Thứ Bẩy, 27/04/2024 17:15:31 GMT+7

Tin đăng lúc 10-01-2024

Lượt xem: 387

Công nghiệp hỗ trợ trong ngành điện tử: Nắm bắt cơ hội để bứt phá

Với quy mô thị trường lớn cùng tốc độ tăng trưởng ấn tượng, Việt Nam được đánh giá có nhiều cơ hội để phát triển công nghiệp hỗ trợ trong ngành điện tử.
Công nghiệp hỗ trợ trong ngành điện tử: Nắm bắt cơ hội để bứt phá
Công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử vẫn cần phải có những bước đột phá lớn hơn nữa trong tương lai.

Tỷ lệ nội địa hoá chưa cao

 

Quy mô thị trường ngành điện tử của Việt Nam không chỉ giới hạn ở trong nước mà còn có thể xuất khẩu ra thế giới. Trong 6 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD của Việt Nam có sự tham gia của cả mặt hàng điện thoại và linh kiện, điện tử, máy tính và linh kiện. Trong đó, điện thoại và linh kiện là mặt hàng chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

 

Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử còn thấp, các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc, hoặc lắp ráp trong nước bằng phần lớn các linh kiện nhập khẩu. Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng gần 50 tỷ USD các mặt hàng linh kiện điện tử, trong khi khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử trong nước còn rất hạn chế.

 

Một thực tế không quá khó để nhận ra, mặc dù Việt Nam nằm trong số các quốc gia xuất khẩu điện tử lớn thứ 12 thế giới và thứ 3 trong khối ASEAN, nhưng có đến khoảng 95% giá trị thuộc khối doanh nghiệp FDI chỉ chiếm khoảng 20% tổng doanh nghiệp cả nước.

 

Trong tương lai gần, định hướng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phải hướng đến những ngành có hàm lượng kỹ thuật và chất lượng cao, đặc biệt là gắn với công nghệ thông minh trong bối cảnh toàn cầu đang bùng nổ công nghệ số. Bên cạnh đó, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ điện tử thiếu nguồn lực lao động có kỹ năng, tài chính và công nghệ để tiếp nhận giá trị công nghệ tiên tiến từ dòng vốn FDI. Rủi ro chuyển giao công nghệ vào Việt Nam thấp và trung bình.

 

Bộ Công Thương cũng nhận định, tốc độ chuyển đổi số ở các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp điện tử hiện nay còn rất thấp. Số lượng doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư cho số hóa chưa nhiều. Chính vì vậy, công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử vẫn cần phải có những bước đột phá lớn hơn nữa trong tương lai. Các doanh nghiệp trong nước cần tham gia nhiều hơn nữa trong chuỗi giá trị toàn cầu, thiết lập được hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và đủ sức bắt tay với tập đoàn công nghệ quốc tế lớn.

 

Thay đổi để nắm bắt cơ hội

 

Sự xuất hiện của các tập đoàn toàn cầu hoạt động trong lĩnh vực điện tử, điện thoại như: LG, Samsung… cũng tạo ra một cú hích lớn cho các doanh nghiệp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử của Việt Nam.

 

Ông Darren Seah- Giám đốc khối đầu tư và chuyển đổi công nghiệp của Công ty Constellar cho biết, Việt Nam hoàn toàn đặt mình vào vị thế là trung tâm sản xuất điện tử không chỉ của Đông Nam Á mà của cả châu Á. "Việt Nam đang hội tụ nhiều yếu tố, khi có nhiều tập đoàn công nghệ lớn đầu tư và hình thành được mạng lưới doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử tham gia ngày càng sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu"- ông Darren Seah đánh giá.

 

Các nước thúc đẩy liên kết kinh tế song phương và khu vực, việc phê chuẩn các hiệp định tự do thế hệ mới CPTPP, EVFTA,… diễn ra khẩn trương hơn, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư trong các ngành công nghệ cao, đặc biệt là điện tử.

 

Ông Vũ Trọng Tài, Tổng Giám đốc RX Tradex Việt Nam cho rằng, cơ hội và thách thức với doanh nghiệp điện tử đan xen. Vì thế doanh nghiệp cần chuyển đổi nhanh để nắm bắt cơ hội.

 

Việt Nam đang trong giai đoạn tốt nên doanh nghiệp cần kịp thời thay đổi để nắm lấy vận mệnh đang có, đẩy mạnh quá trình số hoá. Chính phủ cần kịp thời điều chỉnh chính sách trong hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp Việt lớn mạnh, tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng ở vị trí công nghệ cao hơn.

 

Thời gian qua, Bộ Công Thương đang triển khai nhiều chương trình, dự án hợp tác quốc tế, các doanh nghiệp FDI đã có những chính sách nhất định nhằm hỗ trợ các nhà cung ứng nội địa và bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng rất nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh để gia nhập vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI.

 

Cụ thể, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp điện tử và công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, với Hàn Quốc đã phối hợp xây dựng nên Trung tâm Tư vấn và giải pháp công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VITASK).

 

Để chủ động và phát triển nhanh, bền vững cho ngành công nghiệp điện tử hiện nay, Cục Công nghiệp cho rằng, cần tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp triển vọng của Việt Nam trong lĩnh vực điện tử nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp này phát triển, đóng vai trò dẫn dắt thị trường điện tử trong nước.

 

Bên cạnh đó, rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam; thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.

 

Ngoài ra, cần tập trung thúc đẩy phát triển thị trường ngoài nước, tận dụng tốt cơ hội do các Hiệp định thương mại tự do mang lại, thực hiện hiệu quả phòng vệ thương mại và ứng phó một cách chủ động, có hiệu quả với các xu thế bảo hộ và hàng rào kỹ thuật ở các thị trường trên thế giới. Đồng thời, hỗ trợ một số doanh nghiệp triển vọng phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực điện tử nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nội địa đóng vai trò dẫn dắt thị trường điện tử trong nước, đặc biệt là các sản phẩm điện - điện tử gia dụng.

 

Theo Congthuong.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang