Thứ Ba, 07/05/2024 12:30:04 GMT+7

Tin đăng lúc 18-08-2016

Lượt xem: 4041

Các điểm nghẽn trong thể chế đang kìm hãm sự phát triển của đất nước

“Thể chế! Thể chế! thể chế! Phát triển hay kìm hãm chính là do thể chế” - đây là nhấn mạnh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi họp thường kỳ tháng 5 vừa qua. Như vậy, có thể thấy quyết tâm hay tầm nhìn của Chính phủ và cũng chỉ từng đó thôi cũng đủ để nói lên nhu cầu cải cách nền kinh tế, khai thông những điểm nghẽn trong thể chế ở nước ta hiện nay là lớn như thế nào.
Các điểm nghẽn trong thể chế đang kìm hãm sự phát triển của đất nước
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5/2016

Việt Nam đã trải qua 30 năm xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Trong đó, cải cách thể chế kinh tế luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của quá trình cải cách ở Việt Nam những năm gần đây. Tuy nhiên, khi nói về quyết tâm cải cách thể chế, có thể nhận thấy chỉ đổi mới hệ thống pháp lý chính sách là chưa đủ, điều quan trọng hơn vẫn nằm ở yếu tố con người.

 

Vừa qua một câu chuyện gây ồn ào dư luận trong nước đó là việc Cơ sở Kinh doanh và chế biến thực phẩm Việt (Vietfoods) bị Chi cục Quản lý thị trường (CCQLTT) Hà Nội kết luận toàn bộ xúc xích của Vietfoods là độc hại vì chứa chất gây ung thư. Sau hơn 1 tháng tạm giữ, giờ đây CCQLTT Hà Nội quyết định trả lại 2,2 tấn xúc xích cho Vietfoods với thông báo là lô xúc xích này của Vietfoods an toàn với người tiêu dùng và sẽ hủy toàn bộ hồ sơ liên quan đến việc vi phạm hành chính với lý do hàng của Vietfoods không có hành vi vi phạm như QLTT HN đã lập. Với quyết định trả lại hàng mà phần lớn đã trong tình trạng cận date và quá date, Vietfoods ước tính chịu thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng. Rất may là cuối cùng doanh nghiệp (DN) này cũng đã được minh oan nhưng hệ quả mà nó để lại là một DN đang đứng trên bờ vực phá sản

         

Cùng thời điểm Vietfoods được minh oan thì Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35 về việc hỗ trợ DN phát triển đến năm 2020 với mục tiêu xây dựng DN Việt Nam có năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Song, những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hay cải cách thể chế của Chính phủ sẽ khó có thể giúp DN VN cất cánh nếu tình trạng thực thi công vụ vẫn tái diễn tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược.

         

Theo PGS.TS Lê Quân – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia thì qua sự việc của Vietfoods chúng ta thấy rằng cách ứng xử của cơ quan quản lý nhà nước đối với DN chưa thể hiện được quan điểm phục vụ DN mà ở đây là người quản lý và người bị quản lý. Ở đây cần phải làm rõ, nếu không đúng thẩm quyền, không đúng quy trình, gây thiệt hại thì phải xử lý các cán bộ có liên quan, đồng thời công bố công khai cho xã hội biết, để lấy lại và xây dựng được niềm tin của DN vào các cơ quan nhà nước trong cải thiện môi trường đầu tư.

         

Có thể nói cánh cửa của hội nhập sâu rộng đã mở ra trước mắt, sự cạnh tranh là rất khốc liệt. Vì vậy, DN VN đang rất cần các cơ quan chức năng đem đến cho họ những điểm tựa về niềm tin, đó là sự an tâm để kinh doanh và phát triển. Nhưng qua câu chuyện của Vietfoods chúng ta ko thể phớt lờ đi câu hỏi: Trong thời gian qua, bao nhiêu DN đã gục ngã trước sóng gió của thị trường và bao nhiêu DN phải chịu sa sút, thậm chí phá sản bởi những sách nhiễu, những chi phí ngầm đang tồn tại trong nền kinh tế của đất nước ta.

         

Theo số liệu mới đây của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện các loại thuế, phí chính thức chiếm khoảng 40% lợi nhuận của DN, đây là tỷ lệ khá cao so với các nước trong khu vực và đang làm cản trở sự phát triển của DN. Song đối với nhiều DN, gánh nặng mà họ đang phải chịu đựng còn đến từ nhiều khoản phí không chính thức khác, mà con số này cũng không hề nhỏ.

         

Không phải vô cớ mà thời gian qua dư luận ví von rằng không ít công chức hiện nay “nghiện” kiểm tra DN như “nghiện ma túy”. Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường KD và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, dù đã có những cải thiện đáng ghi nhận nhưng chỉ số cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn kém xa so với các nước trong khu vực, dưới rất nhiều so với Thái Lan, Malaysia, Singapore. Đơn cử như những chỉ số liên quan đến cấp phép xây dựng, chỉ số này vừa qua Ngân hàng Thế giới đã đánh giá là thời gian kéo dài đến 52 ngày.

 

Khi nói về thể chế, không chỉ nói đến chất lượng các văn bản pháp luật, các thủ tục và các văn bản hướng dẫn luật mà còn nói đến con người và bộ máy, liệu có đáp ứng được với thể chế hay không. Nói đúng hơn là con người có thực thi thể chế kinh tế thị trường hiện tại đầy đủ hay không? PGS.TS Lê Quân cho rằng, Nhà nước có 2 chức năng rất quan trọng, đó là thiết lập ra nền tảng pháp luật để kiến tạo môi trường hoạt động và thứ 2 là thanh tra kiểm tra để đảm bảo rằng các chủ thể hoạt động đúng với quy định của pháp luật. Vấn đề ở chỗ khi chúng ta có một hệ thống pháp luật mà dưới nó có quá nhiều giấy phép con, vô hình chung đã tạo ra rào cản trong quá trình thực thi. Khi những rào cản trong pháp luật để phân định cái đúng cái sai mà khác xa so với thực tiễn yêu cầu cuộc sống thì vai trò của thanh tra là rất lớn. Khi thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước không nhìn vào bản chất vấn đề là DN đóng góp được gì, cần sự hỗ trợ ra sao và hoạt động trong khuôn khổ thế nào, mà chỉ nhìn vào cái sai, cái chưa đúng của DN về các thủ tục, quy trình, hồ sơ..., dẫn đến tình trạng khi có thanh tra đến, các DN thường dùng biện pháp thỏa hiệp. Vì vậy, cái quan trọng nhất là cần tập trung vào việc rà soát lại hệ thống pháp luật, triển khai được hệ thống pháp luật mà ở đó xóa bỏ hết được các rào cản, đó là các quy định pháp luật không rõ ràng, không minh bạch, có biểu hiện lợi ích nhóm, cản trở phát triển, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Đồng thời, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước, để tránh việc thanh tra kiểm tra nhằm hợp lý hóa những cái sai.

 

“Rất đáng lo ngại” là tuyên bố của Bộ trưởng chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng khi nói về tình trạng có luật nhưng không thi hành nổi do thiếu các văn bản hướng dẫn. Văn phòng Chính phủ cho biết, hiện CP đang nợ chưa ban hành hàng chục Nghị định hướng dẫn thi hành luật. Để giải quyết điểm nghẽn này, theo PGS .TS Lê Quân, cải cách thể chế phải đi từ vấn đề làm luật và nghị định sau luật. Từ năm 1999, khi làm luật doanh nghiệp, chúng ta nói chỉ Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò thực thể để đặt ra và hủy bỏ những điều kiện kinh doanh. Cho đến hiện nay, khi luật ra đời lại cần thông tư nên việc áp dụng luật luôn chậm. Do vậy, vấn đề làm luật cần nhìn nhận 2 việc: Một là, với một số lĩnh vực, trong đó có kinh doanh, phải có cách làm để khi luật ban hành ra, nhiều điều trong nội dung luật không cần văn bản thông tư, nghị định hướng dẫn vẫn được thực hiện. Thứ hai là, cần quán triệt tư duy doanh nghiệp và người dân phải được làm những việc mà pháp luật không cấm, còn công chức, cán bộ phải làm những việc được pháp luật cho phép.

 

Chính phủ đã đặt mục tiêu xây dựng một Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính phục vụ nhân dân và phát triển đất nước, nhằm nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần và bảo đảm an toàn cho người dân. Muốn thế thì cần phải giải quyết được các điểm nghẽn về thể chế đang kìm hãm sự phát triển của đất nước. Chính vì vậy, những năm gần đây, cải cách thể chế kinh tế luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của quá trình cải cách ở VN. Tuy nhiên, một thể chế mới sẽ không bao giờ thành nếu không có những con người được cải tổ để thực thi. Nếu một thể chế mới mà cơ chế giám sát xác định rõ trách nhiệm không mới thì khi đó vẫn còn những lỗ hổng cho tình trạng nhũng nhiễu, nói không đi đôi với làm và thể chế mới vẫn sẽ chỉ nằm trong kỳ vọng, quyết tâm mà thôi./.

 

Như Quỳnh (thực hiện)


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang