dự án và bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư thì toàn bộ chi phí Chủ đầu tư đã bỏ ra hoặc phát sinh từ trước thời điểm bị chấm dứt quyền phát triển dự án và bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư để phát triển dự án sẽ do Chủ đầu tư chịu và không được bồi hoàn.

 

Nguồn Báo Công Thương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang