Thứ Năm, 02/05/2024 23:36:57 GMT+7

Tin đăng lúc 03-09-2020

Lượt xem: 1290

Cần tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp CNHT tiếp cận được nguồn vốn

Thời gian qua, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam tuy đã có những bước tiến nhất định, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong nước. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do nguồn vốn tín dụng ngân hàng dành cho CNHT vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Điều này khiến các doanh nghiệp CNHT gặp khó khi muốn mở rộng đầu tư sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Cần tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp CNHT tiếp cận được nguồn vốn

Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển CNHT

 

Có thể thấy, thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ và ưu tiên phát triển CNHT như: Nghị định số 118/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư với quy định CNHT là lĩnh vực được đặc biệt ưu đãi đầu tư tại Việt Nam; Các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) đối với dự án đầu tư phát triển CNHT đã được quy định tại Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế… hay Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT với 06 ngành nghề được hỗ trợ, ưu đãi là Dệt – may; Da – giày; Điện tử; Sản xuất lắp ráp ô tô; Cơ khí chế tạo và các sản phẩm CNHT cho công nghệ cao. Trong đó, Chính phủ quy định cụ thể về các ưu đãi về thuế TNDN, thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và tín dụng. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) sản xuất sản phẩm CNHT thuộc Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển còn được hưởng đãi về tín dụng đầu tư và tiền thuê đất…

 

Bên cạnh đó là Luật Hỗ trợ DNNVV cũng có quy định rõ các nguồn vốn hỗ trợ khu vực DN này, bao gồm: Nguồn vốn tín dụng có hỗ trợ, bảo lãnh của Nhà nước; nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; nguồn vốn hỗ trợ từ miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và các khoản khác phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật; nguồn vốn hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

         

Doanh nghiệp CNHT vẫn gặp khó khi vay vốn

 

Trong các chính sách hỗ trợ thì cho vay hỗ trợ DNNVV là một trong những lĩnh vực được ưu tiên nguồn vốn đầu tư tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam. Bên cạnh đó, để hỗ trợ các DN, nhất là các DNNVV chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, vào tháng 3 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng NHNN Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành Ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19.

 

Với sự quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước và nỗ lực của các ngân hàng thương mại, hoạt động cấp tín dụng đối với DNNVV thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều DNNVV, trong đó có DN ngành CNHT vẫn chưa dễ tiếp cận được những nguồn vốn vay ưu đãi này bởi các ràng buộc về mặt thủ tục, quy trình thẩm định cho vay giữa các ngân hàng với DN…

 

Nhiều DN cho rằng, hiện CNHT của nước ta phát triển rất chậm, nguyên nhân một phần đến từ sự thiếu chủ động, chậm đổi mới của bản thân DN, nhưng yếu tố mang tính quyết định là chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn chưa trúng. Nếu Nhà nước có chủ trương rõ ràng và có những chính sách ưu đãi đặc biệt đối với nhà sản xuất trực tiếp ngành CNHT về đất đai, vốn, thuế… thì doanh nghiệp mới có thể phát triển được.

 

Theo thông tin từ các địa phương, tổ chức tín dụng và các Hiệp hội ngành nghề thì việc tiếp cận vốn tín dụng của các DN CNHT còn nhiều khó khăn, vướng mắc bởi thủ tục vay vốn còn phức tạp; DN thiếu tài sản đảm bảo; quy mô sản xuất kinh doanh của DN nhỏ, trình độ quản trị tài chính kém và thêm nữa là thông tin, tài chính không đầy đủ, kém minh bạch... Đây chính là những rào cản khiến các DNNVV nói chung và DN trong lĩnh vực CNHT nói riêng khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng.

 

 

Quỹ phát triển DNNVV sẽ hỗ trợ DN tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị

 

Trên thực tế, nhu cầu vay vốn của các DN CNHT chủ yếu là để đầu tư xây dựng nhà máy, mua sắm máy móc, trang thiết bị để đổi mới công nghệ và nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất. Tuy nhiên, thời gian qua, các DN trong lĩnh vực này hầu như không tiếp cận được các khoản vay từ các ngân hàng thương mại cho các dự án CNHT. Theo phản ánh của nhiều DN CNHT thì các ngân hàng hiện chỉ ưu tiên cho những tài sản thế chấp có thể thanh lý nhanh gọn như bất động sản, còn việc dùng chính trang thiết bị máy móc sản xuất để thế chấp thì khó khăn bởi các ngân hàng không có chuyên môn để định giá. Bên cạnh đó, một số thủ tục vay vốn tín dụng hiện phức tạp nên khó tiếp cận, trong khi đó, nhiều DN lại không có kinh nghiệm nên khi chuẩn bị hồ sơ giấy tờ, gặp sai sót phải sửa chữa nhiều lần mất nhiều thời gian nên đành chấp nhận bỏ cuộc...

 

Chuyên gia Nguyễn Minh Phong cho rằng, DN hiện đang gặp khó trong việc tiếp cận vốn vì nhiều lý do như thiếu tài sản thế chấp; điều kiện vay không dễ như hướng dẫn hiện hành; bản thân DN cũng còn nhiều lúng túng trong việc giải trình khả năng trả nợ trong tương lai, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay. Để giải bài toán này, chuyên gia Nguyễn Minh Phong đề xuất, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước khi thực hiện các thủ tục tiếp cận vốn vay NH thì cần phải rõ ràng như: Mức lãi suất, đảm bảo cho vay như thế nào, cơ cấu nợ ra sao, khi nợ xấu quá mức thì ai chịu trách nhiệm?… Chỉ khi có những hướng dẫn rõ ràng như vậy thì các ngân hàng thương mại mới dám cho các DN, đặc biệt là DNNVV vay vốn.

 

Có thể nói, phát triển ngành CNHT có ý nghĩa rất quan trọng. Nó là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp, giúp tăng sức cạnh tranh của sản phảm công nghiệp chính, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, thu hút đầu tư nước ngoài… Đây cũng là nền tảng, cơ sở để sản xuất công nghiệp trong nước phát triển mạnh hơn và tạo sự tăng trưởng bền vững. Do đó, để ngành CNHT của Việt Nam phát triển hơn nữa, rất cần triển khai đồng bộ các giải pháp, đưa ra các chính sách ưu đãi một cách cụ thể và sát sườn, tháo gỡ các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận được nguồn vốn nhằm mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang gây ra rất nhiều khó khăn cho DN như hiện nay./.

 

Quỳnh Anh

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang