Thứ Hai, 29/04/2024 22:26:15 GMT+7

Tin đăng lúc 20-09-2021

Lượt xem: 903

Doanh nghiệp Đà Nẵng: Lo chậm tiến độ đơn hàng

Việc phải thực hiện “3 tại chỗ”, hoạt động với chỉ từ 30 – 50% số lượng lao động đang khiến nhiều doanh nghiệp (DN) tại TP. Đà Nẵng lo lắng về tiến độ thực hiện các đơn hàng xuất khẩu.
Doanh nghiệp Đà Nẵng: Lo chậm tiến độ đơn hàng
Nhiều doanh nghiệp tại Đà Nẵng lo ngại thiếu hụt nguồn nhân lực để hoàn thiện đơn hàng

Có đơn hàng nhưng thiếu nhân lực

 

Từ ngày 10/7 đến nay TP. Đà Nẵng liên tục ghi nhận số ca mắc Covid - 19 tăng mạnh. Thành phố đã triển khai nhiều biện pháp mạnh để chống dịch. Cao điểm từ 16/8 đến 5/9, thành phố yêu cầu, DN trong khu công nghiệp nếu sản xuất phải thực hiện “3 tại chỗ”, chỉ được duy trì không quá 30% số người làm việc trên tổng số lao động; DN sản xuất ngoài khu công nghiệp phải tạm dừng hoạt động. Mặc dù sau ngày 5/9 đến nay, Đà Nẵng có nới lỏng cho phép DN tăng thêm lao động nhưng vẫn không được quá 50% đối với DN trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao (nếu hoạt động “3 tại chỗ” thì được 70% lao động), không quá 30% đối với DN sản xuất ngoài khu công nghiệp (tỷ lệ 50% nếu hoạt động “3 tại chỗ”). Việc hạn chế lao động sản xuất khiến hàng loạt DN Đà Nẵng rơi vào tình trạng đơn hàng thừa nhưng lao động thiếu, khó khăn trong đảm bảo tiến độ sản xuất, giao hàng.

 

Ông Nguyễn Hữu Vinh - Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty CP Dệt may 29/3 - cho biết, hiện đơn đặt hàng của công ty rất nhiều, bao gồm cả khách hàng truyền thống và khách hàng mới. Tuy nhiên, công ty khó đảm bảo tiến độ giao hàng theo cam kết do thiếu lao động sản xuất.

 

Tương tự, Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước có gần 3.000 lao động. Trong 2 đợt cao điểm giãn cách (từ 16/8 -5/9), đơn vị chỉ duy trì được từ 500 (đợt 1) - 800 (đợt 2) lao động. Hiện tại, dù Đà Nẵng đã nới lỏng, đơn vị cũng chỉ có khoảng 1.200 lao động đang làm việc.

 

Ưu tiên tiêm vắc-xin cho công nhân

 

Việc giãn giờ làm, sản xuất không đủ nhân lực đang khiến các DN xuất nhập khẩu Đà Nẵng “đứng ngồi không yên”. Theo đại diện công ty 29/3, mặc dù các đối tác cũng hiểu và thông cảm về tiến độ đơn hàng, tuy nhiên, nếu kéo dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng. Công ty cũng gần như chắc chắn không đạt mục tiêu sản xuất của năm. “Chúng tôi hiện cố gắng ưu tiên “chữa cháy”, những đơn hàng gấp, giãn được thì xin giãn. Nhưng nếu kéo dài tình hình này có thể làm đứt gãy chuỗi cung ứng” - ông Vinh nói.

 

Theo các DN, vấn đề cần thiết hiện nay là giải pháp cho người lao động trong sản xuất công nghiệp, nhất là sản xuất phục vụ xuất nhập khẩu đi làm trở lại bình thường. Một trong những giải pháp đó là ưu tiên tiêm vắc - xin và cho phép công nhân đã tiêm vắc - xin đi làm trở lại.

 

Ông Phạm Trường Sơn - Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp và Khu công nghệ cao Đà Nẵng - cho biết, công nhân, người lao động sản xuất là một trong những đối tượng được TP. Đà Nẵng ưu tiên tiêm vắc-xin. “Đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 75% công nhân trong các khu công nghiệp và khu công nghệ cao được tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin ngừa Covid-19, gấp 2,5 lần tỷ lệ người dân đã tiêm vắc-xin của thành phố (khoảng gần 30%). Trong thời gian tới, tỷ lệ này có thể tăng lên 85%” - ông Sơn chia sẻ và cho biết thêm: Đà Nẵng cũng đang ưu tiên cho những đối tượng đã được tiêm vắc-xin đi làm như shipper, nhân viên bán hàng tại các chợ, siêu thị…, riêng đối tượng là công nhân người lao động sản xuất, thành phố sẽ xem xét, cân nhắc giữa đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 với phát triển kinh tế.

 

Theo Congthuong.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang