Thứ Ba, 30/04/2024 08:07:45 GMT+7

Tin đăng lúc 08-04-2016

Lượt xem: 2952

Chùa Linh Phước: Với vẻ đẹp độc đáo

Đến với Đà Lạt, không thể không ghé thăm chùa Linh Phước, hay còn gọi là “chùa Rồng” (tại số 120 Trại Mát, phường 11, TP. Đà Lạt). Chùa Rồng nổi tiếng bởi sự trang nghiêm, tĩnh lặng, đan xen cùng vẻ đẹp huyền bí, lãng mạn với những nét rất “riêng” của miền sơn cước.
 Chùa Linh Phước: Với vẻ đẹp độc đáo

Chùa Rồng tọa lạc trên ngọn núi cao, nơi có thẳng cảnh đẹp đến mê hồn, chùa được thiết kế bởi lối kiến trúc độc đáo chỉ có một không hai, với bốn tháp chính mầu lam (có tiết diện và chiều cao các tháp không đồng đều), mỗi tháp đều có cấu trúc hình mái dương chụm cong lên giống nhau theo hình dáng những cây thông. Ngôi chùa này được tạc nên từ những bàn tay “vàng” của cánh thợ xứ Huế tài hoa đã cẩn khắc hàng trăm nghìn mảnh sứ mầu lam để rồi cho ra những dáng hình rồng hài hòa. Còn nữa, đại hồng chung cứ ngân nga phát ra thứ âm hưởng nhẹ nhàng, du dương hòa quện vào không gian tĩnh lặng của núi rừng…, tất cả được họa thành bức tranh đa sắc mầu “cao nguyên ôm chọn ngôi chùa”, thật tinh tế mà trang nghiêm.

 

Chùa Rồng được xây dựng từ năm 1949, hoàn thành vào năm 1952. Toàn bộ công trình đều được tháp, cẩn bằng sứ lam xanh với hình dáng đa dạng, kiểu cách uốn lượn hình rồng. Các tường vách nơi chính điện cũng như nơi các tháp vệ tinh đều được cẩn hình các con rồng đặt ở nhiều tư thế như: Rồng chầu, rồng vời, rồng dâng… Vào cổng tam quan, ngay trước sân là đài Quan thế âm nằm chính diện, ta sẽ bắt gặp tên hiệu chùa ngự ngay trên mái hiên cũng được bao bọc, chạm trổ xung quanh toàn hình rồng; Gian chính điện (Đại hùng Bảo điện) - giới thiệu về sự tích Đức Phật Thích ca, có chiều dài 33 mét, rộng 12 mét. Hai hàng cột tháp bằng rồng xanh với phía bên trên là những bức phù điêu khảm sành (tất cả đều được cẩn bằng sứ xanh lam, chạm trổ công phu). Phía trên đầu hai vách chính điện được thể hiện bằng những bức phù điêu khảm sứ lam khác về các điển tích trong kinh pháp hoa, kinh A Di Đà và kinh Quán Vô lượng thọ. Nhìn bao quát, gian chính điện là thờ Phật tổ thích ca Mâu ni (được đúc bằng bê tông cốt thép, ngoài phủ nhũ vàng). Phía sau điện phật là nhà thờ tổ và thờ linh. Mặt trước chùa là Tiền đường, với lầu Đại Bi cao 27 mét, thờ 108 tượng Quan thế âm Bồ tát nghìn tay, nghìn mắt. Bên phải chính điện theo hướng Tây Bắc là bảo tháp Hòa thượng và khu Nội viện tăng, theo hướng Đông là Bảo tháp Quang Minh gồm 7 tầng, cao 36 mét, với thiết diện mỗi tầng là hình lục lăng, mái vươn cong lên có 6 rồng chầu ở mỗi đỉnh. Trong tháp có một quả Đại hồng chuông cao 4,3 mét, đường kính miệng chuông 2,33 mét, trọng lượng 8.500 kg, được đúc vào năm kỷ mão (1999). Quanh đó là nơi tôn thờ các pho tượng quý được thỉnh từ Miến Điện hay Trung Quốc về. Bên trái chính điện là Long Hòa Viên được bài bố bởi một công trình nghệ thuật cẩn mảnh sứ lam rất tinh tế, đó là một con rồng dài 49 mét, thân rộng 1,3 mét và tất cả được làm bằng 12.000 chai bia. Thân rồng này khá rộng nên du khách có thể vào được bên trong, rồng uốn lượn quanh hồ rồi vươn cao lên hòn giả sơn, như để che cho tượng di đà. Đặc biệt, đi hết lượt các gian trong chính điện, hoặc các tháp ở ngôi chùa này, du khách sẽ dễ dàng cảm nhận được điểm nổi trội cũng như những nét độc đáo rất “riêng” được thể hiện ở điểm nhấn là biểu tượng rồng. Trong ngoài, chùa dường như đều được gắn tượng rồng, ước tính có tới hàng trăm cặp mắt rồng được gắn trên các bức phù điêu.

 

Ấn tượng để lại trong tôi còn là tiếng chuông chùa, mỗi khi ngân lên thật trong trẻo, sâu lắng, để người ta dễ dàng bắt gặp trong mình một cảm giác khó quên khi được đến lễ chùa, được chiêm ngưỡng sự “độc đáo”, được hòa vào một không gian tĩnh lặng, thanh bình, thật nên thơ, lãng mạn… đã mấy nơi nào có được như ở chốn cao nguyên này.

 

Anh Thư

 


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang