Thứ Sáu, 26/04/2024 15:22:37 GMT+7

Tin đăng lúc 30-12-2020

Lượt xem: 684

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương

Trong 02 ngày 28 và 29 tháng 12 năm 2020, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành trong toàn quốc nhằm đánh giá, tổng kết lại 1 năm đã qua, nhìn lại cả chặng đường 5 năm và đề ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để hoàn thành các mục tiêu phát triển trong năm 2021 cũng như các năm tiếp theo. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã đến tham dự và phát biểu tại Hội nghị.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương

Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương lược trích bài phát biểu của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tại Hội nghị:

 

1. Trước hết, Bộ Công Thương bày tỏ sự nhất trí cao đối với nội dung Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2020 và Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 của Chính phủ. Bộ Công Thương cũng đã lắng nghe và đánh giá cao ý kiến phát biểu của các Đồng chí Lãnh đạo các địa phương và các tập đoàn trong việc nỗ lực triển khai thực hiện thành công mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, đồng thời đề xuất những nội dung công việc và giải pháp để triển khai thực hiện Kế hoạch năm 2021 và những năm tiếp theo.

 

2. Tại Hội nghị này, Bộ Công Thương xin phép nêu một số nội dung cụ thể như sau:

 

2.1. Thứ nhất, đối với năm 2020:

 

- Có thể nói, đây là năm mà cả nước ta triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện có những khó khăn, thách thức hết sức phức tạp ngay từ đầu năm và kéo dài trong suốt cả năm. Cùng lúc, chúng ta phải ứng phó với 3 khó khăn thách thức lớn:

 

+ Một là, dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp ngay từ những ngày đầu năm đã tác động rất sâu sắc tới nền kinh tế Việt Nam - là nền kinh tế có độ mở cao, hội nhập sâu rộng cùng nền kinh tế thế giới. Đặc biệt là các tác động trực tiếp tới chuỗi cung ứng và thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam. Cho tới tận ngày hôm nay, dịch bệnh vẫn đang tiếp tục tạo nên những khó khăn vô cùng to lớn cho kinh tế - thương mại toàn cầu với những biến chủng mới của virus corona đã được phát hiện, đang tạo nên làn sóng thứ 3 của dịch Covid-19 ở nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới.

 

+ Hai là, năm 2020 ghi nhận nhiều diễn biến thiên tai rất bất thường, cực đoan, xảy ra trên nhiều vùng miền của cả nước. Nắng nóng gay gắt kỷ lục trong các tháng đầu năm, sau đó bão và mưa lớn dồn dập vào các tháng cuối năm. Lũ quét, sạt lở đất xảy ra nghiêm trọng tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Đặc biệt là đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày 6 - 22/10 đã gây thiệt hại lớn tại khu vực Trung bộ, nhất là tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển cũng xảy ra trên diện rộng tại đồng bằng sông Cửu Long...

 

+ Ba là, tình hình kinh tế - chính trị trong khu vực và thế giới tiếp tục có những diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa đơn phương và xu hướng bảo hộ, xung đột thương mại tiếp tục gia tăng cũng đã tạo ra thách thức rất lớn đối với Việt Nam trong năm 2020.

 

- Mặc dù đứng trước hoàn cảnh đặc biệt như vậy, song cả nước đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách và đạt được kết quả toàn diện trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Bộ Công Thương cho rằng, có được kết quả như vậy là bởi một số nguyên nhân mang tính bài học kinh nghiệm có thể rút ra trong chỉ đạo điều hành của năm 2020. Đó chính là:

 

+ Sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành và bình tĩnh, sáng suốt trong việc ra quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thực hiện nhất quán, xuyên suốt ngay từ đầu năm phương châm "vừa tập trung kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh".

 

+ Cùng với đó là sự phối hợp một cách đồng bộ, trách nhiệm của tất cả các cơ quan từ Trung ương tới địa phương trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

 

+ Và đặc biệt phải kể đến đó là sự nỗ lực, sáng tạo, vượt qua khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trước những tình huống khó khăn, thử thách gặp phải.


Nhờ đó, chúng ta đã kịp thời giải quyết được nhiều khó khăn, vướng mắc, trong thách thức vẫn tận dụng được cơ hội có được:

 

+ Điển hình là giữa lúc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa gặp khó khăn, song Việt Nam đã khéo léo và kịp thời thực hiện các biện pháp nhằm khai thác tốt cả 2 thị trường này. Qua đó, xuất khẩu của Việt Nam sang cả 2 thị trường này đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng rất cao: Xuất khẩu sang Mỹ đạt gần 76,5 tỷ USD, tăng 24,7%; xuất khẩu sang Trung Quốc đạt gần 48,8 tỷ USD, tăng 17,7%. Và như vậy, cùng với việc khai thác rất có hiệu quả thị trường EU ngay sau khi Hiệp định Thương mại tự do EVFTA có hiệu lực thực thi từ ngày 01/8, đã đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam cả năm 2020 đạt mức 281,47 tỷ USD, tăng 6,5%, là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong khu vực và thế giới.

 

+ Chúng ta cũng đã tranh thủ xu hướng chuyển dịch thương mại - đầu tư trên thế giới để tập trung đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu trong lĩnh vực công nghiệp và tiến dần trong chuỗi giá trị ở một số ngành công nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Trong năm 2020, chúng ta đã nỗ lực tập trung đẩy mạnh Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và có cơ hội tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, thông qua các hoạt động hỗ trợ xúc tiến đầu tư, kết nối thị trường; nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; kết nối với các Tập đoàn lắp ráp đa quốc gia và các nhà cung ứng lớp trên thế giới nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI... Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp trong nước đã tham gia thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều hãng sản xuất đa quốc gia lớn cũng đã và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư hoặc đầu tư mới tại Việt Nam như Toyota, Ford, Honda, Hyundai, Mazda, Mitsubishi, Foxconn, Samsung...

 

2.2. Kính thưa Thủ tướng Chính phủ, thưa các Đồng chí

 

Bước sang năm 2021, trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới được đánh giá tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có những biến chủng mới và tiếp tục lan rộng, chưa được kiểm soát tốt ở nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới, Bộ Công Thương xin đề xuất một số giải pháp trọng tâm cần được các Bộ ngành, địa phương phối hợp tập trung triển khai cụ thể như sau:

 

- Thứ nhất, Bộ Công Thương cho rằng cần tuyệt đối không được chủ quan, mất cảnh giác, phải bảo đảm thực hiện tốt công tác kiểm soát dịch bệnh ở trong nước. Coi đây là yếu tố quyết định để bảo đảm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2021. Theo đó, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ tiếp tục có chỉ đạo toàn diện, đồng bộ để các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh.

 

- Thứ hai, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm với nhiều chủ trương, định hướng lớn của Đảng cần được cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện. Do vậy, các Bộ ngành, địa phương cần tập trung nghiên cứu, xây dựng để tổ chức triển khai thành các chính sách, chương trình cụ thể nhằm đưa chủ trương, định hướng lớn của Đảng vào cuộc sống.

 

+ Về phía Bộ Công Thương, đối lĩnh vực năng lượng và công nghiệp, Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung đẩy nhanh triển khai ngay việc ban hành các cơ chế chính sách và khung khổ để thúc đẩy phát triển trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp. Trước hết là tập trung xây dựng để sớm trình Chính phủ ban hành Tổng sơ đồ điện VIII, kèm theo đó là các cơ chế chính sách cụ thể để khơi thông và huy động nguồn lực, đặc biệt là từ khu vực kinh tế tư nhân, kinh tế ngoài nhà nước để tạo dựng nền tảng năng lượng vững chắc cho những năm tới đây theo tinh thần Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị, trong đó sẽ nhấn mạnh vai trò của các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để phục vụ phát triển bền vững của đất nước.

 

Đối với lĩnh vực công nghiệp, Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung để triển khai thực hiện một cách cụ thể và toàn diện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về định hướng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia, mà mới đây Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 03/9/2020 ban hành Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết này của Bộ Chính trị. Cùng với đó, tập trung đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại các ngành công nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo nhằm tạo bứt phá và động lực mới cho tăng trưởng ở giai đoạn tiếp theo.

 

+ Đối với thương mại nội địa, Bộ Công Thương xác định năm 2021 sẽ là năm nhấn mạnh vai trò của thị trường trong nước, tập trung cao hơn các giải pháp để khai thác tốt nội nhu cho tăng trưởng kinh tế, khai thác có hiệu quả khu vực thị trường gần 100 triệu dân với sự gia tăng cao của tầng lớp trung lưu, phát huy động lực tăng trưởng từ thương mại trong nước. Theo đó, trọng tâm là tập trung xây dựng và hình thành các trung tâm logistics lớn trong cả nước, đặc biệt là các mô hình trung tâm phân phối lớn nhằm tăng cường công tác quản lý chuỗi cung ứng sản xuất với qui mô lớn và lưu thông, phân phối hàng hóa. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, phát triển mạnh thương mại điện tử và sự gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị, chú trọng đến các mặt hàng nông sản. Đồng thời tăng cường quản lý, kiểm tra thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ.

 

- Thứ ba, Bộ Công Thương cho rằng năm 2021 các Bộ ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung tháo gỡ về cơ chế chính sách, tạo điều kiện để mở rộng tối đa cơ hội phát triển cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta đang có những cơ hội tốt về thị trường. Tới nay, Việt Nam đã ký kết 15 FTAs, trong đó 13 FTAs đã chính thức đi vào thực thi. Chúng ta đã có những đổi mới và kinh nghiệm tốt trong quá trình triển khai các FTAs đã ký kết, đặc biệt là các FTAs thế hệ mới như CPTPP, EVFTA. Việc này Chính phủ đã có các Chương trình hành động để thực thi các FTAs. Các Bộ ngành và địa phương cần coi đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt để tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa để trong thời gian tới, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chiếm lĩnh tốt hơn ở các thị trường quốc tế.

 

- Thứ tư, cần tiếp tục đẩy nhanh thực hiện Chính phủ điện tử và dịch vụ công trực tuyến để hỗ trợ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số. Coi đây là giải pháp tạo đột phá trong phát triển của năm 2021 và những năm tiếp theo. Các Bộ ngành và các địa phương cần cùng tập trung thực hiện theo Kế hoạch chung về chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đối với việc này, Bộ Công Thương đã tập trung triển khai hết sức quyết liệt trong năm 2020. Điển hình như trong công tác xúc tiến thương mại, Việt Nam là một trong 2 quốc gia đầu tiên trên thế giới[1] tổ chức các hội nghị giao thương, xúc tiến thương mại trực tuyến trong bối cảnh Covid-19. Đồng thời, Bộ Công Thương đã tiến hành các hoạt động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng các nền tảng số vào XTTM và quảng bá thương hiệu theo hướng kết hợp trực tiếp và trực tuyến giúp doanh nghiệp tiếp cận đối tác, thị trường xuất khẩu có hiệu quả ngay tại “nhà”. Theo đó, trong năm 2020 Bộ Công Thương và các Bộ ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp tổ chức trên 500 hội nghị XTTM quốc tế bằng hình thức trực tuyến. Qua đó, trên 1 triệu phiên giao thương trực tuyến được thực hiện, hàng trăm nghìn doanh nghiệp Việt Nam đã được hỗ trợ XTTM trực tuyến với các đối tác nước ngoài trên khắp 5 châu lục. Rất đáng mừng là đến nay, mô hình này đã trở thành hình thức XTTM - ĐT lan tỏa ra hầu hết các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp trên cả nước.

 

3. Kính thưa các Đồng chí, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tiếp theo. Để tiếp tục góp phần tích cực vào sự phát triển chung của cả nước, trước hết là thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Bộ Công Thương đã tiến hành xây dựng Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 01 năm 2021 của Chính phủ để có thể chính thức ban hành ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01 và tập trung chỉ đạo thực hiện cụ thể ngay từ những ngày đầu của năm 2021.

 

Nhân dịp bước sang năm mới 2021, xin kính chúc Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và các đồng chí Lãnh đạo các địa phương và toàn thể các Đồng chí một năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ của năm 2021!

 

Theo Chinhphu


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang