Thứ Năm, 16/05/2024 20:03:24 GMT+7

Tin đăng lúc 16-07-2016

Lượt xem: 4110

Công ty Điện lực Quảng Ngãi: Nỗ lực cung ứng điện năng phục vụ phát triển kinh tế xã hội, giữ vai trò “đi trước” trong xây dựng nông thôn mới

Ngày 15/10/1989, Bộ Năng lượng quyết định thành lập Sở Điện lực Quảng Ngãi trực thuộc Công ty Điện lực 3. Ba năm sau, lưới điện quốc gia qua hệ thống 110 kV kéo từ TBA Đồng Hới - Huế - Đà Nẵng đã về đến Quảng Ngãi, đánh dấu bước đột phá, chuyển mình đi lên của ngành điện Quảng Ngãi.
Công ty Điện lực Quảng Ngãi: Nỗ lực cung ứng điện năng phục vụ phát triển kinh tế xã hội, giữ vai trò “đi trước” trong xây dựng nông thôn mới

Nhìn lại chặng đường đã qua để thấy sự vươn lên ấn tượng của Công ty Điện lực Quảng Ngãi hôm nay, thắm đượm công sức của bao thế hệ CBCNV. Nhân dịp này Phóng viên Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng có cuộc trao đổi với Ông Nguyễn Thanh - Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ngãi (PC Quảng Ngãi).

 

PV: Xin ông khái quát vài nét về sự hình thành và phát triển của PC Quảng Ngãi từ sau ngày tỉnh nhà được giải phóng?

 

Giám đốc Nguyễn Thanh: Sau 41 năm (1975 – 2016), qua những chặng đường phát triển, vượt qua không ít khó khăn, thử thách, với nhiệm vụ chủ yếu là sản xuất và cung ứng điện năng, cộng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, PC Quảng Ngãi đã không ngừng phát triển, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện của người dân, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

 

Năm 1992, lưới điện truyền tải từ 110 kV trở lên trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi chỉ có 01 trạm biến áp 110 kV Núi Bút cấp điện cho toàn tỉnh, thì đến năm 2015 Quảng Ngãi đã được cấp điện qua 08 trạm biến áp 110 kV. Lưới điện 35 kV, 22 kV tại các huyện đã tạo thành mạch vòng, chủ động linh hoạt trong cung cấp điện, đảm bảo chất lượng điện năng. Đặc biệt, ngày 28/9/2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ấn nút khánh thành Dự án cấp điện quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn bằng hệ thống cáp ngầm xuyên biển, giải tỏa cơn khát điện bao đời của người dân huyện đảo tiền tiêu.

 

Tính từ năm 1989, năm Điện lực Quảng Ngãi được thành lập, điện thương phẩm chỉ đạt khoảng 25 triệu kWh, qua 23 năm phát triển với điện thương phẩm hàng năm tăng khoảng 15%, đến cuối năm 2015 đã đạt 825 triệu kWh, tăng hơn 33 lần so với năm đầu mới thành lập.

 

Trong các mặt quản lý, công tác giảm tổn thất điện năng (TTĐN) đã đạt được kết quả đáng khích lệ. TTĐN năm 1992 là 18,3% đã giảm dần qua các năm, đến năm 2000 còn 9,73% và đến năm 2015, TTĐN xuống còn 5,21%. Đây là kết quả của sự nỗ lực không ngừng trong việc thực hiện các giải pháp kỹ thuật và quản lý lưới điện một cách đồng bộ của Công ty.

 

Qua những chặng đường phát triển, với nhiệm vụ chủ yếu là sản xuất và cung ứng điện năng cho các nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương cùng với sự phát triển chung của tỉnh, PC Quảng Ngãi đã được Nhà nước ghi nhận và trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2006), Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2012). Ngoài ra, còn có nhiều tập thể và cá nhân trong Công ty đã được tặng thưởng Huân chương và Bằng khen…  

 

PV: Với vai trò là động lực phát triển kinh tế - xã hội, PC Quảng Ngãi đã đạt được những thành tựu  quan trọng nào trong cung ứng điện năng tại địa phương tính đến thời điểm hiện nay và hướng phát triển trong tầm nhìn đến năm 2020, thưa ông?

 

Giám đốc Nguyễn Thanh: Với phương châm: “Điện đi trước một bước’’, PC Quảng Ngãi đã đảm bảo cấp điện cho các doanh nghiệp trên địa bàn, thúc đẩy sản xuất phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhằm mục tiêu đến năm 2020, tỉnh Quảng Ngãi cơ bản là tỉnh công nghiệp; Đảm bảo cấp điện cho mọi thành phần phụ tải, cấp điện an toàn liên tục phục vụ các ngày lễ, ngày Tết, các sự kiện quan trọng của địa phương; Chương trình đầu tư đưa điện về nông thôn hải đảo đã được PC Quảng Ngãi thực hiện đúng tiến độ đề ra. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã có 184/184 xã, phường có điện, số hộ dân có điện đạt tỷ lệ 98,77%.

 

 

Phòng giao dịch khách hàng của Điện lực Quảng Ngãi

 

 

Ngoài việc cấp điện cho đảo Lớn, huyện Lý Sơn qua hệ thống cáp ngầm được đóng điện năm 2014, ngày 21/01/2016, PC Quảng Ngãi cũng đã chính thức vận hành các tổ máy phát điện diesel cấp điện cho nhân dân trên xã đảo An Bình, huyện Lý Sơn. Việc cấp điện cho đảo Bé là nỗ lực lớn của Tổng công ty Điện lực miền Trung và PC Quảng Ngãi, lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, mừng Xuân Bính Thân 2016.

 

PC Quảng Ngãi đã đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng: Công ty đã xây dựng khang trang 11/11 Phòng Giao dịch khách hàng tại các Điện lực; Sắp xếp, bố trí và phê duyệt 57 cán bộ công nhân đã được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, do đó bước đầu đã đáp ứng được nhiệm vụ được giao, là “cầu nối” để khách hàng từng bước hiểu, thông cảm, chia sẻ và đồng thuận với việc làm của ngành Điện. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ khách hàng: Các tiện ích trong Chương trình CMIS 2.0, Dịch vụ thu tiền qua ngân hàng, Dịch vụ tin nhắn SMS, Chương trình đo xa (MDMS), Web chăm sóc khách hàng, tiếp nhận và trả lời ý kiến của khách hàng qua hệ thống 19001909. Hàng năm, Tổng công ty thuê tư vấn độc lập đánh giá mức độ hài lòng khách hàng để từ đó tiếp thu các ý kiến đóng góp của người dân, nhằm cải thiện hệ thống để phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn... 

 

Giai đoạn 2016 - 2020, PC Quảng Ngãi thực hiện chủ trương của EVN và Tổng công ty Điện lực miền Trung đề ra: “Xây dựng Tập đoàn Điện lực Việt Nam trở thành doanh nghiệp có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao, hoạt động hiệu quả, bền vững; Tham gia hoàn thiện và phát triển thị trường điện theo lộ trình Chính phủ quy định; Phấn đấu đưa Tập đoàn Điện lực Việt Nam thành một trong bốn đơn vị Điện lực hàng đầu trong cộng đồng các nước ASEAN”.

 

Trước yêu cầu đó, PC Quảng Ngãi tiếp tục đổi mới hoàn thiện quản lý cơ sở hạ tầng kinh doanh điện năng tại đơn vị: Xây dựng mới, cải tạo hoàn thiện lưới điện Quảng Ngãi theo quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt, bao gồm lưới điện trung áp và hạ áp, nhằm cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội nông thôn theo hướng CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy cho ngành CN, TTCN, nuôi trồng và chế biến thủy sản, lâm nghiệp, chăn nuôi, các làng nghề truyền thống phát triển. Đồng thời tiếp tục đầu tư, áp dụng những công nghệ mới, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng; Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý kinh doanh điện và đào tạo kỹ thuật lành nghề cho lao động; Tiếp tục thực hiện tốt chương trình giảm tổn thất điện năng và hoàn thiện công tác kế hoạch SXKD…

 

 

Nhân viên Công ty Điện lực Quảng Ngãi sửa chữa, nâng cấp lưới điện

 

 

PV: PC Quảng Ngãi đã làm gì để góp phần cùng các địa phương thực hiện tốt tiêu chí số 4 về điện trong chương trình xây dựng nông thôn mới, thưa ông?

 

Giám đốc Nguyễn Thanh: Từ năm 2011-2015, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (Chương trình) trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng: Có 11 xã đạt 19 tiêu chí, trong đó có 116/164 xã đạt tiêu chí số 4 (đạt 70% số xã tham gia). Để thực hiện chương trình, từ năm 2008 đến nay, PC Quảng Ngãi và Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã đầu tư trên 970 tỷ đồng góp phần cùng địa phương hoàn thiện lưới điện, cụ thể:

 

- Dự án hoàn thiện tối thiểu, nâng cấp cải tạo lưới điện tại các xã: Trà Sơn, Trà Phú (Trà Bồng), Ba Cung (Ba Tơ), Tịnh Hoà, Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) Bình Trung, Bình Thuận, Bình Hải, Bình Trị, Bình Hoà (Bình Sơn), Phổ Nhơn, Phổ Châu (Đức Phổ), Nghĩa Sơn, Nghĩa Thọ (Tư Nghĩa)...., tổng mức đầu tư là 28,68 tỷ đồng.

 

- Dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo lưới điện nông thôn tiếp nhận, lưới điện vùng sâu, vùng xa bằng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW). Tổng mức đầu tư là 222,3 tỷ đồng, giải quyết cấp điện cho hơn 10.000 hộ dân.

 

- Dự án cấp điện từ hệ thống điện Quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm có tổng mức đầu tư 678,7 tỷ đồng, đã đưa vào sử dụng từ ngày 28/9/2014.

 

- Tiếp nhận và bán điện trực tiếp đến tất cả các hộ dân huyện Đức Phổ tháng 12/2014, trong giai đoạn 2017-2018, ngành Điện sẽ bố trí hơn 150 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, mở rộng lưới điện khu vực này, đảm bảo cung cấp điện, hoàn thành tiêu chí số 4.

 

Ngoài các dự án do ngành Điện đầu tư, còn có dự án cấp điện nông thôn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2013-2020 (do UBND tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư).

 

PV: Thay mặt Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng chân thành cám ơn ông và xin chúc Công ty Điện lực Quảng Ngãi vươn lên giành nhiều thắng lợi hơn nữa trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa tỉnh nhà.

 

                                                                        Văn Thuận (Thực hiện)

 


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang