Chủ Nhật, 28/04/2024 04:37:41 GMT+7

Tin đăng lúc 06-11-2023

Lượt xem: 1713

Doanh nghiệp dệt may và da giầy Việt Nam cần chủ động, sẵn sàng triển khai giải pháp ứng phó với diễn biến mới

Ngày 29/12/2022, Thủ tướng đã ký Quyết định số 1643/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035”. Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2035, ngành sẽ phát triển hiệu quả và bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước; tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển được một số thương hiệu tầm khu vực và thế giới.
Doanh nghiệp dệt may và da giầy Việt Nam cần chủ động, sẵn sàng triển khai giải pháp ứng phó với diễn biến mới
Các sản phẩm giày của Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định - một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc chủ động được nguồn nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất

Trong đó, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giầy cả nước bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 6,8% - 7,0%/năm, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt 7,2% - 7,7%/năm. Phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giầy cả nước năm 2025 đạt 77 - 80 tỷ USD và năm 2030 đạt 106 - 108 tỷ USD. Trong giai đoạn 202 - 2025, ngành Dệt May phấn đấu tỷ lệ nội địa hóa đạt từ 51% - 55% và giai đoạn 2026 - 2030 đạ 56% - 60%. Còn đối với ngành Da giầy, đến năm 2030, tổng kim ngạch xuất khẩu giầy dép, túi xách đạt 38 - 40 tỷ USD…

 

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, trong mấy năm gần đây, ngành Dệt May gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 và các cuộc chiến tranh xung đột giữa các quốc gia, bên cạnh đó, sức mua của thị trường Châu Âu và Mỹ giảm mạnh, khiến ngành Dệt May Việt Nam đã trải qua 4 tháng đầu năm “trầm lắng” với kim ngạch xuất khẩu giảm 20% so với cùng kỳ 2022 và giảm sâu nhất trong số các quốc gia xuất khẩu dệt may. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 8,701 tỷ USD, giảm 18,63% so với cùng kỳ năm 2022. Tính riêng tháng 3/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ước đạt 3,298 tỷ USD, tăng 18,11% so với tháng trước nhưng giảm 12,91% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo, nhu cầu thị trường có dấu hiệu ấm lên, nhưng vẫn còn rất thấp, lượng hàng tồn kho sợi của thế giới vẫn ở mức cao và giá bông đã xuống quá thấp, nên giá sợi khó có thể cải thiện trong ngắn hạn. Hiệp hội Dệt May Việt Nam dự báo rằng, ngành sợi sẽ khó hồi phục trong năm 2023 và các đơn hàng may mặc dự kiến sẽ giảm khoảng 25-30% so với cùng kỳ năm 2022.

 

 

Việt Nam cần chú trọng đến sản xuất vải, vải nhân tạo, da thuộc, khuyến khích sản xuất vải từ sợi sản xuất trong nước nhằm hình thành chuỗi giá trị và cung ứng hoàn chỉnh trong ngành Dệt May, Da giầy (Ảnh: Sản xuất sợi ở Công ty TNHH Logitex tại CCN Vũ Ninh, Kiến Xương, Thái Bình)

 

Còn theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giầy - Túi xách Việt Nam (LEFASO), thì tình hình xuất khẩu của toàn ngành Da giầy Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tình hình kinh tế thế giới vẫn bất ổn. Lạm phát tăng cao ở các nước châu Âu, Mỹ, tổng cầu giảm khiến các đơn hàng sụt giảm. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành 5 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt khoảng 10 tỷ USD, giảm 14,5% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn quốc 5 tháng đầu năm cũng chỉ đạt khoảng 136,7 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ.

 

Các chuyên gia còn nhận định, với chi phí lao động tăng hàng năm, cùng với việc thiếu hụt những loại nguyên liệu trong nước không sản xuất được, đặc biệt là khả năng phát triển sản phẩm, ứng dụng công nghệ 4.0 vào tổ chức và quản lý sản xuất còn thấp, trong khi việc nắm bắt và đáp ứng các yêu cầu mới ngày càng cao của thị trường về nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị còn có mức độ, nên triển vọng bứt phá trong năm 2023 của ngành Dệt May, Da giầy sẽ không được như mong muốn.

 

Nhằm thực hiện tốt Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da giầy Việt Nam đề ra, trong những năm tới, ngành Dệt May, Da giầy cần phát triển theo hướng chuyên môn hoá, hiện đại hóa; cải thiện cơ cấu sản phẩm, tập trung phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến để nâng cao sức cạnh tranh của ngành Dệt May và Da giầy Việt Nam. Đẩy mạnh chuyển từ gia công sản xuất sang các hình thức đòi hỏi năng lực cao hơn về quản lý chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, thiết kế và xây dựng thương hiệu trên cơ sở công nghệ phù hợp đến hiện đại gắn với hệ thống quản lý chất lượng, quản lý lao động và bảo vệ môi trường theo chuẩn mực quốc tế. Thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngành Dệt May, Da giầy; chú trọng đến sản xuất vải, vải nhân tạo, da thuộc, khuyến khích sản xuất vải từ sợi sản xuất trong nước nhằm giảm nhập khẩu, tác động tích cực đến mối liên kết, hình thành chuỗi giá trị và cung ứng hoàn chỉnh trong ngành Dệt May, Da giầy, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ của các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, cũng như đẩy mạnh quá trình nội địa hóa, cải thiện và giảm nhanh khoảng cách chênh lệch về trình độ và năng suất với các nước có nền kinh tế phát triển cao hơn.

 

Về CNHT, cần hướng các dự án sản xuất nguyên, phụ liệu tập trung phát triển ở khu vực có mật độ cao trong các DN dệt may, da giầy tại một số địa phương phía Bắc (Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh,...), khu vực miền Trung (Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định,...) và phía Nam (Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh, Long An,...), để giảm chi phí vận chuyển, hạ giá thành và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm…

 

Ông Lê Tiến Trường– Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, việc xác định rõ những khó khăn trước mắt sẽ giúp DN có bước đi chủ động, đồng thời sẵn sàng triển khai giải pháp ứng phó phù hợp diễn biến mới. Chúng tôi sẽ tập trung vào 3 ứng phó chính, một là, cầu còn thấp thì tận dụng triệt để tiêu dùng nội bộ, kết nối thành chuỗi để cố gắng có việc làm ổn định trên hệ thống DN của mình. Thứ hai là, chấp nhận câu chuyện là có liên thông về nguồn vốn lưu động. Thứ ba là giảm tải tồn kho. Từ những giải pháp này, khi đã giảm được cả chi phí, giảm được cả tồn kho thì tạo ra dư địa để có thể cạnh tranh với giá tốt hơn và dùng giải pháp đó để giữ việc làm, giữ lao động.

 

Đồng tình với quan điểm trên, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam khẳng định, để ngành Dệt May phát triển bền vững, ngành sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư vào chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cũng như xây dựng giải pháp phát triển đầu tư công nghệ, tự động hóa, quản trị số và môi trường sản xuất, kinh doanh minh bạch bắt kịp xu thế toàn cầu; Đầu tư chiều sâu đi đôi với bảo vệ môi trường xanh hóa ngành Dệt May; Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển của DN…

 

Ông Maxime Rogeon - Trưởng Bộ phận Da giầy của Công ty Decathlon Việt Nam cho rằng, mặc dù Việt Nam hiện hiện đang có nhiều lợi thế như: Hầu như tất cả các nhà sản xuất lớn của thế giới đều có cơ sở sản xuất tại Việt Nam; thị trường lớn nhờ các FTA; tự chủ được khoảng 50% nguyên liệu. Tuy nhiên, với nhiều đối thủ cạnh tranh như Indonesia, hiện đang có mức thuế nhập khẩu vào Mỹ tốt hơn Việt Nam, Việt Nam cần phải có những giải pháp về logistics xanh, giải pháp về nguồn cung ứng và vận chuyển nhanh hơn nữa.

 

Ngành Dệt May và Da giầy Việt Nam đã có mục tiêu, giải pháp, song các cơ quan chuyên môn và nhà quản lý phải có cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư thật sự, trong đó, cần ưu tiên khuyến khích ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất. Riêng với Da giầy, Việt Nam cũng cần phải cơ cấu lại ngành sản xuất này. Hiện có nhiều quy trình sản xuất, mô hình kinh doanh bền vững trên thế giới, giúp tiết kiệm nhiều hơn mà nước ta có thể áp dụng, để DN Việt Nam nắm bắt được cơ hội, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

 

Quỳnh Anh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang