Thứ Tư, 08/05/2024 02:22:06 GMT+7

Tin đăng lúc 01-06-2018

Lượt xem: 1746

Cá tra Việt bán rẻ do... tự hạ giá

Mỹ nhập khẩu cá tra, basa của Trung Quốc trung bình 6,77 USD/kg, trong khi chỉ mua của Việt Nam 3,42 USD/kg. Cùng một thị trường xuất khẩu nhưng giá bán của Việt Nam đang rẻ hơn so với Trung Quốc gần một nửa.
Cá tra Việt bán rẻ do... tự hạ giá
Năm 2017, XK cá tra sang Mỹ giảm 11% so với năm 2016, dự báo năm 2018 sẽ giảm tiếp 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu (XK) thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến nửa đầu tháng 4/2018, tổng giá trị XK cá tra sang thị trường Mỹ đạt 91,8 triệu USD, tăng 26,1%, chiếm 17,7% tổng giá trị. Cho đến nay, giá trị XK cá tra sang thị trường Mỹ vẫn giữ được mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái.

 

"Thiệt kép" vì chiến lược hạ giá

 

VASEP cho biết hiện nay, Việt Nam và Trung Quốc là hai nguồn cung duy nhất XK cá tra sang thị trường Mỹ, trong đó, tỷ trọng nhập khẩu (NK) từ Việt Nam chiếm đến 90% tổng NK cá tra của Mỹ.

 

Đáng chú ý, nếu như các năm trước, Trung Quốc chủ yếu chỉ XK sản phẩm cá tra, basa tươi, ướp lạnh sang thị trường Mỹ, thì từ năm 2017 đã bắt đầu tăng sản lượng sản phẩm cá tra philê đông lạnh với tổng giá trị khoảng 37,2 triệu USD.

 

Giá NK cá tra, basa trung bình của Mỹ từ Trung Quốc rất cao, đạt 6,77 USD/kg, trong khi giá NK từ Việt Nam chỉ khoảng 3,42 USD/kg.

 

Dự báo, trong quý II/2018, giá trị XK cá tra sang thị trường Mỹ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2017 nhưng số lượng doanh nghiệp (DN) XK sang thị trường này vẫn ở mức khiêm tốn: dưới 3 DN.

 

Vì sao giá cá tra Việt Nam rẻ hơn của Trung Quốc? Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, đưa ra rất nhiều nguyên nhân.

 

Đầu tiên là do các DN XK cá tra của Việt Nam cạnh tranh không lành mạnh với nhau, mạnh ai nấy làm dẫn tới tình trạng mỗi DN chào một giá, đôi khi còn tự hạ giá sản phẩm để giành hợp đồng.

 

Tiếp đó, do Mỹ áp thuế chống bán phá giá với các DN Việt Nam không đồng đều, có DN chịu 3,78 USD/kg, có DN chịu 7,74 USD/kg, có DN không phải chịu thuế.

 

Theo ông Jean-Charles Diener, Giám đốc công ty TNHH Ofco Sourcing Việt Nam, người tiêu dùng nước ngoài sẵn sàng trả mức giá cao hơn 3-5 USD/kg cá tra, tuy nhiên vì muốn nhanh chóng bán được hàng, các nhà XK cá tra Việt Nam đã tự hạ giá. Chiến lược bán hàng kiểu phá giá của DN Việt Nam thời gian qua đã làm hình ảnh cá tra ngày càng đi xuống. Giá thấp thực sự không phải là tốt như nhiều nhà cung cấp vẫn nghĩ.

 

Ông Jean – Chaneles Diener cảnh báo Việt Nam sẽ mất hàng triệu USD nếu tiếp tục có chiến lược hạ giá, đồng thời nhà NK sẽ tìm ra phương pháp ngăn chặn NK cá của Việt Nam.

 

Hơn nữa, thực tế do bán được giá, các thương lái Trung Quốc thời gian gần đây đã ồ ạt sang Việt Nam thu mua cá tra. Ông Quốc cho biết sau khi mua nguyên liệu ở Việt Nam, các thương lái Trung Quốc đem về nước chế biến, đóng gói dưới thương hiệu Trung Quốc để xuất sang Mỹ. Có trường hợp thương lái trực tiếp đem bao bì của họ sang thu mua cá tra rồi đóng gói ngay tại Việt Nam.

 

"Trung Quốc không có lợi thế phát triển ngành cá tra, chỉ có tỉnh Vân Nam và Quảng Tây nhưng chủ yếu nuôi chơi, nuôi thí nghiệm nên làm gì có mà XK, họ chủ yếu sử dụng vùng nguyên liệu của Việt Nam là chính", ông Quốc cung cấp thông tin.

 

Thống kê của VASEP cho thấy, năm 2017 có hơn 40% cá tra XK sang Trung Quốc thông qua đường tiểu ngạch với giá bán thấp hơn so với đường chính ngạch 1 USD/kg.

 

"Trắng" thương hiệu

 

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân không thể không đề cập là cá tra của Việt Nam chưa có thương hiệu.

 

"Nhắc tới hãng xe Toyota, người dùng nhớ ngay tới nước Nhật, tuy nhiên nói tới cá tra thì ít ai nhớ tới Việt Nam, trong khi cá tra Việt Nam đang XK tới 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới!", ông Quốc chia sẻ.

 

Hiện nay, đa phần DN XK cá tra của Việt Nam vẫn lấy thương hiệu dưới tên thương phẩm của DN, thậm chí chỉ đóng thùng XK cho nhà phân phối nước ngoài và không biết cá tra Việt sẽ mang tên ai, phân phối ở hệ thống siêu thị nào.

 

"Từ lâu, ai cũng biết thực trạng này nhưng chưa có giải pháp ngăn chặn. Về xây dựng thương hiệu, cuộc họp nào chúng tôi cũng đề cập nhưng đến nay vẫn vậy", ông Quốc cho biết.

 

Hiệp hội Cá tra kiến nghị, các DN sản xuất và XK cá tra phải tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đây là yếu tố quan trọng nhất để đáp ứng yêu cầu thị trường. Bên cạnh đó, Nhà nước cùng với DN phối hợp đẩy mạnh công tác truyền thông xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam.

 

Ông Jean-Charles Diener cho rằng điều quan trọng và cần làm nhất bây giờ là xây dựng lại hình ảnh cá tra Việt Nam, vì lâu nay, hàng ra nước ngoài nhưng người tiêu dùng ít biết tới, đặc biệt là khi bán ào ạt sang Trung Quốc.

 

Không ít DN hiểu được bản chất của các hàng rào tiêu chuẩn nhưng lại rơi vào tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận. Sản phẩm làm ra phải đạt chứng nhận này, kia trong khi nhà nhập khẩu chỉ cần một bộ tiêu chuẩn hợp quy của nước NK.

 

Theo vị chuyên gia này, thị trường NK luôn có chiến lược chống lại cá tra Việt Nam, vì thế Việt Nam cũng cần có chiến lược phát triển nhưng chúng ta lại áp dụng phương thức giảm giá, quy trình này cứ lặp đi lặp lại dẫn tới sản phẩm rẻ thì chất lượng lại không đảm bảo.

 

"Một DN NK ở Mỹ luôn thắc mắc với tôi là làm sao giá cá tra Việt Nam lại rẻ như thế, có phải do chất lượng không đảm bảo; Liệu cá tra có gặp vấn đề về an toàn thực phẩm không. Tôi cho rằng không hẳn nhưng đúng là ngành công nghiệp đã không phát triển chiến lược kinh doanh hiệu quả để hỗ trợ sự phát triển nhanh chóng của mình", vị chuyên gia này chia sẻ.

 

Trước mắt, với thị trường Mỹ, ngành cá tra đang phải đối mặt với việc bị áp thuế chống bán phá giá lên đến 7,7 USD/kg chưa kể phải thực thi theo đạo luật Farm Bill, việc XK sang Mỹ chắc chắn sẽ sụt giảm. Năm 2017, XK cá tra sang Mỹ giảm 11% so với năm 2016. Với tình hình trên, dự báo XK cá tra sang Mỹ năm 2018 sẽ giảm tiếp.

 

Hơn nữa, Hiệp hội Cá tra cho biết: "Điều DN lo ngại nhất hiện nay là không biết đợt xem xét hành chính lần thứ 14 mà Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đưa ra sẽ nâng mức thuế lên bao nhiêu. Chưa kể, nếu thị trường Mỹ gây khó khăn cho cá tra, thị trường khác lợi dụng cũng áp đặt rào cản, từ đó gây khó cho chúng ta".

 

Để tránh rủi ro trong thời gian chờ xem xét của Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ (CIT) về thuế chống bán phá giá cá tra vào thị trường Mỹ, ông Quốc cho biết các DN cá tra cần tìm thị trường thay thế như đẩy mạnh XK sang các nước Đông Nam Á, Trung Đông.

 

Theo Thời báo kinh doanh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang