Thứ Bẩy, 27/04/2024 15:31:42 GMT+7

Tin đăng lúc 08-10-2023

Lượt xem: 1731

Doanh nghiệp Việt tìm hướng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu

Công ty TNHH Nhựa An Phú Việt là đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm từ plastic như linh kiện điện tử, điện thoại, xe máy; lắp ráp các phụ tùng thiết bị điện tử cung cấp cho các doanh nghiệp (DN) lớn như Samsung Việt Nam, Panasonic, Brother, Honda,...
Doanh nghiệp Việt tìm hướng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu
Linh kiện nhựa phục vụ sản xuất xe máy

Với dây chuyền thiết bị hiện đại do các hãng uy tín trên thế giới cung cấp, kết hợp giữa công nghệ tiên tiến với đội ngũ kỹ thuật tay nghề cao, Công ty có khả năng sản xuất các sản phẩm từ plastic phong phú về hình thức, đa dạng về chủng loại, đáp ứng đầy đủ nhất nhu cầu trong nước và xuất khẩu.  

 

Trở lại những năm đầu khi mới thành lập (năm 2010), Công ty Nhựa An Phú Việt gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn vốn đầu tư, thiếu nguồn lực lao động, nhất là lao động có chuyên môn cao, đặc biệt là thị trường chưa được mở rộng. Cùng với đó là khâu đầu tư, lắp đặt chuyển giao công nghệ sản xuất các mặt hàng theo Giấy phép đăng ký kinh doanh của Công ty còn khá lúng túng trong khâu lựa chọn thiết bị, máy móc, chọn nhà thầu, đối tác cung cấp dây chuyền công nghệ trong nước hay nước ngoài…

 

Nhờ tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ các chuyến thăm quan, tìm hiểu thị trường trong và ngoài nước của Ban Lãnh đạo, Công ty đã vượt qua những khó khăn ban đầu. Với đội ngũ nhân sự được tuyển chọn kỹ càng, có trình độ chuyên môn sâu, Công ty đã hoạch định chiến lược kinh doanh, tập trung sản xuất những mặt hàng mà thị trường đang có nhu cầu cao, trong đó, nhận thấy trong những năm gần đây, một số tập đoàn lớn trên thế giới đã đầu tư, hoặc chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam như Samsung, Panasonic, Brother, Honda,... đang cần các vệ tinh sản xuất cung cấp các sản phẩm phụ trợ để phục vụ gia công hoàn thiện các linh kiện điện tử, Công ty đã chủ động đầu tư lắp đặt động bộ máy móc thiết bị, bao gồm các hệ thống máy phay, tiện CNC, đúc, dây chuyền sơn... để sản xuất các khuôn (chế tạo); linh kiện điện thoại di động; điện thoại bàn; hộp nhựa các loại; linh kiện xe máy; chi tiết nhựa chịu nhiệt trong máy khâu; nhựa trong phòng khách, phóng tắm, vệ sinh. Hiện công suất sản xuất của Công ty đạt 9 triệu linh kiện/tháng.

 

 

Một góc dây chuyền sản xuất của Nhựa An Phú Việt

 

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Công ty Nhựa An Phú Việt cho biết: Hiện nay, khách hàng chính của Công ty là Samsung, chiếm 80% doanh thu và một số công ty của Nhật Bản, Việt Nam. Tổng doanh thu mỗi năm của Công ty khoảng 9,3 triệu USD. Để tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm CNHT của các công ty toàn cầu, doanh nghiệp cần đáp ứng tiêu chí: Chất lượng phải theo tiêu chuẩn quốc tế, giá cả cạnh tranh, sản lượng lớn, thời gian giao hàng nhanh và thực hiện trách nhiệm xã hội. Do đó, DN phải chọn lựa chiến lược phù hợp với đối tượng khách hàng để tập trung nguồn lực, tạo hiệu quả tồn tại và phát triển. Công ty đã tập trung đầu tư máy móc và thiết bị hiện đại do các hãng uy tín trên thế giới cung cấp. Nếu không đầu tư thì không thể sản xuất được các chi tiết có độ khó theo yêu cầu của khách hàng…

 

Thực hiện định hướng chiến lược đó, từ năm 2020, Công ty đã thành lập Nhóm cải tiến thu thập dữ liệu thực tế, chuyển đổi các công đoạn sản xuất để cân bằng, sắp xếp lại quy trình làm việc và vị trí đứng thao tác với mục tiêu tối ưu hoá các bước thực hiện công việc, giúp nhân viên thuận tiện thao tác, giảm nhầm lẫn. Sau cải tiến, sản lượng đã tăng 100%, từ 2.125 sản phẩm/người/ca lên 4.250 sản phẩm/người/ca; số người cần đứng máy mỗi ca làm việc giảm từ 4 người/máy xuống còn 2 người/máy. Qua đó, làm lợi cho Công ty số tiền 6,3 triệu đồng/ca làm việc 12 tiếng. Trong thời gian tới, Công ty tiếp tục triển khai các cái tiển trên cho các máy chạy hàng phụ kiện và linh kiện nhỏ với mục tiêu giảm còn 2 người/máy và đẩy mạnh tự động hoá các công đoạn sản xuất để nâng cao giá trị sản xuất, giảm chi phí.

 

Nhận xét về DN đối tác của mình, ông Đào Duy Luận - Phó Giám đốc Công ty Systech Technology & Trading JSC chia sẻ: “Công ty Nhựa An Phú Việt là DN mẫu mực trong kinh doanh thương trường. Những năm qua, Nhựa An Phú Việt đã cung cấp linh kiện cho khoảng 300 khách hàng là các doanh nghiệp FDI của Nhật Bản, Hàn Quốc, trong đó khách hàng lớn là Samsung, Canon, Brother.. Nếu như trước đây, Công ty chủ yếu làm thương mại, thì từ năm 2015 chuyển hướng liên doanh với các đối tác là các DN vừa và nhỏ của Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản để sản xuất các linh kiện phụ trợ tại Việt Nam. Muốn cung ứng sản phẩm cho DN nghiệp FDI buộc sản phẩm phải đảm bảo chất lượng và giá thành tốt, do đó việc đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại và xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp như Nhựa An Phú Việt là rất quan trọng”.

 

 

Linh kiện nhựa phục vụ lắp ráp điện thoại di động

Có thể nói, với sự dịch chuyển đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới, nhất là sau các chuyến thăm cấp Nhà nước của các nhà lãnh đạo Việt Nam và Hoa Kỳ, thì Việt Nam đang có cơ hội trở thành “công xưởng sản xuất” của thế giới về linh kiện điện tử, bán dẫn vào thời điểm này. Tuy nhiên, để các DN trong nước như Nhựa An Phú Việt hội nhập nhanh hơn và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu thì bên cạnh sự nỗ lực cố gắng của DN, Nhà nước cần phải nỗ lực cải cách thể chế mạnh mẽ. Cụ thể là, phải xây dựng và điều hành chính sách công nghiệp quốc gia, tập trung vào những ngành, những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy phát triển CNHT, phát triển doanh nghiệp tư nhân trong nước, đẩy mạnh cải cách khu vực DN nhà nước… Đặc biệt, việc lựa các nhà đầu tư FDI có khả năng tích hợp và liên kết với cộng đồng DN nội địa là yêu cầu cấp bách, để “công xưởng” ở Việt Nam không chỉ có vai trò của DN Việt Nam, mà còn có cả vai trò thúc đẩy và dẫn dắt của các thương hiệu vào chuỗi giá trị toàn cầu mà Việt Nam mới chỉ đóng vai trò là một mắt xích…

 

Minh Hiếu

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang