Thứ Bẩy, 04/05/2024 08:26:59 GMT+7

Tin đăng lúc 12-06-2017

Lượt xem: 3570

"Chân ướt chân ráo" vào Việt Nam, 7-Eleven lấy gì để "chiến thắng"?

Sẽ "chào" Việt Nam ngày 15/6 và đặt mục tiêu tăng 100 cửa hàng trong 3 năm tới, tuy nhiên các đối thủ đi trước đã có những bước tiến rất dài và rất xa khiến 7-Eleven đứng trước nhiều thử thách lớn.
"Chân ướt chân ráo" vào Việt Nam, 7-Eleven lấy gì để "chiến thắng"?
7-Eleven sẽ chính thức mở cửa tại Việt Nam vào ngày 15/6 tới.

Một 7-Eleven đa phong cách

 

7-Eleven được đánh giá là chuỗi cửa hàng tiện lợi thành công nhất trong lịch sử thế giới. Chuỗi cửa hàng 7-Eleven khởi đầu chỉ là một doanh nghiệp sản xuất nước đá nhưng đến nay, 7-Eleven đã có mặt tại 18 quốc gia với hơn 61.500 điểm bán trên toàn thế giới.

 

Được biết, với việc chính thức mở ngày 15/6, Việt Nam trở thành thị trường thứ 19 trên thế giới có sự xuất hiện của thương hiệu cửa hàng tiện lợi này. Tuy nhiên, tại mỗi quốc gia, 7-Eleven lại có những "nhận diện" rất riêng. Đây là cách mà doanh nghiệp này thay đổi để phù hợp với thị trường.

 

Tại Mỹ - nơi 7-Eleven được sáng lập, chuỗi cửa hàng tiện ích này khá giống với “tiệm tạp hóa”. Cửa hàng được đặt ở vị trí có trạm nhiên liệu. Sản phẩm được bày bán là nước có gas, kẹo, thuốc lá, các loại snack... để khách có thể tiêu dùng nhanh trong lúc nạp nhiên liệu cho xe hơi.

 

Tại Nhật Bản, 7-Eleven mở cửa hàng ngay cả trong những con ngõ nhỏ. Chuỗi cửa hàng này nổi tiếng với sản phẩm cơm trưa hộp, khi bán hơn 200 triệu phần cơm trưa mỗi năm.

 

Tại Hàn Quốc, một số cửa hàng tiện lợi 7-Eleven nằm ở các nhà ga tàu điện. Cơm với kim chi củ cải và các món ăn truyền thống khác của người Hàn được bày bán nhiều. Ở cửa hàng cũng có lò vi sóng để khách nó thể hâm nóng thức ăn.

 

Tại Hà Lan, cửa hàng 7-Eleven có rất nhiều các loại đồ uống được giữ lạnh. Khách hàng khi tới đây có thể tay pha chế cho mình một cốc nước theo ý muốn.

 

Tại Indonesia, cửa hàng của 7-Eleven khá giống quán cà phê với khu vực nghỉ chân rất lớn. Vị trí của các cửa hàng thường đặt ở những nơi có khung cảnh. Khách có thể mua đồ uống và thưởng thức ngay trong cửa hàng. Bàn ghế cho khách còn được bố trí xếp ở cả bên ngoài cửa hàng.

 

Còn lại Việt Nam, với việc khai trương cửa hàng đầu tiên tại vị trí "đắc địa" Saigon Center, địa điểm ở trung tâm quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, có thể 7-Eleven đang muốn hướng tới khách hàng thuộc tâng lớp trung lưu. Họ cũng đang cố gắng khác biệt để tránh bị người tiêu dùng so sánh với các tiệm tạp hóa, vốn là kênh phân phối quen thuộc với người Việt Nam, nắm giữ tới 85% doanh thu cả cả ngành bán lẻ. Sẽ khó "chiến thắng" ở Việt Nam?

 

Các cửa hàng tiện lợi/siêu thị mini đang phát triển nhanh chóng với tăng trưởng trên 2 con số mỗi năm. Kênh bán hàng này đang trở thành xu hướng bởi tính chất hiện đại, hàng hoá có xuất xứ rõ ràng, hệ thống quản trị tốt và là cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ nông dân đưa hàng hoá vào đây.

 

Theo đánh giá của các chuyên gia, bài toán đầu tư vào cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini có lợi thế hơn hẳn so với đầu tư vào siêu thị truyền thống. Trong khi một siêu thị chuẩn cần mặt bằng trên dưới 10.000m2, với số vốn lên tới vài trăm tỷ đồng, thì việc mở một siêu thị mini hay cửa hàng tiện lợi đơn giản hơn rất nhiều. Ngoài ra, số lượng mặt hàng không quá lớn, thời gian thu hồi vốn của cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini khá nhanh là điểm cộng của mô hình này.

 

Theo thống kê của Bộ Công Thương, cứ 69.000 người dân Việt Nam mới có 1 cửa hàng tiện ích, trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc là 21.000 người, Hàn Quốc là 1.800 người. Dư địa phát triển của thị trường còn rất lớn, cộng với thói quen tiêu dùng của người Việt đang có sự thay đổi nhanh chóng, rõ rệt khiến mô hình bán lẻ hiện đại này trở thành mảnh đất vô cùng tiềm năng.

 

Trên thị trường hiện nay, có thể liệt kê một số cái tên sẽ là đối thủ của 7-Eleven trong mảng cửa hàng tiện lợi/siêu thị mini như Vinmart+, Circle K, B's Mart, Shop&Go và Ministop.

 

Trong đó, Vinmart+ đang là cái tên lớn nhất trên thị trường. Theo thống kê, Vinmart+ tính đến cuối tháng 2/2017 đang sở hữu 843 cửa hàng, mặc dù chỉ là tân binh gia nhập thị trường từ năm 2015. Vinmart+ theo đuổi mô hình cửa hàng nhỏ, mọc lên khắp các ngóc ngách trên cả nước với tốc độ chóng mặt nhằm nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường.

 

Theo sau Vinmart+, các đổi thủ khác trong phân khúc này cũng đang có tốc độ mở rộng đáng nể.

 

Cirlce K, chuỗi cửa hàng đến từ Mỹ đang có tới 242 cửa hàng, phục vụ 24/24 với phong cách trẻ trung, năng động, tập trung vào dịch vụ 4F gồm Fresh - Tươi ngon, Friendly - Thân thiện, Fast - Nhanh chóng và Full - Đầy đủ.

 

B's Mart, tiền thân là FamilyMart, hiện do Tập đoàn TCC của Thái Lan làm chủ và có 159 cửa hàng. B's Mart cũng hoạt động 24/24 và mang phong cách phục vụ của người Thái, với chủng loại sản phẩm vô cùng đa dạng.

 

Shop&Go hiện có 121 cửa hàng, cũng với mô hình diện tích nhỏ nhưng phục vụ khách hàng 24/24h. Một số cửa hàng của Shop&Go hiện nay còn tích hợp bán vé số Vietlott, hình thức xổ số đang thu hút đông đảo người dân trong gần 1 năm trở lại đây.

 

Ministop của Aeon sau 5 năm hoạt động hiện có 80 cửa hàng. Tuy thất bại trong thương vụ hợp tác với G7 nhưng Ministop vẫn duy trì mục tiêu 800 cửa hàng trong vòng 10 năm sau khi bắt tay với đồng hương là Sojitz.

 

Là người đến sau nhưng Công ty Seven System Việt Nam, đơn vị nhượng quyền của 7-Eleven tại Việt Nam, tuyên bố thương hiệu này sẽ mang đến trải nghiệm mua sắm hiện đại cho khách hàng ở Việt Nam vào đúng nơi và đúng lúc mọi người cần. Công ty cho biết, đối tượng chính được nhắm đến là nhóm khách hàng thuộc tầng lớp cư dân trẻ và trung lưu.

 

Theo mô tả ban đầu, cửa hàng của 7-Eleven cũng sẽ bày bán những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu với hệ thống hạ tầng bao gồm khu vực ăn uống, wifi miễn phí, dịch vụ thanh toán thẻ và rút tiền ATM. Tương tự như cách làm tại những quốc gia khác, thương hiệu này còn có hệ thống sản phẩm đồ ăn và hàng tiêu dùng chất lượng cao mang thương hiệu riêng.

 

Tuy nhiên, điểm khác biệt mà thương hiệu này chọn để cạnh tranh với hàng chục thương hiệu cửa hàng tiện lợi khác chính là thực đơn đến 100 món ăn.

 

7-Eleven thiết kế riêng cho thị trường Việt Nam danh mục hơn 100 món ăn được làm mới mỗi ngày. Chúng tôi kỳ vọng trở thành điểm hẹn ẩm thực mới cho cư dân thành thị, và là địa điểm cung cấp bữa trưa công sở với hơn 20 món ăn linh hoạt thay đổi mỗi ngày, và phù hợp với văn hoá ẩm thực của người Việt Nam”, đại diện thương hiệu này cho biết.

 

Ngoài ra, theo số liệu từ Tổng cục thống kê cho biết, tốc độ tăng trưởng ngành bán lẻ tại Việt Nam hiện đạt trên 10% mỗi năm. Năm 2016, tổng mức bán lẻ hàng hoá đạt 2,68 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 10,2% so với năm trước. Trong đó, tỷ trọng doanh thu từ phương thức bán lẻ truyền thống chiếm tới 80%, còn bán lẻ hiện đại chỉ chiếm 20%.

 

Theo xếp hạng trong Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) do Tập đoàn Tư vấn Thị trường AT Kearney (Mỹ) công bố hàng năm, Việt Nam liên tục nằm trong tốp 30 thị trường bán lẻ mới nổi hấp dẫn nhất thế giới cho đầu tư nước ngoài từ năm 2008 đến nay.

 

Còn theo báo cáo của Kantar Worldpanel, các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini còn hưởng lợi từ thói quen mua sắm nhỏ lẻ của người Việt, thường sử dụng xe máy và không mang vác quá nhiều đồ về nhà trong cùng một lần mua. Chính vì thế, các cửa hàng nhỏ, gần gũi với người tiêu dùng sẽ có lợi thế hơn so với các đại siêu thị hoành tráng, đặt tại các vị trí xa xôi.

 

Trước sự phát triển mạnh mẽ của các đối thủ, "lính mới" 7-Eleven liệu có quá khiêm tốn khi đặt mục tiêu con số 100 cửa hàng trong 3 năm và 1.000 cửa hàng trong vòng 10 năm tới và liệu chiến lược đi mạnh vào ẩm thực có giúp nhà bán lẻ này đứng vững trên thị trường đầy tiềm năng và thách thức như Việt Nam?

 

Nguồn Enternews.vn


Tin liên quan:

Tag:7-Eleven

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang