Chủ Nhật, 28/04/2024 06:41:08 GMT+7

Tin đăng lúc 15-11-2023

Lượt xem: 3645

Dệt may Hòa Thọ - Thương hiệu uy tín của ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may

Được thành lập từ năm 1962, Tổng công ty CP Dệt May Hòa Thọ được biết đến là doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng may mặc, vải, sợi, chỉ khâu, các loại thiết bị, nguyên phụ liệu, phụ tùng ngành Dệt May. Hòa Thọ còn giữ vai trò nòng cốt, tích cực đóng góp to lớn vào sự phát triển của ngành Dệt May Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua.
Dệt may Hòa Thọ - Thương hiệu uy tín của ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may
Hòa Thọ đang hướng đến xanh hóa để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. (Trong ảnh là dây chuyền sản xuất sợi của Hòa Thọ)

Chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất

 

Hòa Thọ là một trong những DN dệt may có bề dày lịch sử và quy mô lớn với 2 lĩnh vực chính  là sản xuất hàng may mặc và kéo sợi với 17 công ty, nhà máy thành viên và hơn 10.000 lao động.

 

Năng lực sản xuất hàng năm của Hòa Thọ đạt hơn 23 triệu sản phẩm may mặc và 18.000 tấn sợi. Trong đó, sản phẩm may mặc chủ lực là mặt hàng veston, quần âu, jacket, áo quần bảo hộ lao động. Ngoài ra, DN cũng đang tham gia sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) dệt may với các sản phẩm sợi như: Sợi Cotton chải thô, chải kỹ, sợi T/C; sợi Polyester chỉ số Ne20-Ne45… Chủng loại sản phẩm đa dạng, chất lượng đảm bảo, mẫu mã hợp thời trang, sản phẩm Hòa Thọ được khách hàng đánh giá cao, kể cả những thị trường với nhiều tiêu chuẩn khắt khe như Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc.....

 

9 tháng năm 2023, doanh thu hợp nhất của đơn vị là 3.580 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch năm, nộp ngân sách 116 tỷ đồng. Trong đó xuất khẩu đạt 199 triệu USD, chủ yếu thị trường Mỹ tới 46%, Nhật 21%, Châu Âu 14%.

 

Hiện nay, chiến lược của Công ty tập trung vào việc phân bổ và điều chỉnh tỷ trọng kinh doanh cho từng thị trường mục tiêu, tránh sự phụ thuộc quá mức vào bất kỳ thị trường cụ thể nào.

 

Bên cạnh đó, Hòa Thọ cũng không bỏ qua tiềm năng thị trường trong nước. Sản lượng bán hàng trong nước chiếm một phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh, thường dao động từ 25% - 30% tổng sản lượng, tùy thuộc vào thời điểm. Công ty đã thực hiện việc phân bổ hợp lý giữa xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, nhằm giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra trên thị trường.

 

Trong thời điểm hiện tại, thị trường đang gặp nhiều khó khăn và biến động về giá cả. Tuy nhiên, Hòa Thọ luôn đặt tinh thần hợp tác và chủ động đàm phán lên hàng đầu khi giao tiếp với khách hàng, nhằm tìm kiếm những giải pháp chung để vượt qua những thách thức hiện tại.

 

Công ty đang đầu tư vào các phần mềm ứng dụng tiên tiến để quản lý quy trình sản xuất sợi một cách chặt chẽ. Mục tiêu là đảm bảo sự đồng bộ và hiệu quả trong hoạt động sản xuất. Việc này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, nguồn lực mà còn tạo ra một môi trường sản xuất hiệu quả hơn.

 

Năm 2021, đại dịch Covid-19 đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy dẫn đến giá nguyên, phụ liệu phục vụ cho sản xuất tăng cao. Điều này đã tạo ra nhiều thách thức cho hoạt động tìm kiếm, khai thác đơn hàng và ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các DN trong ngành Dệt May nói chung và của Tổng công CP Dệt May Hòa Thọ nói riêng.

 

Để đối phó với tình trạng chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, Tổng Công ty đã chủ động khai thác, tìm kiếm nguồn nguyên liệu mới để thay thế và cơ cấu lại nguồn cung nguyên liệu, tránh sự phụ thuộc vào một nguồn cung để hạn chế tối đa rủi ro. Đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, chuyển đổi cách thức làm việc trực tuyến nên đảm bảo mọi giao dịch với đối tác khách hàng đều xuyên suốt, không bị gián đoạn.

 

Bên cạnh đó, Tổng Công ty vẫn tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các nhà máy đạt chuẩn thực chất, hướng đến các tiêu chuẩn nhà máy thông minh cho cả ngành Sợi và May, trong đó chú trọng đến các tiêu chí về trách nhiệm xã hội, tính linh hoạt trong sản xuất, kỷ luật trong thực hiện quy trình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, tiến độ giao hàng… để nâng cao năng lực cạnh tranh.

 

Xanh hóa để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

 

Thời gian qua, Hòa Thọ cũng hướng đến xanh hóa để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đại diện Tổng Công ty, đối với DN dệt may, lượng điện sử dụng rất lớn. Vì vậy, việc đầu tư điện mặt trời áp mái tại các nhà máy là một trong những giải pháp hướng đến nhà máy xanh. Tuy chi phí đầu tư ban đầu lớn nhưng khấu hao nhanh, với nhà máy đặt ở khu vực miền Trung mất khoảng 5 năm có thể khấu hao xong chi phí đầu tư ban đầu, khu vực miền Nam thời gian khấu hao còn nhanh hơn.

 

Hiện Hòa Thọ đã đầu tư hệ thống điện mặt trời tại 3 nhà máy may với 100% thiết bị nhập khẩu từ Đức, hằng tháng đáp ứng được khoảng 15-20% tổng nhu cầu điện nhà máy. Điện mặt trời có thể giảm nguy cơ thiếu điện sản xuất trong những tháng cao điểm, giúp nhà máy “xanh” hơn. Việc “xanh hóa” nhà máy là một xu hướng tất yếu nếu DN muốn giữ chân khách hàng cũng như người lao động.

 

Ông Nguyễn Đức Trị, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ cho biết, các quy chuẩn và đánh giá sự phát triển bền vững của DN ngày càng cao dựa trên mức độ tuân thủ của các DN về trách nhiệm đối với người lao động, môi trường, xã hội và người tiêu dùng toàn cầu trước khi các sản phẩm được đưa ra tiêu thụ trên thị trường.

 

Các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới Việt Nam ký đều có các quy tắc, cam kết về bảo vệ môi trường và phát thải thấp. Điều này bắt buộc DN phải triển khai bằng việc đầu tư công nghệ sản xuất, tự động hóa, xây dựng môi trường làm việc an toàn cho người lao động, giúp tăng tính cạnh tranh đối với khách hàng và người tiêu dùng.

 

“Muốn phát triển bền vững ngành Dệt May theo hướng “xanh hóa”, đòi hỏi các DN phải đẩy mạnh đầu tư, đổi mới trang thiết bị hiện đại; đồng thời tự chủ được nguồn cung nguyên phụ liệu, đa dạng hóa thị trường... nhằm nâng cao sức cạnh tranh. Chính quyền cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù, khuyến khích phát triển CNHT, quỹ tài chính về môi trường... để các DN theo hướng xanh có thể tiếp cận quỹ, giúp DN có nguồn tài chính thuận lợi, giá hợp lý hơn, đẩy nhanh quá trình đầu tư và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, ông Trị đề xuất.

 

Với những thành quả đạt được trong nhiều năm qua, Hòa Thọ đã trở thành một trong những DN nòng cốt, có doanh số đứng thứ 2 trong hệ thống các DN thành viên của Tập đoàn Dệt May Việt Nam và tự tin là DN dệt may được khách hàng ưu tiên lựa chọn khi tìm kiếm năng lực sản xuất hàng dệt may tại khu vực miền Trung.

 

Nhiều năm liền, Tổng Công ty được công nhận danh hiệu “DN vì người lao động”, “DN xuất khẩu uy tín”, DN ưu tiên về hải quan và đạt hầu hết các cuộc đánh giá trách nhiệm xã hội của khách hàng, đặc biệt là đánh giá an ninh của Hải quan Hoa Kỳ đạt kết quả toàn diện - điều này khẳng định được tính minh bạch trong hoạt động sản xuất kinh doanh và thượng tôn pháp luật theo đúng tinh thần chỉ đạo của nhiều thế hệ lãnh đạo Tổng Công ty.

 

Với sự nỗ lực không ngừng và cam kết đối với phát triển bền vững, Hòa Thọ không chỉ là hệ thống cung ứng sợi – may hàng đầu tại Việt Nam, mà còn trở thành trụ cột trong lĩnh vực dệt may tại khu vực. Trong thời gian tới, Tổng công ty CP Dệt May Hòa Thọ tiếp tục xây dựng những mục tiêu, giải pháp mới. Trong đó, tập trung thực hiện các chương trình trọng điểm về chuyển đổi số và sản xuất xanh để hoàn thành mục tiêu xanh hóa sản xuất, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong ngành Dệt May.

 

Huyền My


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang