Thứ Hai, 29/04/2024 13:42:34 GMT+7

Tin đăng lúc 07-01-2024

Lượt xem: 282

Cách nào để tăng tốc kích cầu tiêu dùng nội địa năm 2024?

Theo báo cáo kinh tế - xã hội của Tổng cục thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đã tăng tương đối cao, ở mức 9,6% so với năm trước… Tuy nhiên, thực tế tổng cầu vẫn rất yếu, thị trường tiêu dùng khá ảm đạm. Trong bối cảnh đó, cần phải làm gì để kích cầu tiêu dùng năm 2024 vẫn đang là câu hỏi được nhiều người quan tâm.
Cách nào để tăng tốc kích cầu tiêu dùng nội địa năm 2024?
Mức tăng 9,6% của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng được cho là mâu thuẫn với tình hình thị trường.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm có kết quả tăng trưởng khá tốt dù vẫn còn khá khiêm tốn so với giai đoạn 2020-2021.

 

Tổng mức tiêu dùng tăng cao nhưng thị trường vẫn ảm đạm

 

Trong quý 4/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.662,7 nghìn tỷ đồng và tăng 7,2% so với quý trước và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 12 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm trước (năm 2022 tăng 20%).

 

Khu vực tiêu dùng, dịch vụ của Việt Nam được đánh giá là đạt tốc độ tăng trưởng đáng ghi nhận khi tình hình tiêu dùng trong khu vực và thế giới không có nhiều khả quan. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, mức tăng trưởng trên là khá ‘mâu thuẫn’, chưa phản ánh đúng thực chất khi thị trường tiêu dùng thực tế khá ảm đạm.

 

Theo đó, chỉ số tiêu dùng cuối cùng chỉ tăng 3,52% so với năm 2022 (trong khi cùng kỳ so với 2021 tăng 7,18%). Đến hết năm, doanh thu từ bán lẻ ước đạt 4.858,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% vẫn kém hơn khá nhiều so với mức tăng trưởng cùng kỳ năm trước đạt 14,4%. Hơn nữa, tốc độ tăng chủ yếu từ doanh thu theo mức giá tăng cao, nếu loại trừ yếu tố giá mức độ tăng được cho là không đáng kể.

 

TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp & Thương mại nhận định, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là gần 10%, rất cao, tuy nhiên tổng cầu rất yếu. “Theo tôi, yếu tố tăng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chủ yếu đến từ lĩnh vực du lịch và dịch vụ còn trong lĩnh vực hàng tiêu dùng gần như không khả quan”, ông Phương nói.

 

Ý kiến của chuyên gia là hoàn toàn có cơ sở, khi doanh thu trong mảng dịch vụ du lịch dù chiếm số % rất nhỏ trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng nhưng lại có mức tăng trưởng rất cao. Cụ thể, doanh thu du lịch lữ hành năm 2023 ước đạt 37,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng mức và tăng 52,5% so với năm trước, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống năm 2023 ước đạt 673,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,8% tổng mức và tăng 14,7%, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 4.679,3 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 12,3%...

 

Cầu tiêu dùng hàng hóa trong năm vừa qua tăng trưởng kém được cho là bắt nguồn từ vấn đề kinh tế suy thoái, thu nhập bình quân giảm khiến người tiêu dùng hạn chế chi tiêu. Khảo sát của Tổ chức Tư vấn quản trị rủi ro PwC thực hiện trong năm vừa qua cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đã thận trọng hơn với thói quen chi tiêu của mình. Cụ thể, 62% người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết do lo ngại về giá cả gia tăng; 54% dự kiến sẽ cắt giảm chi tiêu cho các sản phẩm xa xỉ; 13% dự định cắt giảm chi tiêu mặt hàng tạp hóa và thực phẩm…

 

Làm gì để kích thích tiêu dùng năm 2024?

 

Năm 2024, dự báo tình hình kinh tế tiếp tục diễn biến phức tạp, tuy nhiên, một số yếu tố có thể cải thiện tốt. Theo các chuyên gia kinh tế, người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ ‘dễ thở’ hơn khi nền kinh tế ổn định, CPI bình quân 2024 được dự báo sẽ dao động ở mức 3,0% - 3,6%. Đây có thể là một trong những yếu tố giúp tăng tiêu dùng.

 

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định trong bối cảnh hiện nay được xem là kết quả khả quan, giúp các doanh nghiệp hy vọng vào sự khởi sắc kinh doanh trong năm 2024.

 

Về phía người tiêu dùng, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đưa ra quan điểm, nhà nước cần có các chính sách phù hợp để kích thích sức mua xã hội. “Vừa rồi đã có kế hoạch tiếp tục giảm thuế VAT đến tháng 6/2024 nhưng theo tôi một là phải kéo dài hơn, hai là phải giảm 3 - 4% cho các mặt hàng thiết yếu, không thể đánh đồng tất cả các mặt hàng nếu muốn tăng tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế hiện tại”.

 

TS Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư Tài chính TP HCM, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA), cũng đưa ra quan điểm, để tăng trưởng tiêu dùng nội địa, kích thích người dân tiêu tiền trong giai đoạn này là phải kéo giá thành giảm. Trong đó, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là phải kết nối nguồn hàng, vốn vay và các hỗ trợ khác nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp giảm giá thành, đẩy mạnh hoạt động khuyến mãi, kích cầu.

 

Thời điểm Tết Nguyên đán sắp tới được cho là dịp Nhà nước cần ban hành thêm những chính sách đầu tư công, hỗ trợ, thúc đẩy cho cả người dân và doanh nghiệp để tạo điểm đột phá tăng trưởng tiêu dùng, kích thích các hoạt động kèm theo trong suốt cả năm.

 

Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cần tạo ra đột phá, cú hích mạnh cho chương trình kích cầu tiêu dùng, tạo nên khí thế mới, niềm tin mới.

 

Về phía doanh nghiệp, ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty XNK Nam Thái Sơn cho biết các doanh nghiệp đang chờ đợi cú huých lớn về sức mua cho giai đoạn 2024. “Cần điều chỉnh và cân nhắc kỹ cho chiến lược kinh doanh đó là thị trường nội địa - tiêu dùng đang "nằm ngang" nên chờ đợi cú huých lớn về sức mua để những nhà sản xuất trong nước đẩy mạnh lên. Do đó, các doanh nghiệp rất trông chờ vào đợt Tết 2024 có những hoạt động đầu tư công để kích thích những hoạt động kèm theo”, ông Việt Anh nói.

 

Theo VNbusiness


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang