Thứ Bẩy, 27/04/2024 14:01:08 GMT+7

Tin đăng lúc 08-09-2023

Lượt xem: 912

Chặng cuối Cuộc thi về Tư duy thiết kế đón 22 dự án khởi nghiệp đột phá

Sau hơn 06 tháng tổ chức Cuộc thi “Design Thinking - Open Innovation 2023”, vòng Chung kết Cuộc thi sẽ diễn ra tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TP. HCM) vào 7h sáng ngày 9/9/2023 với sự đọ sức của 22 dự án khởi nghiệp tiêu biểu.
Chặng cuối Cuộc thi về Tư duy thiết kế đón 22 dự án khởi nghiệp đột phá
Bà Dương Tường Nhi, CEO Công ty Happy Lifestyle - Trưởng Làng Design Thinking - TECHFEST Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi

 

Cuộc thi do Làng tư duy thiết kế - TECHFEST Việt Nam (Design Thinking Village) phối hợp với các đơn vị đồng tổ chức, gồm: Trường ĐH Nguyễn Tất Thành; CTCP Diamond Innovation Forest; Công ty Vintanedu, dưới sự chỉ đạo của Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học - Công nghệ (NATEC) và Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia (NSSC).

 

Vòng sơ loại của Cuộc thi “Design Thinking - Open Innovation 2023” (Cuộc thi “Tư duy thiết kế - Đổi mới sáng tạo mở 2023”) đã thu hút gần 100 dự án của các startup và những đội, nhóm sinh viên đến từ 15 tỉnh, thành trên cả nước.

 

“Các dự án tham dự Cuộc thi thuộc 02 chủ đề: Công nghệ và Tạo tác động với những lĩnh vực đa dạng và phong phú gồm: Công nghệ thông tin, Công nghệ Sinh học, Công nghệ Tài chính, Chăm sóc sức khỏe, Giáo dục và Đào tạo, Kinh tế xanh…”, bà Dương Tường Nhi, CEO Công ty Happy Lifestyle - Trưởng Làng Design Thinking, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi cho biết.

 

Kết thúc vòng Sơ loại, 13 dự án (Bảng Startup), 36 dự án (Bảng sinh viên) đã vinh dự lọt vào vòng Bán kết và tham gia các chương trình huấn luyện kéo dài suốt 1 tuần lễ cùng nhiều hoạt động hỗ trợ, định hướng, tư vấn từ các cố vấn (mentor) dành cho mỗi đội, nhóm có dự án tham gia Cuộc thi.

 

 

 

Ban Giám khảo cùng các cố vấn (mentor) của Cuộc thi và những đội, nhóm có dự án vào vòng Chung kết Cuộc thi

 

Qua đó, các chuyên gia, nhà khoa học đã chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn về Design Thinking, Business Model Canvas (BMC), kỹ năng pitching (thuyết trình về dự án)… nhằm giúp các đội, nhóm tham gia Cuộc thi hiểu rõ hơn và biết cách áp dụng tư duy thiết kế, đổi mới sáng tạo vào dự án của đội, nhóm mình. Đồng thời, đây còn là cơ hội để các thí sinh hoàn thiện ý tưởng, ứng dụng kiến thức, trải nghiệm vào thực tiễn công việc. Trải qua các chương trình huấn luyện, các đội, nhóm dự thi đã hoàn chỉnh dự án của mình và bước vào giai đoạn đánh giá kết quả (phần đánh giá kết quả gồm điểm số từ Ban Giám khảo Cuộc thi và điểm số từ việc bình chọn của cộng đồng mạng).

 

Phó Ban Tổ chức Cuộc thi Trần Quốc Duy - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Bình Phước, Đồng Trưởng Làng tư duy thiết kế (TECHFEST Việt Nam) thông tin rằng khép lại vòng Bán kết, các dự án thuộc TOP 7 (Bảng Startup) và TOP 15 (Bảng Sinh viên) đã tự hào “sải bước” vào vòng Chung kết Cuộc thi. Đây là các dự án được đánh giá cao về tính sáng tạo và khả năng thương mại hóa để kinh doanh hiệu quả.

 

Cả Bảng Startup và Bảng sinh viên đều có những dự án mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số để phát triển sản phẩm. Tiêu biểu như dự án “Reomese - Ứng dụng học tiếng Việt cho người nước ngoài” (Bảng Startup) của Công ty TNHH Tư vấn Giáo dục Vinh Danh đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo; dự án Govo (Bảng Sinh viên) của các sinh viên ĐH FPT đã ứng dụng công nghệ số.

 

 

 

Các thí sinh trình bày việc ứng dụng Tư duy Thiết kế (Design Thinking) vào dự án tham gia vòng Bán kết Cuộc thi

 

 

Trong khuôn khổ của vòng Bán kết Cuộc thi, một số sản phẩm của các đội, nhóm có dự án tham gia Cuộc thi đã được trưng bày, thu hút sự quan tâm của các thí sinh và khán giả theo dõi Cuộc thi.

 

Tại vòng Bán kết Cuộc thi, nam sinh Vương Đắc Khởi - nhóm trưởng “Dự án Kofferlive - Dòng sản phẩm cà phê trái cây lên men” thuộc Trường ĐH Công thương (TP. HCM) hào hứng bày tỏ: “Em rất vui khi dự án của nhóm em được vào vòng Chung kết. Nhóm sẽ tiếp tục hoàn thiện dự án để đưa sản phẩm của nhóm vào thực tiễn kinh doanh”.

 

“Bên cạnh nhận được sự hướng dẫn của các giảng viên tại Trường ĐH Công Thương, nhóm em đã được các cố vấn (mentor) của Cuộc thi nhiệt tình tư vấn, hỗ trợ; qua đó giúp cả nhóm tự tin trình bày dự án khởi nghiệp rất hiệu quả ở vòng Bán kết”, nam sinh Vương Đắc Khởi chia sẻ thêm.

 

Những tuần lễ gần đây, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân có chuyên môn và kinh nghiệm trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã tiếp tục chung tay tổ chức các buổi huấn luyện trực tuyến cho các đội, nhóm có dự án lọt vào Vòng Chung kết. Đồng thời, các đội, nhóm này đã tiếp tục nhận được sự tích cực đồng hành, “tiếp sức” từ các cố vấn (mentor) của Cuộc thi trước ngày diễn ra vòng Chung kết.

                                                                   Thắng Trân - Kiên Nhẫn


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang